Thách thức xóa bỏ văn hóa 'quân đội đảo chính' sau bầu cử Thái Lan

Một số đảng ủng hộ dân chủ đã đưa ra các đề xuất cải cách quân đội để chấm dứt văn hóa đảo chính tồn tại cả thế kỷ nay ở Thái Lan, nếu họ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 24/3.

Một trong số thử thách khó khăn mà các đảng chính trị ủng hộ dân chủ ở Thái Lan phải đối mặt là cải cách quân đội một khi chính phủ mới được thành lập sau cuộc bầu cử ngày 24/3. Đây là cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong 8 năm qua tại Thái Lan, đất nước chìm trong sóng gió chính trị hơn một thập kỷ nay.

Dù chính quyền quân sự phản đối mạnh mẽ, những đảng này có sự ủng hộ vững chắc từ những cử tri trẻ, nhóm có quan điểm chống lại ảnh hưởng quá lớn của quân đội lên chính trị Thái Lan, theo South China Morning Post (SCMP).

Lực lượng an ninh Thái Lan bắt giữ người biểu tình trong cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014. Ảnh: Reuters.

Lực lượng an ninh Thái Lan bắt giữ người biểu tình trong cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014. Ảnh: Reuters.

Quân đội chống đối mạnh mẽ

Trở ngại từ phía quân đội được thể hiện rõ vào tháng trước. Sau khi nghe tin đảng Pheu Thai đề xuất giảm 10% ngân sách cho quân đội, Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan Apirat Kongsompong phản ứng gay gắt.

Ông nói những ai đứng sau đề xuất trên cần phải nghe lại bài hát Nak Phandin (tạm dịch: Trọng trách của đất nước), chính là bài hát mà những kẻ cực hữu đã hát khi thảm sát các nhà hoạt động dân chủ vào năm 1976.

Không ai hoài nghi về thông điệp của ông Apirat. Bất kỳ ai muốn cải cách quân đội sẽ được coi là kẻ thù của chính quyền.

Song các nhóm ủng hộ dân chủ vẫn nhiệt tình với những đề xuất trên. Thunathorn Juangroongruangkit, tỷ phú đứng đầu đảng Future Forward (tạm dịch: Hướng đến Tương lai), nói với SCMP: “Chúng tôi tự hỏi đây có phải điều nên làm không. Nếu có, chúng tôi sẽ đấu tranh vì nó”.

“Nếu có ai nghĩ rằng điều này là không thể, hay không khả thi, thì nên ở nhà với gia đình”, chính khách 40 tuổi nói.

Trong bối cảnh quân đội nhiều khả năng không từ bỏ ảnh hưởng lũng đoạn đối với chính trị Thái Lan, ông Thanathorn nói thay đổi sẽ phụ thuộc vào cử tri.

Quân đội Thái Lan, được thành lập năm 1874, đã đảo chính 19 lần trong 87 năm qua, trong đó có 12 lần thành công, bao gồm hai cuộc đảo chính trong hai thập kỷ vừa qua lật đổ các chính quyền của gia đình Shinawatra quyền lực.

“Nếu không cải tổ quân đội, làm sao bạn có thể chấm dứt văn hóa đảo chính ở Thái Lan”, ông Thanathorn nói.

Đảng của ông nằm trong nhóm các đảng được coi là ủng hộ dân chủ, như Pheu Thai, Seri Ruam Thai, Prachachart.

Đảng Future Forward của ông Thunathorn Juangroongruangkit đang kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri trẻ trong tham vọng cải cách quân đội. Ảnh: AFP.

Các đề xuất cải cách

Ngoài việc cắt ngân sách cho lực lượng quân đội có 360.000 quân, các cải cách khác bao gồm cắt giảm chương trình nghĩa vụ quân sự, vốn yêu cầu 100.000 nam giới mỗi năm thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian hai năm.

Các đảng nói trên cho rằng lính được gọi nhập ngũ thường phải làm các công việc chân tay, phục vụ các sĩ quan cấp trên, trong khi họ có thể xây dựng sự nghiệp của mình trong xã hội dân sự.

Một đề xuất khác là di chuyển các doanh trại quân đội ra khỏi thủ đô Bangkok để khiến việc đảo chính khó khăn hơn. Các cuộc đảo chính thường được thực hiện bởi lực lượng quân đội đông đảo tập trung trong các doanh trại.

Watana Muangsook, thành viên đảng Pheu Thai trung thành với nhà Shinawatra, nói những đề xuất trên cần được thực hiện trong vòng hai năm sau khi chính phủ mới được thành lập.

“Chúng ta có thể cải cách nếu đắc cử. Và chúng ta phải làm nhanh, trong vòng hai năm, khi chúng ta vẫn được lòng công chúng”, chính khách kỳ cựu nói với SCMP.

Quân đội Thái Lan đứng chặn người biểu tình chống lại cuộc đảo chính ở trung tâm Bangkok, Thái Lan năm 2014. Ảnh: DPA.

Thượng viện trong tay quân đội, cải cách gần như không thể

Các nhà phân tích chính trị nói họ cũng đồng ý về sự cần thiết phải có cải cách, nhưng không lạc quan về khả năng thực hiện.

Lý do đầu tiên nằm ở cách tổ chức chính phủ sau bầu cử. Dù đảng nào giành thắng lợi, việc thông qua cải cách gần như không thể.

Trong khi hạ viện của quốc hội Thái Lan sẽ bao gồm các nghị sĩ được dân bầu, toàn bộ 250 ghế thượng viện Thái Lan được giao cho người của quân đội.

“Sẽ khó có đề xuất nào ở hạ viện, vì thượng viện sẽ không đồng ý”, Paul Chambers, giảng viên về an ninh và quan hệ quốc tế ở Đại học Naresuan ở Thái Lan, nói với SCMP.

Trong trường hợp hiếm hoi các cải cách vượt qua được cả hai viện của quốc hội, ông Chambers dự đoán “sẽ có đảo chính bởi tổng tư lệnh Apirat”.

Dù vậy, Surachart Bamrungsuk, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Chulalongkorn, nói ông thấy một yếu tố có thể là chất xúc tác cho cải cách quân đội - số lượng người trẻ đang lên tiếng về vấn đề này.

Đề xuất cải cách quân đội của đảng Future Forward đã được các cử tri thế hệ Y (sinh năm 1980-2000) hưởng ứng nhiệt tình.

“Tôi nghĩ tình hình đã thay đổi. Người trẻ không nghĩ giống như quân đội nữa, và hình ảnh của quân đội đã bị ảnh hưởng nhiều trong các năm gần đây”, ông Surachart nói.

Về phần mình, ông Thanathorn nói ông sẽ tập trung để “chiến thắng trên mặt trận ý tưởng” trong vấn đề này.

“Nếu bạn thắng mặt trận ý tưởng, bạn sẽ giành được phiếu, rồi bạn sẽ giành được quyền lực”, ông nói với SCMP. “Đầu tiên bạn phải thúc đẩy đề xuất của mình, đưa ra trước công chúng. Nếu trở thành đề xuất được công chúng ủng hộ, bạn sẽ thắng cử”.

Ứng viên chuyển giới đầu tiên cho ghế thủ tướng Thái Lan Pauline Ngarmpring, người chuyển giới đầu tiên là ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử ngày 24/3, đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT với hy vọng có thể thúc đẩy cải cách.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thach-thuc-xoa-bo-van-hoa-quan-doi-dao-chinh-sau-bau-cu-thai-lan-post928328.html