Thách thức thực thi CPTPP

Mặc dù những yếu tố cốt lõi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được các quốc gia thành viên thống nhất, song vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.

CPTPP sẽ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực và thiết lập tiêu chuẩn cho các hiệp định thương mại toàn cầu trong tương lai.

Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã đồng chủ trì buổi họp báo chung về quá trình đàm phán CPTPP tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Nguyên Đình

Nhiều lợi ích từ CPTPP

Theo CPTPP, 20 điều khoản tạm hoãn của phiên bản TPP ban đầu chỉ chiếm 28 trong số 622 trang của hiêp định này. Những nội dung còn lại của hiệp định không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các điều khoản tạm hoãn dự kiến sẽ được khôi phục trong tương lai. Cho đến lúc đó, các quốc gia thành viên sẽ không bắt buộc phải thực hiện các quy tắc này trong nước.

Theo ông Deborah Elms, Giám đốc Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore, điều làm cho CPTPP được đánh giá khả thi hơn TPP là bản chất liên kết sâu sắc của các cam kết trong thỏa thuận.
"Không giống như các hiệp định thương mại tự do khác, CPTPP phản ánh rõ hơn cách mà các doanh nghiệp cơ cấu hoạt động kinh doanh của chính mình", ông Deborah nói.

“Cuộc chiến” chỉ mới bắt đầu

Có thể nói, CPTPP là thỏa thuận thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Thỏa thuận này sẽ thiết lập các quy tắc của “trò chơi” thương mại trong tương lai.

Tất nhiên, sự rút lui của Mỹ khỏi thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến quy mô tổng thể của “miếng bánh” kinh tế này. Tuy nhiên, với bản chất mở cửa vốn có của nền kinh tế Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp của các quốc gia thành viên CPTPP đều có quyền tiếp cận dễ dàng với thị trường Mỹ. Bởi vậy, sự vắng mặt của Mỹ trong CPTPP không gây ra nhiều thiệt hại như dự kiến ban đầu.

Ông Frederick Burke, Giám đốc Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam cũng đã chia sẻ sự lạc quan này. "Tác động của CPTPP vẫn đáng kể, và đó là lý do tại sao các doanh nghiệp trong khu vực cũng ủng hộ thỏa thuận này”, ông Frederick Burke cho biết và ví von rằng: “Thủy triều lên sẽ nâng tất cả các tàu thuyền, và sự tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho các đối tác thương mại khác khi các quốc gia thành viên CPTPP phát triển”.
Ông Frederick Burke nhận định, một khi CPTPP được ký kết và có hiệu lực sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại khác liên quan đến Hiệp định này.

Cũng theo chuyên gia này, vẫn sẽ còn nhiều thách thức đối với CPTPP. Chẳng hạn, Canada vẫn còn đang dè dặt về thỏa thuận cơ bản mà các Bộ trưởng của CPTPP đã đạt được. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp báo ngày 11 tháng 11 cho biết: "Đã có nhiều tiến triển về CPTPP, song vẫn còn nhiều việc phải làm hơn".

Sức mạnh của khuôn khổ thương mại đa phương này cũng sẽ được thử thách khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đàm phán song phương với các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương. Mặc dù Trung Quốc đang dần chiếm ngôi vị đứng đầu nền kinh tế thế giới, nhưng các chuyên gia cho rằng, Mỹ vẫn sẽ giữ "sức hút" với các nền kinh tế CPTPP. Các thỏa thuận thương mại truyền thống như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), mà trong đó các nước thành viên CPTPP cũng là thành viên, cũng có thể tạo thêm áp lực. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có thể đã thành công trong việc thổi bùng ngọn lửa của các hiệp định thương mại đa phương chất lượng cao khi họ gặp nhau tại Đà Nẵng, nhưng cuộc chiến để giữ ngọn lửa này tiếp tục cháy chỉ mới bắt đầu.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thach-thuc-thuc-thi-cptpp-120593.html