Thách thức lớn của các nghệ sĩ đương đại

Các loại hình nghệ thuật sáng tạo mới xuất hiện ngày càng nhiều. Để nắm bắt ý nghĩa của những tác phẩm mang hơi thở đương đại không phải là chuyện dễ dàng. Nhằm giúp mọi người có thể hiểu được tác phẩm của mình, nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã xây dựng những chiến lược riêng.

Mới đây, trên diễn đàn của các nghệ nhân dệt đương đại đã diễn ra cuộc trao đổi khá sôi nổi về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Sau đó, nhóm tổ chức một cuộc khảo sát nhỏ để xác định thách thức lớn nhất đối với các nghệ sĩ trong lĩnh vực này là gì. Kết quả hoàn toàn trùng khớp đối với những gì được dự đoán, đó là việc tìm kiếm khán giả.

Nghệ sĩ đàn piano giao lưu với học sinh tại Trung tâm hỗ trợ khán giả ở Ireland.

Không ai có thể phủ nhận nghệ thuật dệt may là một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời nhất của nền văn minh nhân loại. Đến nay, dệt may không dừng lại ở việc phục vụ các nhu cầu thiết yếu mà còn là một loại hình nghệ thuật. Các nghệ nhân dệt may đương đại đã cho ra đời nhiều tác phẩm đầy sáng tạo với vải, chỉ và sợi như tranh treo tường, các tác phẩm sắp đặt... Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng có đủ kiến thức để đánh giá chính xác giá trị nghệ thuật của những tác phẩm này.

Nigel Cheney, một nghệ nhân dệt may, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế tại Dublin (Ireland) cho biết, nếu sản phẩm nghệ thuật mà không có khán giả thì giá trị sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, để có được những khán giả có sự hiểu biết đối với loại hình nghệ thuật này là một thách thức lớn đối với các nghệ nhân. Chính vì thế, họ buộc phải đưa nội dung tìm kiếm, phát triển khán giả vào các khóa học. Mỗi sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đều phải thực hiện phần thuyết trình về cách thức thu hút khán giả. Nội dung này chiếm tỷ lệ điểm khá cao.

Không chỉ trong nghệ thuật dệt may, các bộ môn nghệ thuật đương đại khác cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Để giúp đỡ các nghệ sĩ, Hội đồng Nghệ thuật Ireland đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khán giả. Mục tiêu chính của trung tâm là đưa khán giả đến gần hơn với các bộ môn nghệ thuật sáng tạo mới bằng cách tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa nghệ sĩ và khán giả, giải đáp những câu hỏi liên quan tới các lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài ra, Trung tâm cũng giúp quảng bá tác phẩm mới và thông báo lịch tổ chức triển lãm của các nghệ sĩ.

Tại Mỹ, trong suốt 20 năm qua Quỹ Wallace đã luôn nỗ lực để đưa nghệ thuật trở thành một phần cuộc sống. Một trong những ưu tiên của Wallace là thúc đẩy sự quan tâm của khán giả đối với nghệ thuật và xây dựng đội ngũ khán giả tương lai. Tại những thành phố có dự án của Wallace, trẻ em trong một số trường học sẽ được tham gia các khóa đào tạo nghệ thuật cơ bản, được khuyến khích tham gia các cuộc thi để tăng thêm tình yêu với các môn nghệ thuật. Quỹ Wallace còn liên tục thực hiện những cuộc khảo sát, nghiên cứu nhằm tìm ra những rào cản ngăn khán giả đến với nghệ thuật để xây dựng dự án phát triển khán giả trong tương lai.

Một trong những hội thảo thành công nhất mà Wallace tổ chức gần đây có chủ đề “Nghệ thuật cho tất cả: Sự kết nối với khán giả”, thu hút sự tham gia của 191 nhà lãnh đạo của các tổ chức nghệ thuật. Tại đây, nhiều ý tưởng đã được chia sẻ để các nghệ sĩ có thể xây dựng bộ phận khán giả cho riêng mình.

Lẽ dĩ nhiên, mỗi nghệ sĩ đều có cách riêng để đưa tác phẩm của họ đến với khán giả. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, các trang mạng xã hội là trợ thủ đắc lực cho các nghệ sĩ quảng bá công việc của mình. Cathy Cullis, một nghệ nhân đang làm việc tại Surrey (Anh) chia sẻ, cô cảm thấy biết ơn mạng internet. Nhờ nó, cô không phải đứng kè kè bên tác phẩm của mình tại triển lãm để diễn giải cho khán giả hiểu được những “đứa con cưng” của mình.

Giờ đây, chỉ cần ngồi nhà chụp ảnh tác phẩm rồi đăng lên mạng xã hội, mô tả chi tiết quá trình sáng tạo, từ ý tưởng tới các khâu thực hiện..., Cathy Cullis đã có một lượng khán giả khá ổn định. Họ thấu hiểu, chia sẻ với công việc của cô và thậm chí còn có những đóng góp rất ý nghĩa để cô hoàn thiện tác phẩm của mình. Mong muốn của khán giả còn giúp cô có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới.

Để phối hợp nhằm tăng số lượng người quan tâm, các nghệ sĩ, hiệp hội nghệ thuật ở nhiều quốc gia cũng đồng tình với ý tưởng thành lập thêm diễn đàn giao lưu với khán giả. Đây sẽ là nơi giải đáp thắc mắc của khán giả đối với các tác phẩm nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ lập kế hoạch tổ chức những chuyến tham quan thực tế dành cho khán giả tới xưởng làm việc của mình, giúp họ có thêm kiến thức về nghề, thấu hiểu về khó khăn mà nghệ sĩ phải đối mặt.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/971607/thach-thuc-lon-cua-cac-nghe-si-duong-dai