Thách thức từ chỉ tiêu lao động

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phát triển nguồn nhân lực với tốc độ nhanh hơn, cao hơn để đáp ứng yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Vấn đề đặt ra không chỉ với quá trình phát triển nguồn nhân lực lâu dài, mà còn phải đào tạo cho lực lượng lao động hiện tại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đối tượng cần được quan tâm là lao động tay nghề thấp và lao động chưa qua đào tạo.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cần có sự linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đào tạo mới

Thay đổi cách đánh giá

Chỉ tiêu lao động qua đào tạo, đến nay vẫn còn giá trị nhất định, bởi qua đó cơ quan quản lý đánh giá được trình độ chuyên môn của lực lượng lao động. Trao đổi về vấn đề này, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết: Lao động qua đào tạo và lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ là hai chỉ tiêu đánh giá đã được sử dụng trong nhiều năm. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo là hình thức người lao động được đào tạo, kèm cặp như trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Quyết định 1956 của Chính phủ nhằm nâng dần chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo nhằm mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động. Năm 2017, chỉ tiêu lao động qua đào tạo của Việt Nam đạt 57%, đây là tỷ lệ rất quan trọng để phát triển kinh tế. Đến nay, chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã kết thúc chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử.

Thực tế hiện nay, quốc tế không sử dụng chỉ tiêu lao động qua đào tạo mà chỉ sử dụng chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đây được xem là nguồn lao động có chất lượng cao hơn. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu này, các bộ, ngành chức năng đang xem xét, nghiên cứu chỉ tiêu này trên thế giới được thực hiện như thế nào để từng bước thay đổi.

Đào tạo theo yêu cầu

Theo xu hướng sử dụng chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ nghề nghiệp, công cụ đánh giá là thông qua nhà trường và các cơ sở đào tạo để xếp loại, phân hạng nghề nghiệp. Như vậy, việc thay đổi phương thức đào tạo để thích ứng đang trở thành thách thức lớn đối với giáo dục nghề nghiệp.

Nếu như trước đây, lao động qua đào tạo có bằng công nhân kỹ thuật là đạt chỉ tiêu, thì nay phải qua trường lớp đào tạo để có những tiêu chí đánh giá trình độ cụ thể, đáp ứng yêu cầu việc làm tại doanh nghiệp. Ưu điểm của cách đánh giá này là xác định được người lao động ở trình độ bậc mấy trong lĩnh vực nghề đã học

TS Bùi Sỹ Lợi chia sẻ

Cũng theo TS Bùi Sỹ Lợi, Luật Việc làm quy định, đánh giá chất lượng đào tạo của các ngành nghề, lĩnh vực và cấp chứng chỉ ngành nghề quốc gia, để không chỉ ngành nghề đó được sử dụng trong nước, mà còn sử dụng được tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã liên kết, phân công lao động quốc tế. Theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo phải rất linh hoạt, đào tạo giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đa chức năng, không nên tập trung vào một nghề, mà phải tinh một nghề, biết nhiều nghề. Khi đó, người thầy có thể nhanh chóng chuyển đổi nghề đào tạo, và người lao động cũng có thể nhanh chóng chuyển đổi từ ngành nghề này sang ngành nghề khác theo yêu cầu của thị trường lao động.

Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tổ chức học tập tại nơi làm việc, tạo điều kiện nâng cao tay nghề, xây dựng văn hóa nghề nghiệp và tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động. Cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho người lao động tại chỗ, coi việc sử dụng, cập nhật công nghệ học tập hiện đại như một phương thức đào tạo quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với nguồn nhân lực tương lai, cũng như nhân lực hiện tại.

TS Bùi Sỹ Lợi chia sẻ

Anh Quang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thach-thuc-tu-chi-tieu-lao-dong-3956464-b.html