Thách thức trong phục dựng Nhà thờ Notre-Dame

Cam kết 5 năm

Theo AFP, các thiệt hại mà Nhà thờ Đức Bà Paris phải chịu sau vụ hỏa hoạn xảy ra tối 15-4 (giờ địa phương) là rất đáng kể. Dù hàng trăm lính cứu hỏa đã thành công trong việc ngăn chặn ngọn lửa lan sang tòa tháp phía bắc, giúp Nhà thờ Notre-Dame giữ được cấu trúc chính và giải cứu được một số cổ vật, tác phẩm nghệ thuật vô giá, nhưng phần cột và đỉnh tháp chuông của nhà thờ đã sụp đổ. Chỉ trong những giờ đầu tiên khi đám cháy bùng phát, hai phần ba mái vòm nổi tiếng với các ô kính mầu tuyệt đẹp cùng nhiều máng xối bằng đá được chạm khắc tinh xảo của nhà thờ đã bị thiêu rụi.

Tổng thống Pháp E. Macron đưa ra cam kết sẽ phục dựng lại nhà thờ này, bởi đây là công trình quan trọng, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của “đất nước hình lục lăng” trong suốt gần 900 năm qua, trở thành biểu tượng về kiến trúc, văn hóa và được coi là “trái tim của nước Pháp”. Trong một thông báo, Tổng thống Pháp cho biết: “Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Notre-Dame đẹp hơn. Tôi muốn công việc hoàn thành trong 5 năm nữa. Chúng ta có thể làm được, chúng ta sẽ huy động mọi nguồn lực”.

Ngay sau lời kêu gọi lập quỹ phục dựng Nhà thờ Notre-Dame của ông E.Macron, tỷ phú người Pháp François Pinault, người đứng đầu Tập đoàn thời trang Kering sở hữu hai thương hiệu đình đám Saint Laurent và Gucci đề nghị quyên góp 100 triệu euro (113 triệu USD) nhằm giúp “xây dựng lại hoàn toàn Nhà thờ Đức Bà Paris”. Ngày 16-4, đối thủ của ông Pinault là tỷ phú Bernard Arnault cho biết, ông và Tập đoàn LVMH sở hữu thương hiệu thời trang Louis Vuitton sẽ quyên góp 200 triệu euro (226 triệu USD) trong công cuộc tái thiết nhà thờ.

Hàng loạt các tên tuổi khác như Tập đoàn mỹ phẩm L’Oreál, Tập đoàn dầu khí Total S.A, Tập đoàn công nghệ máy tính Apple của Mỹ,… cũng cam kết ủng hộ từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD. Hãng Universal Music tại Pháp và hãng Decca Records cũng kết hợp Quỹ Di sản (Fondation du Patrimoine) tổng hợp những ca khúc vĩ đại nhất đã được ghi âm tại Nhà thờ Đức Bà Paris để gây quỹ phục dựng nhà thờ. Tính đến nay, nước Pháp đã quyên góp được tổng cộng khoảng một tỷ euro từ các nhà hảo tâm.

Các chuyên gia phục dựng che chắn phần mái nhà thờ trước khi mưa đến. Ảnh: AFP

Nhiều thách thức

Le Monde cho biết, các công đoạn phục vụ việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris đã lập tức được triển khai. Nhiều chuyên gia đã được huy động để đánh giá mức độ hư hại của nhà thờ sau vụ hỏa hoạn, từ đó đưa ra mức chi phí cũng như lên các phương án phục dựng. Chính phủ Pháp cũng kêu gọi các kiến trúc sư đóng góp ý tưởng và kỹ thuật phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phục dựng nhà thờ sẽ gặp phải không ít thách thức.

Đầu tiên là yếu tố thời gian. Trong khi Tổng thống Pháp cam kết Pháp sẽ chỉ mất khoảng 5 năm để giúp Notre-Dame hồi sinh trở lại thì người đứng đầu quỹ phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi, ông Eric Fischer nhận định hư hại trong vụ cháy vừa qua là rất đáng kể và Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ phải mất vài thập niên để phục dựng. Người dẫn chương trình nổi tiếng với các chương trình nói về thời Trung cổ và mới được chỉ định là đại diện của Chính phủ Pháp về di sản, ông Stephane Bern, cũng cho rằng mong muốn của ông Macron là “quá lạc quan và không thực tế”. Ông cũng dự trù việc phục dựng lại sẽ mất tối thiểu 10 - 20 năm.

