Thách thức trong phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Ngày 9/10, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 'Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẻ', với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, công ty luật, các luật sự, đại diện các cơ quan nhà nước như Viện Kiểm sát, Tòa án, thuế… trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM nhận xét, hiện nay dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số thì Việt Nam đã tiệm cận được với các nước trên thế giới trong phát triển mô hình kinh tế chia sẻ. Mô hình này giúp đất nước ta tận dụng các nguồn lực còn nhàn rỗi và cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xã hội.

PGS.TS Bùi Xuân Hải cũng nói, các thách thức của mô hình kinh tế đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh trong mô hình kinh doanh truyền thống và các chủ thể khác có liên quan đang đặt ra. Chính vì vây, việc góp ý với cơ quan làm luật nghiên cứu và hoạch định chính sách trong thời gian sắp tới là rất quan trọng.

Ban chủ tọa hội thảo bao gồm (từ trái sang): PGS.TS Trần Việt Dũng, TS Nguyễn Thanh Tú, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, PGS.TS Bùi Xuân Hải.

Ban chủ tọa hội thảo bao gồm (từ trái sang): PGS.TS Trần Việt Dũng, TS Nguyễn Thanh Tú, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, PGS.TS Bùi Xuân Hải.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhận định, vấn đề quan trọng nhất khi điều chỉnh khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ là làm sao để cân bằng giữa thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội.

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, ý kiến của chuyên gia sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách nắm được bản chất, đặc điểm đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Kế đó là làm rõ những vấn đề pháp lý xoay quanh mô hình kinh tế chia sẻ, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện nay có liên quan đến mô hình như các quy định về hợp đồng, thương mại điện tử, cạnh tranh, lao động, thuế, ngân hàng, thương mại quốc tế,…

Bàn về mối quan hệ giữa người cung ứng dịch vụ trong quan hệ với nhà cung cấp nền tảng (trung gian), các chuyên gia cũng đặt vấn đề: “Liệu nên quan niệm người cung cấp dịch vụ là cá nhân kinh doanh hay là người lao động dưới sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động?”. Trên thực tế, đối với các loại hình kinh tế chia sẻ, người cung ứng dịch vụ không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay bất kỳ quyền lợi lao động nào.

Tại hội thảo, TS Phan Phương Nam đề cập phân tích những khó khăn đặt ra từ mô hình kinh tế chia sẻ đến hoạt động quản lý thuế của Nhà nước đồng thời đưa ra các kiến nghị dần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý đặc biệt đối với việc giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Kết luật tại Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp tiếp thu các chuyên gia với đề xuất cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, theo đó hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm: người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp nền tảng.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thach-thuc-trong-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-chia-se-o-viet-nam-519863.html