Thách thức mới trong chống buôn lậu tại biên giới Cao Bằng

Khi lực lượng Hải quan tăng cường quản lý hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập tái xuất (TNTX), tại khu vực biên giới Cao Bằng nổi lên thách thức mới từ hàng hóa vận chuyển nội địa.

Xe giám sát trực tuyến của Cục Điều tra chống buôn lậu "án ngữ" ở "Mốc 51". Ánh đèn mờ phía xa là xe của lực lượng chức năng Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

Xe giám sát trực tuyến của Cục Điều tra chống buôn lậu "án ngữ" ở "Mốc 51". Ánh đèn mờ phía xa là xe của lực lượng chức năng Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

Ghi nhận từ một lần đi “tuần tra biên giới”

Triển khai các kế hoạch, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh TNTX, Cục Hải quan Cao Bằng và Cục Điều tra chống buôn lậu đã và đang tăng cường nhân lực, trang thiết bị để tuần tra, kiểm soát và chốt chặn tại những địa bàn xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cục Điều tra chống buôn lậu bố trí gần 10 công chức (thuộc Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc- Đội 1 và Phòng Giám sát hải quan trực tuyến- Phòng 3) thực hiện nhiệm vụ kiểm soát địa bàn, gấp 2-3 lần so với quân số bình thường trước đây. Đặc biệt, 2 ô tô chuyên dụng phục vụ giám sát trực tuyến của Cục Điều tra chống buôn lậu ở khu vực miền Bắc cũng được điều động lên khu vực biên giới Cao Bằng.

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi theo ô tô chuyên dụng giám sát trực tuyến của Cục Điều tra chống buôn lậu đi tuần tra khu vực biên giới từ Thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh) đến cửa khẩu Lý Vạn (huyện Hạ Lang). Đây là tuyến biên giới tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bởi tuyến đường này gần như chạy song song và sát với sông Quây Sơn, giữa sông có nhiều cồn đất tự nhiên, cây cối rậm rạp rất thuận lợi để các đối tượng buôn lậu ẩn nấu, cất giấu hàng ngay giữa sông và lằn ranh biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc đi lại ở khu vực này hết sức khó khăn với nhiều “ổ voi, ổ gà”. Dù là xe chuyên dụng của lực lượng chống buôn lậu nhưng cũng phải mất đến gần 1 giờ cho quãng đường di chuyển khoảng 10 km. “Đấy là khi thời tiết bình thường, nếu trời mưa chưa biết thế nào”- một công chức Đội 1 chia sẻ.

Mới di chuyển được ít phút, bắt đầu có dấu hiệu của “chim lợn” (cảnh giới cho các đối tượng buôn lậu) bám theo chúng tôi. Biên giới càng về khuya càng lạnh. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong xe và ngoài trời khiến sương đêm đọng thành giọt nước lăn chảy trên cửa kính ô tô. Ngoài đường, màn đêm dày đặc, thưa vắng bóng người, nhưng “chim lợn” vẫn miệt mài, lầm lũi bám sát xe của chúng tôi.

Các thành viên của lực lượng chống buôn lậu đi cùng xe chia sẻ: “chim lợn” ở đây chủ yếu sử dụng xe đạp điện để bám theo lực lượng chức năng vì ít gây tiếng động lớn.

Sau nhiều lần di chuyển, đánh lạc hướng, cắt đuôi “chim lợn”, tài xế bất ngờ vòng xe chạy thọc thẳng xuống khu vực “Mốc 51 cũ” (mốc mới: 842, 843, 844) thuộc xóm Lũng Đa, xã Minh Long (huyện Hạ Lang). Lúc này đã gần 12 giờ đêm. Ngay bờ sông có sự hiện diện của một số ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn. Trước mái hiên một ngôi nhà có cửa hướng ra sông Quây Sơn, bên ánh lửa leo lét một người đàn ông ngồi thu mình trong bóng tối. Thấy chúng tôi xuất hiện bất ngờ, người đàn ông vội vã, lóng ngóng dùng chân đá đám lửa nhỏ và bỏ đi. “Đây là ‘chim lợn’ cảnh giới tại thực địa”- công chức Cục Điều tra chống buôn lậu giải thích.

Cách đó vài chục mét, trong một ngôi lán nhỏ được che bằng bạt có ba người đàn ông đang ngồi nướng ngô. Trao đổi với chúng tôi, họ cho biết đến từ huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) lên làm cửu vạn nhưng chưa đi được chuyến nào nên đốt lửa sưởi ấm.

