Thách thức kép

Phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn ở Iran đã tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử mới đây. Điều này đặt Tổng thống H.Rouhani, người ủng hộ cải cách, đứng trước những thách thức cả về đối nội và đối ngoại, trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo tiếp tục chịu sức ép ngày càng gia tăng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cuộc bầu cử quốc hội Iran diễn ra hôm 21-2 vừa qua đã chứng kiến số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu thấp nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Chỉ hơn 24 triệu người trong số 58 triệu cử tri đủ tư cách tham gia bỏ phiếu (khoảng 42%). Theo Bộ Nội vụ Iran, các ứng cử viên ủng hộ đường lối bảo thủ giành thế đa số trong quốc hội 290 ghế. Ðáng chú ý, phe bảo thủ đã giành thắng lợi tuyệt đối với 30/30 ghế tại khu vực bầu cử thủ đô Tehran. Những người ủng hộ đường lối bảo thủ bày tỏ niềm vui khi cho rằng chiến thắng dành cho các ứng cử viên "chống Mỹ".

Ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử, Iran đã phải đối mặt một loạt thách thức khi Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran trong bối cảnh nền kinh tế Iran bị thiệt hại nặng nề trước các "đòn" trừng phạt của Oa-sinh-tơn. Vụ lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine và những thông tin đáng lo ngại về diễn biến của dịch Covid-19 mới bùng phát ở Iran đặt chính quyền Tehran trước những khó khăn chồng chất. Ngay trước thềm bầu cử, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa năm quan chức Iran bổ sung vào danh sách bị áp đặt trừng phạt với cáo buộc họ "thao túng" bầu cử. Năm nhân vật này là thành viên của Hội đồng Giám hộ và Ủy ban giám sát bầu cử Iran phụ trách "thẩm tra tư cách ứng cử viên" tham gia tranh cử. Nhằm gia tăng sức ép đối với Tehran, Mỹ cũng vừa thông báo áp đặt trừng phạt đối với 13 cá nhân và thực thể nước ngoài ở Trung Quốc, Iraq, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc họ ủng hộ chương trình tên lửa của Iran.

Trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ, nền kinh tế Iran đã sụt giảm 9,5% trong năm ngoái, tỷ lệ lạm phát lên tới 35%, trong khi xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu chủ lực của Tehran, giảm mạnh từ 2,1 triệu thùng/ngày vào năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 500 nghìn thùng/ngày hiện nay. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Iran sẽ không tăng trưởng trong năm nay và chỉ tăng 1% trong năm tới. Những khó khăn kinh tế dẫn tới bùng phát làn sóng biểu tình trong nước. Nhiều người đã xuống đường phản đối việc chính phủ cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, kéo theo các vụ bạo loạn nghiêm trọng.

Khó khăn kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội cùng sự điều hành thiếu hiệu quả của Chính phủ được cho là những yếu tố chính châm ngòi cho làn sóng biểu tình ở nước này. Chính phủ Iran lại đối mặt thêm thách thức mới sau khi quân đội nước này thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine, làm chết toàn bộ 176 người trên máy bay. Vụ việc đã gây ra những căng thẳng trong quan hệ quốc tế của Iran.

Việc phe bảo thủ giành thế thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Iran đặt ra không ít thách thức cho Tổng thống H.Rouhani. Trước sức ép của phe bảo thủ, nhà lãnh đạo theo đường lối cải cách này sẽ không dễ dàng gì trong việc lựa chọn cách thức ứng xử với Mỹ và phương Tây trước các vấn đề liên quan "hồ sơ hạt nhân" của Tehran. Iran hiện rơi vào thế vừa phải thể hiện sự cứng rắn trước sức ép của Mỹ, song cũng phải linh hoạt trong xử lý mối quan hệ với các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm bảo vệ các lợi ích của Tehran. Tehran tiếp tục tuyên bố không đóng cánh cửa đối thoại với Liên hiệp châu Âu (EU) theo những cách thức khả thi để duy trì JCPOA, song quốc gia Hồi giáo này kiên quyết phản đối việc một số nước châu Âu bày tỏ hoài nghi về chương trình tên lửa của Iran cũng như không chấp thuận đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân theo yêu cầu của phương Tây.

Mặc dù theo đường lối cải cách, song các chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống H.Rouhani chưa phát huy hiệu quả trong bối cảnh quốc gia này phải duy trì chính sách cứng rắn trước Mỹ. Tổng thống Iran hiện đứng trước "thách thức kép" khi vừa phải giải bài toán đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn kinh tế, vừa phải bảo đảm một chính sách đối ngoại hiệu quả giúp Iran đối phó "chính sách gây sức ép tối đa" mà Mỹ đang áp dụng đối với Tehran.

Thái An

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43404402-thach-thuc-kep.html