Thaco mở nhà máy xe bus lớn nhất Đông Nam Á

Tập đoàn Ô tô Trường Hải ngày 8-12 đã khánh thành nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô buýt (Bus Thaco) có quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Quảng Nam.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ ba, bên trái) cho biết Chính phủ cam kết phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước. Ảnh TH

Nhà máy Bus Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9-2016, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng trên diện tích 17 ha; có công suất thiết kế 20.000 xe/năm (8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus). Nhà máy có dây chuyền sơn tĩnh điện gồm 10 bể có thể nhúng toàn bộ thân vỏ xe có chiều dài 13,7 m được vận hành tự động. Đây là dây chuyền sơn tĩnh điện duy nhất tại Đông Nam Á và là một trong 22 dây chuyền sơn tĩnh điện đang có trên thế giới tính đến thời điểm này.

Dây chuyền lắp ráp hoàn thiện với hệ thống vận hành tự động và cấp phát vật tư bằng các robot tự hành. Đặc biệt đường thử xe với chiều dài 2,4 km mô phỏng các địa trong thực tế để phục vụ khâu kiểm tra chất lượng của xe trước khi xuất xưởng.

Tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương cho biết trong nhiều năm qua doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Bắt đầu là các dòng xe bus mang thương hiệu Thaco - Việt Nam đạt chất lượng quốc tế và có tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, nhằm đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang các nước ASEANvào năm 2018.

Tháng 6-2011, Thaco đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất xe bus đầu tiên tại Việt Nam với công suất lên đến 5.000 xe/năm. Giai đoạn ban đầu, công ty sử dụng khung gầm của hãng Hyundai (Hàn Quốc). Đến năm 2013, Thaco đã tự thiết kế và sản xuất khung gầm nhãn hiệu Thaco, nâng tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ xe lên đến 50%.

Đến nay, Thaco trở thành nhà sản xuất xe bus hàng đầu ở Việt Nam, với 14.000 xe đã bán ra thị trường, chiếm 54% thị phần. Đặc biệt, xe khách giường nằm Thaco Mobihome hiện chiếm 86 % thị phần trong nước.

Tại sự kiện, Thaco đã ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu xe sang Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe, trong đó, 550 xe được giao trong năm 2018.

Chính phủ cam kết phát triển ngành công nghiệp ô tô

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ trong phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam qua bản chiến lược và quy hoạch phát triển ngành ô tô giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Để xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn, ông Dũng nói.

Phó thủ tướng dẫn chứng số liệu thống kê, cho thấy khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu, trong khi đó, số xe trung bình trên 1.000 dân mới chỉ là 50 (tỷ lệ 5%). Đến 2035, dự kiến sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp thu nhập trung bình, và vì thế xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 đô la Mỹ. Ông cho biết tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô trong nước đạt khoảng trên 460 ngàn xe/năm. Mỗi năm, ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỉ đô la Mỹ và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra các điểm hạn chế cần khắc phục như giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa tự thiết kế, sản xuất được những mẫu xe phù hợp với điều kiện giao thông, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Cùng với đó, mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (60%) đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đã không thực hiện được.

Tư Hoàng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/266113/thaco-mo-nha-may-xe-bus-lon-nhat-dong-nam-a.html