Thái Bình chào xuân mới với ba dự án trọng điểm

Ngày 27/2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình cùng các nhà đầu tư, nhà thầu tổ chức ba sự kiện tại các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Đó là khởi công Tuyến đường bộ TP. Thái Bình - cầu Nghìn; Công bố Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip-1) phân khu Bắc và Hợp long cầu vượt sông Trà Lý trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Ngày 27/2/2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình cùng các nhà đầu tư, nhà thầu tổ chức 3 sự kiện lớn: Khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP. Thái Bình - cầu Nghìn; Công bố Quyết định số 180/QĐ-TTg ngày 8/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ Chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip - 1) phân khu Bắc, hạng mục: khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình và Hợp long cầu vượt sông Trà Lý trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thái Bình nhấn nút động thổ Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip-1) phân khu Bắc, hạng mục khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình.

Đây là những sự kiện, dự án trọng điểm có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh, chào xuân mới, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cụ thể hóa mục tiêu giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

1. Khởi công tuyến đường TP. Thái Bình - cầu Nghìn

Sáng 27/2/2021, Tuyến đường TP. Thái Bình đi cầu Nghìn dài 21,28 km, tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, tổng vốn đầu tư 2.586,8 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng, tạo ra một một tuyến đường động lực mới, hiện đại cho tỉnh Thái Bình và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Cấp thiết cần có một con đường

Quốc lộ 10 là tuyến đường liên tỉnh chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc bộ qua Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa với chiều dài 212 km, là tuyến đặc biệt quan trọng, kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Đây là những sự kiện, dự án trọng điểm có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh, chào xuân mới, chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa mục tiêu giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Hiện nay, Quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan (Hải Phòng) đến cầu Nghìn (Thái Bình) và đoạn từ TP. Thái Bình đến cầu Tân Đệ (Thái Bình) đã được đầu tư mở rộng lên 4 làn xe, chỉ còn đoạn giữa từ TP. Thái Bình đến cầu Nghìn (21,28 km) đang có quy mô cấp III với 2 làn xe. Hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình, hai bên đường đoạn này đã xuất hiện các khu công nghiệp, dân cư ngày một đông hơn, lưu lượng vận tải hàng hóa ngày càng lớn hơn nhiều, lưu lượng giao thông tăng… dẫn đến ùn tắc, không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lưu thông hàng hóa của các tỉnh và nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Do vậy, việc triển khai đầu tư dự án đường TP. Thái Bình đi cầu Nghìn là cần thiết.

Trước yêu cầu cấp thiết này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã có Văn bản số 628-TB-TU ngày 19/3/2019 thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường từ TP Thái Bình đến cầu Nghìn. UBND tỉnh đã hoàn thiện các thủ tục có liên quan và có Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án số 217/TTr-UBND ngày 4/12/2019 và được HĐND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 và Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 26/5/2020. Cùng với đó, Dự án cũng được ủng hộ và giúp đỡ của lãnh đạo TP. Hải Phòng.

Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình giao thông tỉnh Thái Bình đã cùng các đơn vị liên quan khảo sát, lập Dự án trình Bộ Giao thông - Vận tải, các sở, ngành địa phương có thẩm quyền thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, dự án đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp phục vụ xây dựng tuyến đường. Ban Quản lý đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Qua hai vòng sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 5/02/2021, đó là liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty cổ phần Lam Sơn Thái Bình, Công ty cổ phần Damsan và Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thành.

Tuyến đường tiêu chuẩn cấp II hiện đại

Dự án Tuyến đường bộ TP. Thái Bình - cầu Nghìn với tổng chiều dài 21,28 km, điểm đầu tiếp giáp với đường dẫn đầu cầu vượt sông Hóa (xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ), điểm cuối đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp (xã Đông Mỹ, TP. Thái Bình). Toàn tuyến xây mới 4 cầu với chiều dài 397,6 m gồm cầu sông Cô, cầu sông Diêm Hộ, cầu sông Tiên Hưng và cầu sông Sa Lung. Đường thiết kế tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, vận tốc 100 km/h, mặt 4 làn xe, bề rộng 15m (có giải phân cách giữa), bề rộng nền đường 22,5 m. Kết cấu loại mặt đường cấp cao A1, 2 lớp bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm bảo đảm yêu cầu ≥ 160Mpa (theo 22TCN211-06).

