Thách thức mới của ngành du lịch

Trong 6 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 vẫn chưa phải là con số ngành du lịch mong đợi.

Khách quốc tế tại Việt Nam. (Nguồn: VietnamHotel)

Năm 2018 được coi là một năm thành công của du lịch Việt Nam. Nhiều dự án du lịch, khu du lịch có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động. Cũng trong năm 2018, Việt Nam đón được 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 637.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo nhận định của ngành du lịch, mức độ tăng trưởng khách quốc tế của du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, dù lượng khách quốc tế liên tục đạt mức trên 1 triệu lượt người mỗi tháng kể từ đầu năm 2019, nhưng khách quốc tế đến đang có xu hướng giảm dần, điển hình là tháng 6/2019 có lượng khách quốc tế thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ đạt gần 1,2 triệu lượt khách, giảm 10,6% so với tháng trước.

Thị trường trọng điểm đang sụt giảm?

6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 với hơn 50 sự kiện do Việt Nam chủ trì và phối hợp hoạt động xúc tiến quảng bá chủ động, chuyên nghiệp với điểm nhấn là Hội chợ Travex tại Hạ Long, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, tham gia 6 hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức 8 roadshow tại các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch đầu tiên tại Hàn Quốc...

Vậy tại sao khách quốc tế đến Việt Nam lại có dấu hiệu chững lại? Lý giải điều này, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng do có sự thay đổi đặc biệt là hai thị trường chính: Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện khách Hàn Quốc vẫn tăng nhưng đang chững lại, tốc độ tăng trưởng giảm và lượng khách Trung Quốc có xu hướng giảm về dòng khách charter (thuê bao trọn gói). Số liệu thống kê cho thấy, khách du lịch Hàn Quốc chỉ tăng 21% (năm 2018 là 60,7%), thị trường khách Trung Quốc tăng 3,3% (năm 2018 là 36,1%).

Chính sự suy giảm ở hai thị trường trọng điểm đã ảnh hưởng mạnh tới tốc độ tăng trưởng chung về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động du lịch tại nước ta thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế bất cập như: công tác an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch,…

Mục tiêu 18 triệu khách

Nhìn trước nguy cơ này, ông Hà Văn Siêu cho biết, ngay từ 3 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã thực hiện các giải pháp nhằm kích cầu du lịch, như tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện, Tổng cục Du lịch đã đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chuyển những gói kinh phí cho việc xúc tiến du lịch ở khu vực Mỹ, Trung Đông sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong mục tiêu 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam phải duy trì thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Trong đó, mục tiêu năm 2019, ngành du lịch sẽ đón và phục vụ khoảng 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, ngành du lịch đã có những giải pháp cấp thiết như tổ chức 3 cuộc họp với các doanh nghiệp khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để tìm biện pháp tăng trưởng lượng khách từ các thị trường này. Trong tháng 6/2019, Tổng cục Du lịch đã có 4 hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó có 2 hội chợ ở Trung Quốc, 1 hội chợ ở Hàn Quốc và thực hiện chương trình quảng bá du lịch bằng chiến lược marketing trên mạng xã hội Trung Quốc bằng tiếng Trung.

Một tín hiệu mới là trong khi khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc chững lại, thì khu vực ASEAN lại tăng khá đều. Đặc biệt, Thái Lan là một trong số thị trường tăng mạnh của Việt Nam với các điểm du lịch yêu thích tại miền Trung như Đà Nẵng, Hội An. Du khách Nga đến Việt Nam sau một thời gian chững lại cũng có dấu hiệu tăng trở lại.

“Ngành du lịch tin tưởng sẽ đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Trước đây, chúng ta phụ thuộc khá lớn vào việc các công ty lữ hành nước ngoài đưa khách quốc tế vào Việt Nam, nhưng thời gian qua lại chứng kiến khách du lịch đi lẻ tự túc và đặt dịch vụ trực tuyến tăng cao. Hơn nữa, một số điểm đến mới của Việt Nam như Lào Cai, Phú Yên, Quy Nhơn đang dần trở thành những điểm đến hấp dẫn bên cạnh những điểm đến quá quen thuộc với khách du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc”, ông Hà Văn Siêu chia sẻ.

Kỷ niệm 58 năm thành lập ngành du lịch, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức trao Giải thưởng du lịch Việt Nam 2019 nhằm vinh danh doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của ngành, gồm: lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng ô tô, đường thủy, hàng không, nhà hàng ăn uống phục vụ khách, khu du lịch và vui chơi giải trí, truyền thông… Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Giải thưởng Du lịch Việt Nam là động lực để các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

QUỲNH ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thach-thuc-moi-cua-nganh-du-lich-97800.html