Thách thức lớn nhất của ngành gỗ

Ngành chế biến gỗ của Việt Nam dù xuất khẩu gần chục tỷ USD mỗi năm nhưng vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc lựa chọn thị trường nhập khẩu gỗ nhằm bảo đảm 100% gỗ sạch, đáp ứng các quy định nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là không dễ dàng. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phầnPhát triển SXTM Sài Gòn (SADACO) - về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi mà EVFTA mang đến cho ngành gỗ Việt Nam?

Theo tôi, trước một hiệp định bất kỳ nào, chúng ta đều phải tìm bằng được những cơ hội trước mắt và tiềm năng để tận dụng. EVFTA sẽ mang đến một số thuận lợi nhất định cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đầu tiên là việc giảm thuế theo lộ trình nhất định, thậm chí có những mặt hàng thuế về bằng 0%. Thứ hai, cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại cũng như các kênh phân phối của EU tốt hơn. Thứ ba, thông qua những yêu cầu bắt buộc và tiêu chuẩn cao của hiệp định này, DN sẽ trưởng thành thêm, tự nâng cao quản trị kinh doanh, phát triển sản phẩm, quy trình sản xuất…

Vậy theo ông, EVFTA đặt ra thách thức nào cho ngành gỗ?

Thách thức của EVFTA đặt ra cho ngành gỗ là không hề nhỏ, vì EU đã dựng lên rào cản kỹ thuật lớn, đó là xác định nguồn gốc nguyên liệu gỗ đưa vào sản xuất. Còn ngành gỗ Việt, dù nguyên liệu trong nước đã tăng dần nhưng vẫn phải sử dụng tới gần 50% nguyên liệu nhập khẩu. Vấn đề này đặt DN trước một số khó khăn như xác định nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam và nguồn gốc gỗ nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam. Đơn cử, với nguyên liệu trong nước, theo điều khoản của EVFTA, Việt Nam phải cấp chứng chỉ nguồn gốc gỗ cho DN và nguyên liệu gỗ phải được trồng bền vững, nguồn gốc rõ ràng; thu hoạch, chế biến theo quy định của EU đặt ra.

Trước những khó khăn này, ngành gỗ cần có giải pháp nào hỗ trợ cho DN, thưa ông?

Trước tiên, nhà nước cần có giải pháp về kinh phí hỗ trợ DN đào tạo, tập huấn; cung cấp thông tin đầy đủ các yêu cầu, thuận lợi khó khăn của EVFTA. Về phía các hiệp hội ngành hàng, cần sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để triển khai đưa hiệp định này tới DN vừa và nhỏ. Đối với DN, cần nắm chắc, hiểu rõ; đặc biệt, phải liên kết với nhau qua cầu nối là hiệp hội gỗ ở các địa phương cũng như trên cả nước.

Hiện nay, phía EU đã nhìn ra khó khăn của các DN Việt Nam nên đang hỗ trợ cho DN thuộc Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án xác định nguồn gốc bền vững. Dù dự án này không lớn nhưng cho thấy sự tích cực của EU và sẽ có không ít DN được hưởng lợi từ dự án.

Vậy, SADACO đã có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng lợi thế và vượt thách thức từ EVFTA?

Với kinh nghiệm sản xuất đồ gỗ trên 30 năm nên khi triển khai EVFTA, chúng tôi là một trong những DN đầu tiên thực hiện đăng ký vào dự án xác định nguồn gốc gỗ bền vững. Hiện tại, toàn bộ thông tin, quá trình triển khai EVFTA, chúng tôi đều nắm chắc và có thêm lợi thế đã xuất khẩu vào EU tới gần 40% trong tổng số doanh thu 500 tỷ đồng. Do vậy, SADACO hoàn toàn tự tin sẽ xuất khẩu tốt trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thach-thuc-lon-nhat-cua-nganh-go-125475.html