Thái Bình: Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,06%

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh Thái Bình giảm nhanh và bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,61% năm 2016 xuống còn 4,01% năm 2017 và 2,66% năm 2019, dự kiến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06%.

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, vốn vay ưu đãi); tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Người nghèo xã Việt Hùng (Vũ Thư) được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở.

Người nghèo xã Việt Hùng (Vũ Thư) được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở.

Để chương trình giảm nghèo triển khai hiệu quả, cùng với các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan cũng ban hành văn bản thực hiện công tác giảm nghèo thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị, chỉ đạo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã, phường) tổ chức các hoạt động trong chương trình giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến giảm nghèo.

Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo các huyện, thành phố hàng năm căn cứ mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng huy động nguồn lực. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 8.097 hộ nghèo, 6.315 hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí trên 566 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm nâng cao đời sống, thu nhập, bảo đảm anh sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, BHYT, chăm sóc sức khỏe cũng được các địa phương tích cực triển khai.

Đến nay, toàn tỉnh có 428 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí khoảng 11.984 triệu đồng; trên 133.000 người nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm; 368.000 thẻ BHYT được cấp cho người nghèo, người cận nghèo với tổng kinh phí trên 275 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý... được người nghèo tiếp cận đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ đã thực sự phát huy hiệu quả giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.

X.MAI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thai-binh-du-kien-den-cuoi-nam-2020-ty-le-ho-ngheo-con-206-20201031175802336.htm