Thách thức kinh tế Mỹ của tổng thống kế tiếp

Người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày mai 3-11 sẽ phải đối mặt với thế hệ người Mỹ có thu nhập từ thấp đến trung bình đang vật lộn để trở lại làm việc, vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua: khoảng một nửa trong số 22 triệu người bị mất việc làm trong thời kỳ đại dịch vẫn không có việc làm.

Cạn kiệt tiền tiết kiệm

Việc tuyển dụng mới đang chậm lại, làm mờ đi triển vọng đối với những người lao động lương thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc làm. Coronavirus chủng mới đã giết chết hơn 225.000 người Mỹ và đang tăng lên mức kỷ lục mới.

Các khách sạn, công ty vận tải và nhà cung cấp thực phẩm cảnh báo rằng sắp có nhiều đợt sa thải nhân viên, trong khi khoản viện trợ của chính phủ đã hết từ lâu.

Gene Ludwig, cựu chuyên gia tính toán tiền tệ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nói: "Đảm bảo tương lai là thách thức quan trọng nhất nước Mỹ phải đối mặt trong 10 năm, 20 năm tới. Chúng ta không thể duy trì một xã hội dân chủ có những người có thu nhập thấp và trung bình không thể có hy vọng cho giấc mơ Mỹ và sống đàng hoàng”.

Các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội và chính quyền Tổng thống Trump đã cố gắng đàm phán dự luật viện trợ coronavirus trị giá 2.000 tỷ USD, nhưng 2 bên vẫn đang bất đồng, có thể phải đến đầu năm 2021 mới đạt được thỏa thuận. Khi đó sẽ là quá muộn đối với một số người.

“Thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và tăng cường trợ cấp thất nghiệp được thiết lập bởi Đạo luật CARES, tức bổ sung 600USD/tuần vào trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang, giúp nhiều người Mỹ thoát khỏi cảnh nghèo hơn vào tháng 4, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao” - theo nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Xã hội và Nghèo đói tại Đại học Columbia.

Theo một phân tích của JPMorgan Chase Institute: “Những người nhận được những lợi ích nâng cao có thể chi tiêu nhiều hơn: tiết kiệm và trả nợ. Nhưng sau khi hết hạn trợ cấp vào cuối tháng 7, tình trạng nghèo đói lại gia tăng - với tỷ lệ nghèo hàng tháng đạt 16,7% vào tháng 9 từ mức 15% vào tháng 2”.

Lisandra Bonilla, 46 tuổi, đã tiết kiệm được khoảng 1/3 số tiền trợ cấp thất nghiệp nâng cao mà cô nhận được vào cuối tháng 3 do mất việc tại một cơ quan ở Kissimmee, Florida.

Cô nói: “Tôi đã tiết kiệm rất nhiều vì tôi không biết điều gì sẽ xảy ra”. Đó là kế hoạch thông minh. Vào tháng 8, trợ cấp của cô đã bị cắt giảm xuống còn 275USD/tuần, giảm từ hơn 800USD/tuần.

Bonilla trở lại làm việc bán thời gian vào cuối tháng 9, nhưng hiện cô đang phải vật lộn để trả các hóa đơn bằng một nửa mức lương trước đó và lo ngại khoản tiết kiệm của mình sẽ hết vào tháng 12. Nếu không sớm được tuyển dụng toàn thời gian, cô cần phải tìm công việc khác.

Wendy Edelberg, Giám đốc dự án Hamilton và thành viên cấp cao của Viện Brookings, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đưa mình ra khỏi cái hố, nhưng cái hố lại ngày càng lớn hơn".

Bà nói có 2 yếu tố đặc biệt đáng lo ngại: Ước tính hơn 420.000 doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa từ tháng 3 đến giữa mùa hè, gấp hơn 3 lần tốc độ thông thường; Số nhân viên bị sa thải vĩnh viễn đang gia tăng, đạt 3,8 triệu vào tháng 9 từ 1,3 triệu vào tháng 2 - tương tự mức đã thấy trước cuộc bầu cử năm 2008.

Bẫy thất nghiệp dài hạn

Bất luận là Tổng thống Donald Trump hay ứng viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ 2021-2024, thách thức kinh tế đối với chủ nhân Nhà Trắng vẫn là tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế số 1 của thế giới.

Donald Harper đã tham gia hơn 50 cuộc phỏng vấn việc làm kể từ khi bị nghỉ việc vào tháng 3. Là đầu bếp kỳ cựu 55 tuổi, Harper gần đây nhất đã giám sát 5 nhà hàng tại khu nghỉ mát ở Orlando. Nhưng với tình hình hiện tại, không rõ khi nào ông có thể quay lại làm việc. Đơn xin việc tại siêu thị hoặc chăm sóc sức khỏe cũng không có kết quả.

Dù thất nghiệp, ông vẫn phải vật lộn để trả tiền thực phẩm và điện nước 275USD/tuần, hiện đang nợ 3 tháng tiền nhà (1.900USD/tháng). Harper sống với 2 đứa con 10 và 13 tuổi. Ông cho biết đã liên hệ với hơn 20 nhóm tìm kiếm sự hỗ trợ cho thuê nhà nhưng chưa có kết quả. “Tôi không muốn thành người vô gia cư. Tôi có thể làm bất cứ điều gì và mọi thứ” - ông nói.

Mỹ hiện có 2,4 triệu người thất nghiệp “dài hạn” và con số này ngày càng gia tăng. Đây là những người không có việc làm từ 27 tuần trở lên. Đưa mọi người trở lại làm việc là điều tối quan trọng, nhưng các nhà kinh tế nói những người tìm việc có nguy cơ bỏ thị trường lao động, hoặc nhận những công việc được trả lương thấp hơn.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã báo cáo GDP tăng mạnh 33,1% trong quý III, một phần nhờ vào kích thích tài chính đã giữ cho công nhân Mỹ tiếp tục làm việc, nhưng các kích thích hầu hết đã hết hạn.

Giờ đây, những người không có việc làm hoặc làm công việc lương thấp cần hỗ trợ tiền thuê nhà, trả tiền mặt trực tiếp và hỗ trợ lương thực, cũng như các dự án việc làm liên bang và chương trình đào tạo lại.

Ông Biden đã cam kết tăng lương tối thiểu liên bang và triển khai hàng ngàn tỷ USD cho các chương trình cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. Còn ông Trump đã ra dấu hiệu ủng hộ nhiều kích thích liên bang hơn, nhưng đã đưa ra ít chi tiết cụ thể hơn về công việc.

Trong khi đó, người lao động đang gặp khó khăn. Rachel Alvarez, 44 tuổi, bà mẹ 3 con đơn thân ở Naples, Florida, cho biết đã bắt đầu công việc mới trong tuần trước với tư cách là người phục vụ tại một nhà hàng. Đây là lần đầu tiên cô làm việc kể từ khi mất việc vào tháng 3.

Các nhân viên nhà hàng phụ thuộc vào tiền boa không kiếm được nhiều tiền, bởi công việc kinh doanh vẫn chậm do coronavirus. Alvarez đã không trả tiền thuê nhà kể từ tháng 6 và vẫn đang đợi khoản trợ cấp từ chính quyền quận.

Vĩnh Cẩm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/thach-thuc-kinh-te-my-cua-tong-thong-ke-tiep-85295.html