Thái Bình: Cần xử lý triệt để nhà máy thép ShengLi gây ô nhiễm môi trường

Từ ngày Nhà máy thép ShengLi đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân quanh khu vực nhà máy bị ảnh hưởng nặng nề do nhà máy thường xuyên lợi dụng xả khói vào buổi tối, nhất là lúc trời mưa to hay khi có giông tố. Mùi khét, tiếng ồn bao trùm cả một vùng trời rộng lớn trên địa phận giáp giữa tỉnh Thái Bình và TP Hải Phòng.

Sống trong khốn khổ

Trong nhiều năm qua, Công ty TNHH thép đặc biệt ShengLi đã nhiều lần bị xử phạt, nhắc nhở nhưng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này vẫn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Theo đó, ước chừng có khoảng gần 1.500 hộ dân (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và hàng trăm người dân thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ, Thái Bình) bị ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Đẻ có những ghi nhận, chúng tôi đã có mặt tại khu vực Nhà máy Thép ShengLi để ghi nhận thông tin người dân phản ánh. Theo đó, vào giờ hành chính, nhà máy gần như dừng hoạt động ngoại trừ khu vực bến thủy phía ngoài bờ đê sông Hóa, cách không xa nhà máy, hàng chục công nhân, máy móc, cần cẩu, xe ô tô tải vẫn làm việc để đưa nguyên liệu vào khu luyện kim. Hàng ngày, từng đoàn xe tải cũ nát, cơi nới thành thùng, chở có ngọn băng băng qua thân đê, có cả những chiếc xe không biển số.

Khói bụi gây ô nhiễm từ nhà máy cán thép Shengli

Khói bụi gây ô nhiễm từ nhà máy cán thép Shengli

Tiếng ồn từ nhà máy, tiếng bốc dỡ nguyên liệu, tiếng xe tải gầm rú chở hàng vào khu luyện kim ầm vang cả một vùng. Những làn khói đen giống như chiếc vòi rồng bay lên từ 2 ống khói lớn kèm theo đó là mùi khói khét lẹt, nồng nặc mùi kim loại khiến mọi người đều rất khó chịu mỗi khi hít phải. Hoạt động tấp nập diễn ra bắt đầu từ 20h hàng ngày.

Ông Đ.V.Q – xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo) cho biết, công ty cán thép này đặt trên đất Quỳnh Phụ (Thái Bình) nhưng toàn bộ ô nhiễm lại ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân phân bố dọc trên địa bàn bờ sông Hóa thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Trước đây, công ty này xả khói, hoạt động suốt ngày đêm. Khoảng 1 năm trở lại đây, họ chuyển sang chỉ xả khói vào buổi tối. Mỗi lần, công ty này xả khói, mùi khét len lỏi vào từng nhà dân, mặc dù cửa đóng kín cũng không ngăn được.

Bà B.T.T – xã Hưng Nhân cho biết, nước cũng bị ô nhiễm do nhà máy xả thải. Rau màu cứ héo úa mà chết, dù không có sâu bệnh. Nhìn chung, cây cối trồng không thể phát triển được do bụi nhiều. Đáng lẽ nhà máy này phải được đặt xa khu dân cư nhưng không hiểu sao, hơn 10 năm nay công ty này vẫn tồn tại mặc người dân khổ sở, kêu cứu.

Xử phạt nhưng vẫn tiếp tục gây ô nhiễm

Được biết, trong quá trình hoạt động Công ty thép Shengli đã nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Ngày 31/5/2012 Sở TNMT tỉnh Thái Bình đã tổ chức đoàn kiểm tra giám sát, cho thấy Công ty TNHH thép đặc biệt Shengli có vi phạm các quy định về công tác bảo vệ môi trường. Do đó, ngày 4/6/2012, Thanh tra Sở TNMT Thái Bình đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này, xử phạt chính 55 triệu đồng, phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1147/STNMT-CCBVMT ngày 12/12/2011 do Sở TNMT tỉnh Thái Bình cấp. Năm 2015, doanh nghiệp này cũng đã bị xử phạt hành chính gần 2 tỷ đồng với 2 lỗi xả nước thải và khí thải, bụi vượt quá ngưỡng cho phép.

Một góc của nhà máy nơi gây ra nhiều mùi khói bay ra môi trường

Đã rất nhiều lần người dân ở đây có đơn kêu cứu về tình trạng này và theo họ những năm gần đây, nhiều người dân trong thị trấn mắc các bệnh về phổi, tỷ lệ chết vì ung thư ngày càng nhiều và trẻ hóa. Không chỉ riêng 1.500 người dân Vĩnh Bảo bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy cán thép Shengli, hàng trăm hộ dân tại thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng đã và đang hàng ngày phải chịu đựng.

Công ty thép Shengli đã từng bị xử phạt rất nặng nhưng thực tế cho thấy vấn đề lại không được xử lý dứt điểm. Theo luật sư Phan Anh Tuấn, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Người thực hiện hành vi vi phạm buộc phải khôi phục tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định, thực hiện các biện pháp khắc phục và chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc, phân tích mẫu môi trường.

Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tù lên tới 7 năm, phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm đối với cá nhân.

Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền lên tới 20 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1 - 3 năm, hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, Điều 602 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.”

Chúng tôi tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/thai-binh-can-xu-ly-triet-de-nha-may-thep-shengli-gay-o-nhiem-moi-truong-71251.html