Thách thức trước trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo đã có mặt trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Chúng ta thường cho rằng robot có thể thay thế con người trong các quy trình sản xuất, trong các khâu đòi hỏi sự chính xác nhưng sẽ 'chào thua' trước lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc, như viết văn. Song, có vẻ thực tế bắt đầu cho thấy suy nghĩ này không còn đúng nữa...

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện cả trong... thơ.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt là AI) đang ngày càng phát triển tinh vi hơn, đem đến nhiều bất ngờ. AI đã, đang thay con người làm nhiều công việc và mang lại hiệu quả nhanh hơn, chính xác hơn, chi phí thấp hơn. Trong các lĩnh vực sản xuất, trong khoa học, giao thông, y tế, giáo dục, thương mại điện tử... AI từng bước thay thế con người thực hiện từ những công việc đơn giản cho tới phức tạp. Ranh giới giữa máy móc và con người đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi AI có thể thiết kế sản phẩm, có thể viết.

Mùa hè vừa qua, hãng Microsoft bất ngờ sa thải nhiều nhà báo để sử dụng robot viết và cập nhật tin tức trên trang chủ của hãng này. Trước đó, hãng thông tấn AP cũng đưa AI vào sản xuất những tin, bài có liên quan đến tài chính, thương mại, những lĩnh vực gắn với con số mà AI có thể thực hiện rất tốt. Tuy rằng robot làm tin, viết báo hiện chưa được áp dụng rộng rãi, nhưng điều đó đang được nhiều nơi tiến hành thử nghiệm, báo hiệu một tương lai không còn xa của ứng dụng công nghệ trong ngành viết.

Không nói đâu xa, ngay tại Việt Nam mấy năm về trước, nhiều bạn trẻ “mê mẩn” trước “máy sáng tác thơ” trên trang lamtho.vn, nơi cho phép người dùng nhập các từ khóa liên quan chủ đề mong muốn và chọn thể loại thơ, chỉ vài giây sau là một bài thơ chào đời. Những câu thơ ngô nghê từng “làm mưa làm gió”, trở thành “cơn sốt thơ máy” khiến người đọc cười chảy nước mắt, rất có tác dụng giải trí, giảm stress. Hiện trang lamtho.vn không còn làm thơ nhưng dịch vụ "sản xuất" thơ trên trang thomay.vn vẫn tồn tại. Chỉ cần chọn thể loại thơ mà bạn muốn và phong cách thơ đã được lập trình theo một số tác giả nổi tiếng, ca dao tục ngữ, tên phố Hà Nội, thực đơn món ăn... rồi “nhấn nút phụt thơ” là có thể cười nghiêng ngả. Ví như với “nguyên liệu đầu vào" là chủ đề ẩm thực, kết quả có được là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt sau: “Súp Ngũ Hương Sao, gỏi miến gà/ Kình ngư sa lưới, nhạc tuôn ra/ Cháo lươn, thỏ lá chanh, anh nhắm/ Em đã ăn chưa níu váy bà”...

Những câu thơ ngô nghê gây cười cho thấy, “thơ máy” chỉ là công cụ đơn giản để ghép từ bảo đảm đúng niêm luật của từng thể loại thơ theo chủ đề yêu cầu. Giới trẻ vào dịch vụ “thơ máy” để cười vui, họ tin rằng “để làm được một bài thơ đúng nghĩa, máy móc không bao giờ có thể thay thế con người vì nó không có cảm xúc, không biết vui buồn”. Song, phải chăng sự ngô nghê của những bài thơ máy vẫn đang ở bước sơ khai?

Như chương mới của tiểu thuyết “Harry Potter” đã gây bất ngờ khi không được viết bởi tác giả J.K.Rowling mà được AI chắp bút. Không phải một tác phẩm văn học hoàn chỉnh nhưng chương mới này cho thấy tiềm năng sáng tác của công nghệ AI. 4 năm về trước ở Nhật Bản đã xuất hiện câu chuyện khó tin nhưng có thật khi một cuốn tiểu thuyết do AI viết ra đã lọt qua vòng đầu của giải thưởng văn chương Hoshi Shinichi.

Có lẽ, trong tương lai AI hoàn toàn có thể tự sáng tác những tác phẩm văn học chất lượng hơn những gì mà chúng ta tưởng tượng về khả năng của nó. Điều này liệu có đặt con người vào thử thách cạnh tranh mới trong lĩnh vực sáng tạo? Thực tế, cách mà AI hoạt động là được nhập vào một kho dữ liệu khổng lồ về các vấn đề liên quan, rồi từ đó tổng hợp, phân tích, tìm ra cấu trúc, mô típ và đưa ra một sản phẩm - kết quả theo yêu cầu.

Chẳng hạn, tin tức sẽ được AI sản xuất vô cùng nhanh chóng theo công thức “ai - ở đâu - khi nào”; một khổ thơ được chào đời chỉ sau vài giây ghép chữ, ghép vần; truyện cười hay truyện trinh thám cũng được sản xuất dựa trên các tình tiết gây cười hay logic vụ án... Nghĩa là, về cơ bản, AI vẫn đang dừng ở việc viết những thứ đơn giản, theo công thức và dựa trên những dữ liệu có sẵn. Do đó, nếu người viết mải mê chạy theo những công thức có sẵn để đáp ứng thị trường thì chính họ đang dần biến thành robot, nhưng lại không thể lưu trữ dữ liệu khổng lồ như robot.

Điều mà AI chưa thay thế con người vẫn là cảm xúc. Bởi suy cho cùng, văn chương nghệ thuật là tiếng lòng của cá nhân, trong khi bản chất AI dù thông minh đến mấy cũng là do con người lập trình mà ra. Nếu con người không tự biến mình thành cái máy thì AI “vẫn mãi là người đến sau”.

Hạ Yến

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/987553/thach-thuc-truoc-tri-tue-nhan-tao