Thái Bình: Dựng bia đá truyện 'Bến không chồng'

Cuốn tiểu thuyết 'Bến không chồng' của nhà văn Dương Hướng đã nhận được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1991, giải thưởng Nhà nước, 14 lần tái bản, được dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế và chuyển thể thành 23 tập phim. Mới đây, truyện 'Bến không chồng' được dựng bia đá tại bến nước, nơi tích đời quyện trong trang tiểu thuyết.

Bến sông Đình Đoài từng diễn ra cuộc tiễn đưa trên 1.500 trai làng ra mặt trận, 230 người ra đi mãi mãi không về.

Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1949, ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dương Hướng là con trai độc nhất trong một gia đình 4 chị em thuần nông, giàu truyền thống cách mạng. Năm 1965, ông lên đường nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông xuất ngũ về làm việc ở Hải quan Quảng Ninh và rất đam mê với sáng tác văn học.

Những tác phẩm của Dương Hướng, từ trang viết nhỏ, mẩu truyện ngắn, đến cuốn tiểu thuyến đồ sộ... văn phong không mỹ miều, học thuật mà mộc mạc chân quê, thực tế, mỗi con chữ đầy ắp hơi thở cuộc sống.

Tiểu thuyết “Bến không chồng” như tạc lại chân dung của một vùng quê, hậu phương của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, xót thương và anh dũng. Truyện có nhiều chi tiết còn giữ nguyên tên người, tên đất và những công việc thường ngày của làng quê.

Bút pháp đậm chất văn học, có thăng hoa khắc họa điển hình nhân vật, nhưng gần gũi với thực tế của một vùng quê hậu phương cho tiền tuyến ngày ấy, với phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1949, nhập ngũ 1965, xuất ngũ năm 1976, viết tiểu thuyến Bến không chồng 1990 đề tài chính về quê hương mình - hậu phương thời kháng chiến.

Thụy Liên - vùng lập điền lấn biển, ruộng đồng chua mặn, dân thưa. Thập kỷ 60, xã chỉ có khoảng trên dưới một nghìn nóc nhà, mà chi viện cho tiền tuyến một lực lượng khổng lồ sức người, sức của với trên 1.500 thanh niên trai tráng. Ở quê nhà, gái thay chồng “Tay cày, tay cuốc đảm đang”, tạo ra cánh đồng 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc. Nhưng chiến tranh đã để lại cho vùng đất này nhiều đau thương mất mát, 230 trai làng ra đi mãi mãi không về, để lại bao góa phụ, 31 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều cô gái không chồng, sự éo le phát sinh nhiều mâu thuẫn mới trong đời sống xã hội của một vùng quê vốn yên ả.

Xung đột biến lành thành dữ, nhà văn như đi trước hiện thực, vẽ ra bức tranh cuộc sống hàng thập kỷ sau mới có phép kiểm chứng, nghiệm thấy rõ hơn giá trị trang sách với cuộc đời. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng như một thiên dã sử, được chính quyền địa phương tôn vinh dựng bia đá lưu danh chuyện và đời.

Công trình lưu tích “Bến không chồng” gồm nhiều hạng mục như: Dựng bia đá khắc đại tự, khuôn viên, tiểu cảnh, kè đá hai bên bờ con sông Đình Đoài, nơi diễn ra những cuộc chia ly nước mắt, kẻ đi người ở cách đây 1/2 thế kỷ. Tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa, ngoài ngân sách.

Học sinh, sinh viên các trường trong và ngoài tỉnh thực tế trang sách văn học viết về lịch sử hậu phương thời kháng chiến.

Cụm lưu niệm tích “Bến không chồng” hiện chưa xây dựng xong đã được nhiều người quan tâm ngưỡng mộ, già thì đến tham quan vãn cảnh, dưỡng sinh, trẻ thì đến vui chơi, tìm hiểu người xưa tích cũ. Công trình xây dựng như một thực cảnh lịch sử - văn hóa ở địa phương.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/thai-binh-dung-bia-da-truyen-ben-khong-chong.html