Thách thức với thư viện thời 4.0

Những năm qua, với sự phát triển của công nghệ, các thư viện đã có thêm chức năng mở rộng vượt ra ngoài việc thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần. Nhờ công nghệ, thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho ngành thư viện Việt Nam những thách thức mới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho thư viện còn nặng về nhà cửa, kho tàng, phòng ốc; giá, tủ sách, mà chưa quan tâm nhiều tới hiện đại hóa thư viện. Nhất là tập trung xây dựng thư viện điện tử, thư viện số thư viện ảo. Ngoài ra kinh phí đầu tư để hiện đại hóa thư viện cũng chưa nhiều (nhiều nơi cấp nhỏ giọt). Thậm chí chưa có trọng tâm, trọng điểm dẫn tới kết quả chưa tương xứng với việc hiện đại hóa thư viện. Chưa kể, nguồn lực thư viện cho việc hiện đại hóa, xây dựng thư viện điện tử - thư viện số nhiều nơi đang rất thiếu và yếu. Các chuyên gia và cán bộ giỏi về lĩnh vực này quá hiếm hoi… Ngoài ra, một thách thức không nhỏ của ngành thư viện đang đặt ra đó là là vấn đề về bản quyền, vấn đề an toàn thông tin và bảo mật, độ tin cậy và sự trong sạch trong dữ liệu.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nhìn nhận: “Nếu không đổi mới phương thức hoạt động, các thư viện sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện trên thế giới. Với thực tế đó, các thư viện không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là công cấp thông tin và tri thức một cách hiệu quả”.

Cũng theo bà Ngà không ít lãnh đạo các ngành và địa phương còn chưa hiểu đúng và xem nhẹ vai trò của thư viện. Sự không hiểu đúng vai trò của thư viện đã khiến một số người quan niệm rằng thư viện chỉ tồn tại dưới dạng số và không cần in tài liệu truyền thống nữa. Một số khác đặt ra yêu cầu thư viện chỉ cần tìm các tài liệu số có trên mạng để tạo bộ sưu tập cho thư viện, để bạn đọc truy cập từ xa, không cần tổ chức không gian đọc cho người sử dụng. Bên cạnh đó, nhận thức và khả năng thông tin của người đọc, người sử dụng cũng còn nhiều hạn chế. Không ít người còn thơ ơ với việc đọc và việc tích lũy tri thức.

“Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng còn thấp so với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Trong danh mục 30 nước được xếp hạng đọc nhiều trên thế giới, không có Việt Nam”. Bà Ngà cho rằng: Quốc hội sớm đưa Luật Thư viện vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh trong đó có quy định cụ thể về thư viện điện tử - thư viện số và liên thông trong hoạt động thư viện. Nhà nước sớm ban hành chính sách về truy cập mở. Với các nghiên cứu được thực hiện bằng ngân sách nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và sử dụng. Đặc biệt, Nhà nước đầu tư và có chính sách khuyến khích đầu tư cho việc phát triển các nguồn tài liệu mở.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Giới- Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ bạn đọc chưa tốt, chưa nhiều phương pháp hay. Do đó, các thư viện cần cải tiến phải thường xuyên cải tiến phương pháp phục vụ người đọc. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện để tra cứu tài liệu, đọc tự chọn…

Ông Giới cũng dẫn chứng hiện nay một số trường đại học đã có sáng kiến góp tiền mua chung các tài liệu, tạp chí nước ngoài phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Thông qua hình thức này vừa tiện ích, vừa tiết kiệm kinh phí tiền bạc. Ngoài ra cần nâng cao việc liên kết hoạt động thông tin và thư viện. Đây là vấn đề còn nhiều hạn chế của các thư viện ở nước ta. Mặc dù bước đầu nhiều thư viện đã xây dựng các thư mục hoặc các bộ sưu tập rất có giá trị, song mới chỉ chủ yếu phục trên địa bàn, trong các nhà trường, khu dân cư…

Để thư viện có thể trở thành môi trường góp phần phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn của con người Việt Nam, cần phải triển khai đồng bộ giải pháp. Trong đó, các thư viện cần tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận sử dụng thông tin và tri thức, nâng tầm tầm hiểu biết của người dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa dần những khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong nước, giữa Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-pham-so/thach-thuc-voi-thu-vien-thoi-40-tintuc413385