Thách thức tiếp theo đến từ việc tìm kiếm vật liệu. Theo AFP, khung tháp từ thời Trung cổ được ví như bộ xương của nhà thờ làm từ 1.300 cây sồi đại thụ có tuổi đời 300-400 năm, đã bị thiêu rụi. Để thay thế được số gỗ này, nước Pháp sẽ cần tới 3.000 cây sồi kích thước lớn, đủ bao phủ diện tích rừng khoảng 21 ha. Trong bối cảnh những cánh rừng nguyên sinh đã bị tàn phá nhiều, đây gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Phó Chủ tịch Quỹ Di sản Pháp Bertrand de Feydeau thừa nhận: “Pháp không còn cây gỗ nào có kích thước tương đương để thay thế những dầm gỗ đã bị thiêu rụi. Ngay từ thế kỷ 12, việc tìm được những cây sồi này đã là rất khó. Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hóa, những cây gỗ lớn như vậy giờ đã không còn ở Pháp”.

Không chỉ vậy, trước khi trận hỏa hoạn xảy ra, Nhà thờ Notre-Dame vốn đang trong quá trình tu sửa trong dự án 6,8 triệu USD do bị xuống cấp nghiêm trọng vì thời gian và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hiện, các lực lượng chức năng đang chật vật với công tác chống đỡ nhiều phần có nguy cơ đổ sập sau đám cháy. Trong khi đó, các chuyên gia khí tượng cảnh báo công cuộc chống đỡ này có thể phải đối mặt với thách thức mới khi có nhiều khả năng trong những ngày tới tại Pháp sẽ xảy ra mưa. Điều kiện thời tiết xấu sẽ làm tăng nguy cơ phần còn lại của mái vòm và trần vòm bị cháy của kiệt tác kiến trúc này có thể bị hư hại hơn nữa, vì vậy cần sớm tạo ra một tấm bảo vệ tạm thời cho toàn bộ nhà thờ.

Thời gian qua, việc phục dựng nhà thờ theo đúng phong cách cổ xưa hay tu bổ lại theo hướng hiện đại cũng gây tranh cãi quyết liệt trong dư luận. Nhiều người cho rằng, công trình này nên giữ đúng nguyên bản là công trình đặc trưng của lối kiến trúc Gothic, trong khi đó, một số ý kiến khuyến khích nên thiết kế lại một số phần của công trình này thích nghi với thế kỷ 21, như vậy Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ có khả năng chống chịu được các yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, môi trường và thời gian.

Ngoài chi phí phục dựng, Chính phủ Pháp cũng phải tiêu tốn không ít ngân sách cho việc di dời và cất giữ những đồ vật quý giá trong nhà thờ bao gồm Vương miện Gai; Le Grand Orgue, một nhạc cụ có từ những năm 1730; áo choàng dài từ thế kỷ thứ 13 của Saint Louis... Việc phục dựng nhà thờ cũng đòi hỏi nhiều nhân lực và các bên liên quan. Dự kiến phải có khoảng 100 chuyên gia góp mặt vào công cuộc tái thiết công trình này.

Bernard-Henri Lévy, một trong các học giả nổi tiếng nhất của Pháp, cảnh báo rằng dù cố gắng thế nào, Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không bao giờ còn được như cũ. Ông Lévy nhận đinh: “Sẽ không thể dựng lại sự phong trần, không thể khôi phục lớp bụi thời gian của Nhà thờ Notre-Dame. Sinh khí của công trình này chính là sự lâu đời của các vật liệu làm ra nó, là sợi dây gắn kết hiện tại với các ý tưởng, tâm huyết được những người xây dựng nhà thờ gửi gắm”. Trong khi đó, với nhiều người dân Pháp và thế giới, dù có phục dựng thành công, “trái tim của nước Pháp” cũng sẽ không còn mang đầy đủ những giá trị nguyên bản và hoàn hảo xưa cũ sau vụ hỏa hoạn chấn động vừa qua.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-hosotulieu/item/40034902-thach-thuc-trong-phuc-dung-nha-tho-notre-dame.html