Thách thức lớn với mục tiêu phát triển bền vững

Có 41 trong nhóm 73 quốc gia nghèo nhất thế giới chính thức đề nghị được giãn nợ theo sáng kiến của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các biện pháp hỗ trợ người nghèo đã được các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia thực thi, nhằm giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất vượt 'bão Covid-19'.

Có 41 trong nhóm 73 quốc gia nghèo nhất thế giới chính thức đề nghị được giãn nợ theo sáng kiến của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các biện pháp hỗ trợ người nghèo đã được các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia thực thi, nhằm giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất vượt "bão Covid-19".

Bức tranh về đói nghèo trên thế giới đậm gam mầu xám, do đại dịch Covid-19 đe dọa kéo lùi thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên toàn cầu. Tỷ lệ người nghèo cùng cực năm 2020 được dự báo tăng lần đầu kể từ năm 1998, lên 29,7%. Tỷ lệ dân số thế giới có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày dự kiến tăng từ mức 8,2% trong năm 2019 lên 8,8% trong năm nay. Liên hợp quốc (LHQ) thừa nhận, trong khi thế giới còn chưa thật sự "vào guồng" để chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 theo Các mục tiêu phát triển bền vững đã được LHQ đặt ra, thì đại dịch Covid-19 kéo lùi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm qua. Theo Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, 100 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay, 1,4 tỷ trẻ em bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, chỉ số phát triển con người trên toàn cầu lần đầu suy giảm kể từ khi khái niệm này được giới thiệu.

Hàng loạt hộ gia đình có khả năng rơi vào cảnh bần cùng do mất thu nhập và việc làm trong "bão Covid-19", khiến nhiều quốc gia và khu vực càng chật vật hơn trong nỗ lực chống đói nghèo. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, Ấn Ðộ có thể phải chứng kiến những thành tựu đạt được giai đoạn 2011 - 2015 bị đảo ngược. Gần một nửa dân số Ấn Ðộ trong tình trạng dễ bị tổn thương với mức tiêu dùng gần sát ngưỡng nghèo và 90% lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức gặp nhiều khó khăn. Gói kích thích kinh tế với quy mô đến 270 tỷ USD của Chính phủ Ấn Ðộ chỉ có tác động hạn chế về mặt tài chính, như "muối bỏ biển" và chưa thể hỗ trợ nhiều cho những người mất sinh kế do dịch bệnh.

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CEPAL) của LHQ cho biết, 230 triệu người, chiếm 36,5% số dân khu vực này, sẽ rơi vào tình trạng nghèo trong năm nay, tăng hơn 45 triệu người so mức năm 2019. Nền kinh tế khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê dự báo suy giảm 9,1% và đây là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua.

Ðiều này kéo theo sự gia tăng tình trạng đói nghèo cùng cực và bất bình đẳng. CEPAL dự báo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 13,5% vào cuối năm nay, đồng nghĩa 44 triệu người không có việc làm. Các yếu tố tiêu cực này được cảnh báo dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất ở Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê trong hàng chục năm, nới rộng bất bình đẳng xã hội.

Tại châu Phi, châu lục có nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới, gần 50 triệu người có nguy cơ bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), khoảng 30% số dân của châu lục hơn 1,3 tỷ người này sống dưới ngưỡng nghèo đói, mặc dù sau châu Ðại Dương, châu Phi chịu tác động ít nhất từ đại dịch Covid-19. AfDB dự báo kịch bản tồi tệ nhất là có thêm từ 28,2 triệu đến 49,2 triệu người châu Phi rơi vào nghèo đói cùng cực trong năm nay và năm tới. Ni-giê-ri-a, quốc gia đông dân nhất châu Phi, được dự báo chứng kiến số người nghèo cùng cực tăng cao nhất trong năm nay, với khoảng từ 8,5 triệu đến 11,5 triệu người trong tổng số 200 triệu dân.

Ðể góp phần tạo nền tảng tài khóa cho các nước có thể hỗ trợ cuộc sống và sinh kế của người dân, kể từ tháng 3 vừa qua, IMF đã cung cấp khoảng 25 tỷ USD cho 72 quốc gia theo chương trình tài trợ khẩn cấp của tổ chức này mà không kèm theo các điều kiện như thông lệ. Giữa tháng 4 vừa qua, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Pa-ri cũng nhất trí về Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.

Dịch bệnh kéo theo khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa từng có đang đe dọa tính mạng và sinh kế của nhiều người trên thế giới, đặt ra thách thức lớn đối với nỗ lực nhằm đạt Các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Song, đây cũng là thời điểm để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các chiến lược xanh, xây dựng thế giới tốt đẹp và bình đẳng hơn. Thách thức hiện nay cũng là "động lực" để các nước tìm hướng đi mới, mở cánh cửa mới giúp người nghèo có sinh kế bền vững.

Bảo Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/thach-thuc-lon-voi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-610500/