Thái Bình: Hàng trăm hộ dân 'mất đất' sau khi cho doanh nghiệp thuê 10 năm?

'Chúng tôi chỉ biết là đất của mình cho thuê 10 năm, nay chúng tôi phải được trả lại'.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Mạnh Hùng (Tiền Hải, Thái Bình) trong câu chuyện đi đòi lại đất nông nghiệp đã cho doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải thuê 10 năm (đến năm 2013). Nhưng đến khi hết thời hạn thuê mới vỡ lẽ đất của mình đã bị thu hồi vĩnh viễn.

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng ông Hùng mà còn là câu chuyện của gần 100 hộ dân 2 xã Đông Lâm và Đông Cơ khi nhiều năm nay họ đội đơn khắp nơi để đòi quyền lợi, đòi lại đất bị mất một cách vô lý vào tay các doanh nghiệp gạch, gốm sứ như: Viglacera, Long Hầu, Hảo Cảnh, MIKADO... trong KCN Tiền Hải.

Theo thỏa thuận chính quyền xã, người dân cho các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải thuê 10 năm

Theo thỏa thuận chính quyền xã, người dân cho các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải thuê 10 năm

Trở lại câu chuyện những năm 2002, 2003, người dân xã Đông Lâm và Đông Cơ (Tiền Hải, Thái Bình) bị thu hồi đất để phục vụ dự án cho một số nhà máy hoạt động.

Người dân 2 xã này cho biết, vào thời điểm đó, xã và thôn đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn về phương án bồi thường hỗ trợ. Trong các biên bản do xã, thôn lập thể hiện với người dân, họ chỉ cho doanh nghiệp thuê đất 10 năm, đến năm 2013. Giá bồi thường cho người dân là khoảng 6,2 triệu đồng/sào.

Theo lý đã thỏa thuận, đến năm 2013, người dân phải được nhận lại đất ruộng của mình để tiếp tục canh tác. Nhưng đến nay đã quá thời gian thỏa thuận nhiều năm, họ không thấy doanh nghiệp nào trả lại đất.

Nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp trả lại đất hoặc trả tiền thuê đất không được, người dân xã Đông Lâm, Đông Cơ gửi đơn tới các cơ quan chức năng để đòi lại đất. Lúc này họ mới ngã ngửa, khi các cơ quan giải quyết khiếu nại đưa ra các văn bản quyết định của tỉnh Thái Bình về việc thu hồi đất của họ và giao cho các doanh nghiệp này từ năm 2002 sử dụng đến hết năm 2040, có doanh nghiệp đến 2059.

Ông Phan Anh Dũng (người dân có đất cho doanh nghiệp thuê) cho biết, nếu thời điểm đó đó cán bộ xã không họp thống nhất và làm biên bản cho thuê đất 10 năm thì không đời nào chúng tôi để mất đất về tay doanh nghiệp với giá rẻ mạt như vậy. Thống nhất với người dân cho doanh nghiệp thuê đất 10 năm nhưng UBND tỉnh Thái Bình lại có quyết định cho doanh nghiệp thuê đất đến 40 – 50 năm, thế khác nào lừa dân.

Đất này là đất trồng lúa của gia đình tôi từ thời cha ông, không thể đơn giản bị thu hồi cho doanh nghiệp thuê mà chỉ bồi thường hỗ trợ theo hạn mức 10 năm được. Nếu doanh nghiệp muốn thuê tiếp thì phải trả thêm tiền chứ không thể lấy không đất một cách vô lý và bất minh như vậy – ông Dũng bức xúc.

Ông Phạm Mạnh Hùng cũng bày tỏ sự bức xúc, chính quyền địa phương vào thời điểm đó đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và đưa ra những quyết định và thông tin thiếu minh bạch. "Đó là lỗi của cán bộ xã đã nhận thức sai pháp luật, vậy chính quyền phải chịu trách nhiệm chứ không thể bắt người dân phải chịu thiệt thòi vì lỗi không biết. Chúng tôi chỉ biết đất của mình cho thuê 10 năm, nay chúng tôi phải được nhận lại"– ông Hùng chia sẻ.

Được biết, tại tỉnh Thái Bình, Tiền Hải không phải là huyện duy nhất xảy ra tình trạng người dân đòi lại đất của doanh nghiệp. Tương tự, thời gian qua, ở KCN Đông Tu (huyện Hưng Hà), người dân đã không ít lần bao vây, cản trở hoạt động của các nhà máy yêu cầu trả lại đất cho họ cũng chỉ vì sự mập mờ trong việc thuê đất 10 năm nhưng thực chất chính quyền đã giao lâu dài cho doanh nghiệp.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!

Lan Vũ - Minh Huệ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thai-binh-vi-sao-dan-doi-lai-dat-da-cho-doanh-nghiep-thue-150644.html