Thách thức nào với nền kinh tế Việt Nam trong bão dịch viêm đường hô hấp cấp?

Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2020 với sự hứng khởi từ những thành quả đạt được của năm 2019. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là năm đầy khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam trước sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virút corona gây ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tác động nhiều chiều

Theo các chuyên gia của Bloomberg, nếu như dịch SARS từng khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD năm 2003 thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virút Corona gây ra còn có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại gấp 3-4 lần mức ấy. Tất nhiên, trong bối cảnh hội nhập klinh tế toàn cầu và độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, việc phải chịu nhiều tác động tiêu cực là lẽ đương nhiên.

Nhận định mới đây của Bộ Công Thương cho thấy, tới đây dịch bệnh sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện: Xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, dịch bệnh Corona tác động tiêu cực đến 9 nhóm ngành gồm: dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển – vận chuyển, dịch vụ sân bay và hàng không. Cụ thể, về dệt may, Trung Quốc hiện là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, việc các nhà máy dệt Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và 2 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Ngành Bán lẻ được SSI dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do người tiêu dùng lo ngại lây nhiễm Corona sẽ hạn chế đi mua sắm và tụ tập ở những nơi công cộng đông người. Cùng với đó, ngành bia cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch Corona do người tiêu dùng tránh tụ tập nơi công cộng và hạn chế ăn uống bên ngoài...

Xuất khẩu thủy sản được dự báo là ảnh hưởng tiêu cực từ Corona do Trung Quốc hiện đang là thị trường chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Riêng với thị trường chứng khoán, dịch Corona có thể tạo ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường chứng khoán sẽ ngay lập tức hồi phục mạnh mẽ.

Nngày 7/2/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155 /QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra

Trong báo cáo vừa được công bố ngày 3/2, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, lưu trú, hàng không, xuất nhập khẩu. Trung Quốc hiện là một thị trường quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, trong số hơn 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, có hơn 5 triệu lượt du khách Trung Quốc, tăng 16,9% so với năm 2018. Trong khi đó, về thương mại, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 41,41 tỷ USD và nhập từ thị trường này 75,45 tỷ USD, nhập siêu tới trên 34 tỷ USD.

Các hãng tin nước ngoài cũng có những nhận định về tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Hãng tin Bloomberg mới đây nhận định, sự lây lan virus tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến triển vọng của ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là sản xuất xe hơi và nhu cầu lốp xe, khi các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc tuyên bố rằng việc sản xuất sẽ tiếp tục dừng sản xuất.

Trong khi đó, tờ Asia Times nhận định, việc vắng bóng du khách Trung Quốc có thể gây tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam. Năm 2019, thu nhập từ du lịch chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Số lượng khách du lịch Trung Quốc năm 2019 tăng 16,9% và chiếm gần 1/3 tổng số du khách đến Việt Nam...

Giải pháp nào?

Tại cuộc họp chiều 4/2 về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương một mặt tập trung phòng chống dịch bệnh, mặt khác phải triển khai ngay những đối sách, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch với nền kinh tế. Thông điệp mà Thủ tướng đưa ra rất rõ ràng: “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng đồng thời phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển”.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu một số ngành như hàng không, du lịch, nông nghiệp cần có phương án tái cơ cấu sớm; các bộ, ngành, địa phương phải triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu các tác động về kinh tế của dịch. Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan cần có phương án chủ động hơn, phân tích, tính toán, rà soát, điều chỉnh để xử lý các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại chiều 6/2/2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cần nhanh chóng tìm giải pháp cho việc ùn ứ nông sản, không được để quá lâu, gây thiệt hại cho người nông dân. Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các ngành hàng chuyển tiểu ngạch sang chính ngành, tận dụng cơ chế xuất nhập khẩu. Đối với nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước rửa tay…. tạo điều kiện cho thông quan, các doanh nghiệp giảm chi phí logistics...

Trong một động thái mới nhất, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất miễn thuế với khẩu trang y tế nhập khẩu phòng dịch; miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất khẩu trang và miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng, phòng chống dịch. Vày ngay trong ngày 7/2/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155 /QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra

Theo các chuyên gia kinh tế, tới đây, cần nhanh chóng nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở đánh giá một cách tổng quan, toàn diện thông qua cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn. Trong đó, giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Long Vân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/thach-thuc-nao-voi-nen-kinh-te-viet-nam-trong-bao-dich-viem-duong-ho-hap-cap-318689.html