Hệ thống an toàn giao thông được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Giải phân cách giữa gắn tiêu phản quang để dẫn hướng xe chạy, trên đỉnh giải có lưới chống chói. Hệ thống chiếu sáng hiện đại được thiết kế tại các vị trí nút giao, hầm chui dân sinh cùng hệ thống đèn tín hiệu tại 6 nút giao.

Dự án thuộc nhóm công trình giao thông, nhóm A. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023. Thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường hoàn vốn là 23 năm (từ 2023 đến 2046).

Tổng mức đầu tư 2.586,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh và các vốn huy động hợp pháp khác là 785,97 tỷ đồng. Vốn đầu tư của nhà đầu tư là 1.800,86 tỷ đồng gồm vốn chủ sở hữu 330,9 tỷ, vốn huy động 1.470,77 tỷ đồng.

Mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn

Dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) - một trong các hình thức huy động vốn xã hội, tiết kiệm vốn Chính phủ, địa phương, tạo nguồn thu ngân sách và thu hút nguồn vốn từ các hoạt động dịch vụ, tạo việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia và địa phương.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ TP. Thái Bình - cầu Nghìn sẽ kết nối các tuyến đường hiện có trong khu vực (Quốc lộ 10, Quốc lộ 39, ĐT.396B, ĐT.455, các tuyến đường liên xã), từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tỉnh Thái Bình theo quy hoạch.

Tạo tiền đề cho khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất dọc theo tuyến đường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm sự chênh lệch giữa các vùng, thu hút đầu tư khu vực giàu tiềm năng.

Rút ngắn thời gian từ Thái Bình đến sân bay quốc tế Cát Bi, đến các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 10 hiện hữu.

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Bình, khu vực và cả nước.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt tạo điều kiện phát triển quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, kích thích đầu tư.

2. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN - Đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green IP-1) Phân khu Bắc, Hạng Mục: Khu công nghiệp.

Ngày 8/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 180/QĐ-TTg chủ chương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green ip-1) phân khu Bắc, hạng mục: khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Green I-Park. Dự án có quy mô 588,84 ha, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng, trong đó vốn góp 600 tỷ, vốn huy động 3.285 tỷ, tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy). Đây là dự án “xông đất” Khu kinh tế Thái Bình - một khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, ít gây ô nhiễm; ưu tiên thu hút công nghiệp chủ lực như điện, điện tử, công nghệ thông tin; phần mềm tin học, cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa, ô tô, phụ trợ, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm và thiết bị y tế công nghệ cao.

3. Hợp Long cầu Trà Lý

Cầu Trà Lý là công trình trọng điểm của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 1.200 m với 23 nhịp cầu, trong đó có 5 nhịp cầu chính, nhịp chính giữa sông dài 135 m. Khởi công xây dựng từ quý I/2020, sau gần 1 năm khẩn trương thi công, cầu Trà Lý đã chuẩn bị hợp long. Đây là sự nỗ lực rất lớn của nhà thầu cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công công trình.

Là một trong 2 cây cầu lớn nhất trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, việc sớm hoàn thành cây cầu sẽ có ý nghĩa quan trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến giao thông trọng điểm, thiết thực phục vụ các dự án quy hoạch trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt với Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đi vào hoạt động sẽ trở thành tuyến huyết mạch tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại Khu kinh tế Thái Bình.

Quý Hưng - Mạnh Tùng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thai-binh-chao-xuan-moi-voi-ba-du-an-trong-diem-d138454.html