Thách thức quản lý hải quan trong môi trường điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, đồng nghĩa với việc phát sinh thách thức mới trong công tác quản lý để vừa đảm bảo thông quan, giải phóng hàng hóa nhanh chóng trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật.

Phát sinh nhiều vấn đề cần kiểm soát

Thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, nhà sản xuất có thể phân phối hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng, không phải qua bất cứ khâu trung gian nào. So với mô hình giao thương quốc tế truyền thống, tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, DN giảm được rất nhiều khâu không tạo ra giá trị, từ đó giảm chi phí giao dịch, người mua, người bán dễ dàng đạt được giá tốt hơn. Với ưu điểm tiết kiệm chi phí, giúp phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng đầu cuối, thương mại điện tử xuyên biên giới rất phù hợp với các DN vừa và nhỏ.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Theo các số liệu thống kê thì có đến 53% dân số sử dụng internet, đồng thời với sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đặc biệt, với thương mại điện tử xuyên biên giới thì đặc điểm nổi bật là thời gian để đưa ra các giao dịch rất nhanh, thuận tiện trong việc thanh toán, nhận hàng. Môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới khác biệt nhiều so với thương mại truyền thống, do đó, khi thương mại điện tử qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Đánh giá về những vấn đề cơ quan quản lý phải đối mặt trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, cơ quan Hải quan phải đảm bảo tốc độ và hiệu quả trong quá trình thông quan; số lượng các lô hàng nhỏ giá trị thấp tăng nhanh do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý. Trong khi đó, vấn đề quản lý rủi ro trong thương mại điện tử cần lường trước các vấn đề như: thiếu thông tin, khai báo không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên. Song song, những khó khăn trong việc ngăn chặn các lô hàng cấm, hàng hạn chế NK, XNK, hàng buôn lậu cũng phát sinh do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ trong khi chất lượng thông tin/dữ liệu trước về hàng hóa không có nhiều…

Trong khi đó, khi số lượng các sàn giao dịch, trang bán hàng điện tử tăng với tốc độ cao thì việc quản lý gặp nhiều khó khăn hơn. Việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch và thực tế hàng hóa là rất khó khăn, vì vậy, có thể có hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được.

Đối với cơ quan quản lý về cơ chế thanh toán, bảo lãnh, các giao dịch thanh toán lớn, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát giao dịch nào thực hiện thanh toán cho đơn hàng nào, thực tế thanh toán có phù hợp với đơn hàng không? Với các cơ quan quản lý về chuyên ngành, hàng hóa của mỗi lô hàng có số lượng nhỏ do vậy nếu vẫn áp dụng đúng theo các quy định hiện nay gây khó khăn cho cơ quan chuyên ngành cũng như người mua hàng. Trong khi đó, người mua hàng là người không có kiến thức sâu về hàng hóa cũng như kiến thức về việc kiểm tra chuyên ngành nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin các giấy phép theo quy định.

Khó áp dụng giá tính thuế và kiểm tra chuyên ngành

Theo Cục Hải quan Hà Nội, hiện nay các công ty kinh doanh dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh với vai trò là bên vận chuyển đứng ra làm thủ tục nhập hàng, hoàn thành nghĩa vụ thuế cho lô hàng, sau đó giao hàng đến tận tay người tiêu dùng, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư 49/2015/TT-BTC và Thông tư 191/2015/TT-BTC.

Tuy vậy, trong công tác quản lý, thương mại điện tử đang nảy sinh các vấn đề vướng mắc trong quản lý trị giá tính thuế cũng như áp dụng quản lý chuyên ngành. Về trị giá tính thuế, người mua hàng thường mua vào thời điểm giảm giá hoặc mua nhiều sản phẩm được hưởng giá ưu đãi. Trong khi các văn bản quy định về trị giá hải quan chưa có quy định về trường hợp này. Theo Cục Hải quan Hà Nội, để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho NSNN và đảm bảo quyền lợi cho người mua hàng, cần có quy định cụ thể để tổ chức, cá nhân tham gia NK hàng hóa thông qua thương mại điện tử thực hiện khai báo đúng trị giá hải quan và cơ quan Hải quan có căn cứ để kiểm tra, xác định trị giá tính thuế.

Về quản lý chuyên ngành, hiện nay, quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành chưa có sự phân biệt giữa hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Hầu hết hàng hóa NK thông qua giao dịch thương mại điện tử do các cá nhân trực tiếp thực hiện, rất nhiều trường hợp số lượng mua hàng ít, trị giá không cao nhưng nhiều mặt hàng phải xin giấy phép hoặc kiểm tra chuyên ngành như: Sách, truyện, sữa bột, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử…. Người mua hàng thường không hiểu biết về chính sách mặt hàng nên gặp khó khăn trong quá trình đi xin giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, gây tốn kèm chi phí, kéo dài thời gian thông quan, thậm chí có những trường hợp phải từ chối nhận hàng trả lại cho người bán do không xin được giấy phép. Do đó, cần phải có quy định riêng về quản lý chuyên ngành đối với trường hợp cá nhân NK hàng hóa thông qua thương mại điện tử nhằm tạo sự minh bạch, thông thoáng cho hoạt động này đồng thời chống buôn lậu, trốn thuế, XNK hàng cấm, hàng hạn chế XNK.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty TNHH dịch vụ thương mại Song Bình (TP HCM) cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới là thêm một kênh mua bán ngoài kênh truyền thống. Để quản lý về thuế, công ty nào thực hiện khai thác hàng thương mại điện tử qua biên giới thì phải có trách nhiệm truyền dữ liệu khi đơn hàng giao dịch thành công trên các web cho cơ quan Hải quan. “Bằng cách xác lập đơn hàng đã được giao dịch thành công tại thời điểm giảm giá sẽ tránh trường hợp bị tính lại giá khi hàng về tới Việt Nam. Bởi sau khi giao dịch thanh công, một thời gian sau hàng mới về tới Việt Nam, thời điểm đó việc giảm giá đã thay đổi, và giá trên các web cũng không còn giảm. Việc kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý cũng tránh tình trạng khách hàng không hài lòng khi phải tính thuế theo giá mới hoặc giá chưa giảm trên website. Đó là trách nhiệm của các DN thực hiện khai thác hàng thương mại điện tử”-đại diện Công ty TNHH dịch vụ thương mại Song Bình nêu quan điểm.

Trước xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu xây dựng mô hình và phương thức quản lý đối với hoạt động thương mại này tại Việt Nam. Cần có đủ cơ chế pháp lý để phù hợp với xu thế phát triển vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch thương mại hiện đang phổ biến trên toàn cầu.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thach-thuc-quan-ly-hai-quan-trong-moi-truong-dien-tu-xuyen-bien-gioi-104553-104553.html