Thách thức kiểm soát lạm phát 4%

'Thách thức trong việc kiềm chế lạm phát trong năm 2018 đang lớn hơn hẳn các năm trước', ông Nguyễn Đức Hùng Linh (SSI) nhận định. CPI tháng 9.2018 tăng 0,59% so với cùng kì tháng trước, mức cao thứ 2 trong năm 2018 sau tháng 6.

Tính chung 9 tháng CPI tăng 3,2% so với cuối năm 2017.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay mà các chuyên gia băn khoăn là liệu lạm phát 9 tháng đã lên mức cao nhất 5 năm thì mục tiêu 4% liệu có đạt được?

Giá lương thực tăng cao

Có tới 10.11 nhóm mặt hàng chính trong cấu thành CPI tháng 9 tăng giá, nổi bật nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 3 nhóm phụ là lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình cùng tăng.

Nói về nguyên nhân chính khiến CPI lương thực tăng cao, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc BP Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty CPCK Sài Gòn (SSI) cho biết “Nguyên nhân chính là do giá gạo.

Giá gạo sau nửa đầu năm tăng mạnh đã giảm giá nhanh khi xuất khẩu chậm lại. Bắt đầu từ tháng 8, giá lúa tăng dần và hiện tại đã lên 6 nghìn đồng/kg khiến CPI Lương thực tháng 8 và 9 tăng lần lượt +0.1% và +0.28%”.

CPI Thực phẩm tăng 0,51%, mức thấp nhất 5 tháng do giá một số thực phẩm đã lên mặt bằng cao và khó có thể tăng nhanh như trước. Giá thịt lợn tháng 9 tăng 0,65% trong khi tháng 6 tăng tới 8,12%. Do phụ thuộc vào Lương thực, Thực phẩm, CPI Ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,35%.

Một yếu tố tăng giá có tính chu kỳ trong tháng 9 là học phí. Trong số các mặt hàng tăng giá thấp đáng chú ý là Thuốc và Dịch vụ y tế.

Thách thức kiềm chế lạm phát 4%

Câu hỏi lớn nhất hiện nay mà các chuyên gia băn khoăn là liệu lạm phát 9 tháng đã lên mức cao nhất 5 năm thì mục tiêu 4% liệu có đạt được?

“Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,2% so với cuối năm 2017. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu. Sâu xa hơn, đó là những mất cân bằng trong cung cầu ngắn hạn”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết.

Việc ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Hàn Quốc, Philippines… là một tin vui cho sản xuất nông nghiệp. Được mùa nhưng không mất giá giúp tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78%.

Không giống với giá gạo, nhiều khả năng giá thịt lợn sẽ sớm bình ổn. Giá thịt lợn hơi hiện đang giao động trên 50 nghìn đồng/kg, tương đương vùng đỉnh vào tháng 5.2016, thời điểm trước khi lao dốc khiến ngành chăn nuôi lợn lao đao. Giá tốt đã kích thích người nuôi tái đàn.

Trước đó, tại họp báo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018, VEPR nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, còn nhiều lo ngại về mức lạm phát chi tiêu 4%.

Trao đổi báo báo chí, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV năm nay. Tuy nhiên, về lạm phát trong năm 2019, nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, VEPR cho rằng việc Việt Nam áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1.1.2019 sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.

Theo VEPR, chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỉ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. “Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Theo PGS TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc đánh thuế vào xăng dầu còn kéo theo các tác động khác, ảnh đến nguyên vật liệu sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa và chi phí của doanh nghiệp.

Tóm lại, trong các tác nhân có thể làm lạm phát tăng cao trong quý 4, Lương thực và Năng lượng (xăng, dầu, gas) là 2 nhóm mặt hàng cần phải quan tâm nhiều nhất.

“Thách thức trong việc kiềm chế lạm phát trong năm 2018 đang lớn hơn hẳn các năm trước. Tuy vậy nếu chúng ta thành công, việc kiểm soát lạm phát cho năm tiếp theo sẽ trở nên thuận lợi bởi thứ nhất, mặt bằng giá hàng hóa đã ở mức cao và thứ hai, quan trọng hơn, là những bài học thực tế trong năm 2018 sẽ rất hữu ích để việc điều hành chính sách trong tương lai được tự tin và nhất quán”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/thach-thuc-kiem-soat-lam-phat-4-636524.ldo