Khác với vẻ tĩnh lặng ít phút trước khi chúng tôi có mặt, sau khi chiếc cần lắp camera trên ô tô chuyên dụng được dựng lên và phát tín hiệu đèn báo hoạt động, không rõ từ đâu xuất hiện thêm nhiều người dân, có cả phụ nữ, người già. Bên kia bờ sông Quây Sơn phía Trung Quốc, lúc này cũng xuất hiện một chiếc xe chuyên dụng của lực lượng chức năng với dàn đèn nhấp nháy trên nóc xe, đỗ vị trí đối diện với chúng tôi.

Gần 3 giờ sáng, có thêm tổ công tác của Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Cao Bằng) và lực lượng Biên phòng đi tuần tra các khu vực lân cận đến phối hợp kiểm soát địa bàn… Không phát hiện, bắt giữ được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại khu vực “Mốc 51”, những chiếc xe của lực lượng chức năng tiếp tục lăn bánh theo những cung đường biên giới thực hiện nhiệm vụ.

Hàng hóa đang được tập kết, chuẩn bị vận chuyển trái phép qua biên giới được Hải quan cửa khẩu Lý Vạn chủ trì kịp thời phát hiện, bắt giữ. Ảnh: Hải quan cửa khẩu Lý Vạn.

“Biến tướng” từ hàng kinh doanh TNTX?

Sau khi lực lượng Hải quan tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh TNTX, lượng hàng hóa của loại hình này vận chuyển lên Cao Bằng giảm rõ rệt trong thời gian gần đây. Lượng hàng tồn đọng trên địa bàn hiện còn khoảng 1.000 container, giảm khoảng 50% so với thời kỳ cao điểm.

Tuy nhiên, thách thức mới đặt ra liên quan đến hàng vận chuyển từ nội địa lên khu vực biên giới Cao Bằng tăng đột biến. Chưa có báo cáo cụ thể chỉ ra nguồn gốc loại hàng này nhưng một số nguồn tin cho hay, có nhiều cơ sở cho thấy đây vốn là hàng hóa thuộc diện kinh doanh TNTX, giờ đây các đối tượng mở theo loại hình “nhập kinh doanh” sau đó đưa từ kho ở nội địa lên biên giới. Bởi hàng hóa chủ yếu là thực phẩm đông lạnh như thịt bò, chân giò lợn, nội tạng…

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ (Cục Hải quan Cao Bằng) cho biết: Ngoài việc tăng cường kiểm soát của các lực lượng chức năng Việt Nam, phía Trung Quốc cũng tăng cường quản lý đối với hàng hóa theo loại hình TNTX, hàng cư dân biên giới, tăng cường truy xuất nguồn gốc hàng hóa… Vì vậy, lượng hàng được tái xuất sang Trung Quốc qua Cao Bằng đang giảm cả về số lượng, chủng loại và xảy ra tình trạng tồn đọng hàng hóa tại cửa khẩu. So với cùng kỳ 2018, trị giá hàng kinh doanh TNTX qua địa bàn hiện giảm khoảng 18%, đặc biệt từ tháng 8 trở lại đây.

“Khi xảy ra tình trạng ách tắc ở các kho, bãi khu vực Cao Bằng, doanh nghiệp thường xuyên mở tờ khai chuyển cửa khẩu đi sang các tỉnh bạn khiến công tác quản lý của cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn”- đại diện lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ chia sẻ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các lực lượng chức năng tạo thuận lợi tối đa cho việc xuất khẩu các mặt hàng đáp ứng đủ điều kiện, đồng thời tăng cường công tác quản lý. Cục Hải quan Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tra chống buôn lậu và Bộ đội Biên phòng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tuy nhiên, với những diễn biến hiện nay, để quản lý hiệu quả, cần thêm sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền các xã, huyện biên giới ở Cao Bằng, nhất là lực lượng Công an, Quản lý thị trường tại địa phương.

Liên quan đến việc kiểm soát, chống buôn lậu khu vực biên giới huyện Hạ Lang, tối 1/11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lý Vạn (Cục Hải quan Cao Bằng) chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Cao Bằng), Cục Điều tra chống buôn lậu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) phát hiện, bắt giữ khoảng 600 kiện hàng thực phẩm đông lạnh là lưỡi lợn và dạ sách trâu.

Vụ việc được phát hiện, bắt giữ tại khu vực Mốc 49 cũ (Mốc mới 845) thuộc xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang), trong địa bàn hoạt động hải quan.

Số hàng được vận chuyển trên 3 xe tải, được các đối tượng tìm cách vận chuyển trái phép qua biên giới nhưng lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, bắt giữ.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thach-thuc-moi-trong-chong-buon-lau-tai-bien-gioi-cao-bang-114788.html