Thách thức mới

Các quốc gia thuộc 'lục địa già' đang phải tăng cường thực hiện nhiệm vụ kép là chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế để nâng cao vị thế toàn khối trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm mới gia tăng trên toàn châu Âu. Trong khi đó, thống kê cho thấy tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, còn lạm phát đang chìm sâu vào vùng âm.

Các quốc gia thuộc “lục địa già” đang phải tăng cường thực hiện nhiệm vụ kép là chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế để nâng cao vị thế toàn khối trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm mới gia tăng trên toàn châu Âu. Trong khi đó, thống kê cho thấy tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, còn lạm phát đang chìm sâu vào vùng âm.

Sau khi “bão Covid-19” tràn qua châu Âu hồi đầu năm nay, các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đã dần đẩy lùi dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, mở ra triển vọng phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, khi các biện pháp giãn cách, chống dịch được nới lỏng, một làn sóng Covid-19 mới đang đe dọa đưa châu Âu trở lại thành “điểm nóng” của dịch bệnh và nhấn chìm nền kinh tế khu vực vào suy thoái.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến tồi tệ và số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh những ngày gần đây, nhà chức trách tại nhiều nước châu Âu đã tăng mức cảnh báo và thắt chặt biện pháp chống đại dịch. Phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Pháp Ô.Vê-ran thừa nhận Pháp đang trong giai đoạn dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn và nhiều khả năng thủ đô Pa-ri sẽ bị áp đặt tình trạng cảnh báo tối đa về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 kể từ ngày 5-10. Theo đó, tất cả quán rượu và nhà hàng tại Pa-ri sẽ phải đóng cửa và mọi hình thức tiệc tùng phải tạm hoãn. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, chính phủ đã mở rộng các hạn chế nghiêm ngặt trên khắp thủ đô, khi tại thủ đô Ma-đrít cứ 100.000 người thì có 780 ca mắc Covid-19. Trong khi đó, Chính phủ Ba Lan đã bổ sung thêm một số khu vực đô thị vào danh sách những khu vực cần siết chặt hạn chế để phòng dịch; Xlô-va-ki-a quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ ngày 2-10 và Séc áp đặt từ ngày 5-10.

Đại dịch Covid-19 lan rộng trở lại là “họa vô đơn chí” với EU, trong bối cảnh khu vực này vừa đón nhận thêm các thông tin tiêu cực về kinh tế. Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8-2020. Như vậy, tính riêng trong tháng 8 vừa qua, Eurozone có khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251.000 người. Trong khi đó, Eurostat thông báo lạm phát của Eurozone đã giảm xuống -0,3% trong tháng 9-2020, từ mức -0,2% của tháng 8 và càng cách xa mức mục tiêu là khoảng 2%. Theo Eurostat, lạm phát của Eurozone đã giảm sâu hơn và rơi vào “vùng âm” trong các tháng gần đây trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu ảm đạm. Giới phân tích lo ngại rằng, với việc “làn sóng Covid-19 mới” gia tăng như hiện nay, suy thoái kinh tế tại EU còn kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tới, khi các chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi một số nước đã và đang buộc phải tái áp đặt các lệnh hạn chế đi lại, giãn cách xã hội.

Để đối phó “cuộc khủng hoảng kép” cả về kinh tế, xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, các thành viên thuộc “mái nhà chung châu Âu” đã vượt qua nhiều bất đồng để cùng tập trung nguồn lực chống dịch và phục hồi kinh tế. EU đã thông qua Kế hoạch khôi phục kinh tế 750 tỷ ơ-rô từng được Tổng thống Pháp E.Ma-crông ca ngợi là “một kế hoạch lịch sử”. Theo đó, 390 tỷ ơ-rô được giải ngân dưới hình thức trợ cấp chuyển qua ngân sách châu Âu, và 360 tỷ ơ-rô dưới hình thức các khoản vay từ Ủy ban châu Âu cho các quốc gia. Khoản giải ngân này được bổ sung vào các khoản tín dụng trong khuôn khổ tài chính nhiều năm giai đoạn 2021-2027. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã bơm 1.350 tỷ ơ-rô vào nền kinh tế khu vực để giữ các khoản cho vay ở mức lãi suất thấp, đồng thời thực hiện việc in tiền mới tới ít nhất là giữa năm sau. Từng quốc gia thành viên EU cũng đã lên kế hoạch tài chính bảo đảm an sinh xã hội đi đôi với chống Covid-19. Chẳng hạn, Chính phủ Đức đã quyết định kéo dài thời hạn của các chương trình cứu trợ đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên, một khi “làn sóng Covid-19 mới” lan rộng trên toàn EU, sức tàn phá của nó với nền kinh tế khu vực có thể còn ghê gớm hơn cuộc khủng hoảng hồi đầu năm nay, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đều đã kiệt quệ vì dịch bệnh. Bởi vậy, kế hoạch phục hồi kinh tế hiện nay có thể vẫn chưa đủ để bảo vệ và vực dậy nền kinh tế của “đại gia đình EU” trong bối cảnh mới. Theo dự kiến, vào ngày mai (6-10), sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính EU và đây là cơ hội thích hợp để các quốc gia “lục địa già” bàn đến một kế hoạch mới, hoặc điều chỉnh kế hoạch chống dịch, phục hồi kinh tế hiện nay cho phù hợp tình hình dịch bệnh nghiêm trọng thời gian tới.

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/thach-thuc-moi--619159/