Thách thức hậu cần để 'phủ sóng' vaccine ngừa Covid-19

Trong lúc vấn đề làm thế nào để phân phối hợp lý vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn gây tranh cãi thì người ta lại phải tính đến một rào cản lớn khác, đó là hoạt động vận chuyển và bảo quản chế phẩm này.

Nỗi lo không nhỏ

Với vaccine ngừa SARS-CoV-2 hay bất cứ một loại vaccine nào, sau quá trình bào chế và sản xuất, không phải ai cũng có thể được tiêm chủng ngay lập tức. Những liều vaccine này sẽ cần một mạng lưới vận chuyển bao gồm xe tải, máy bay để phân phối từ dây chuyền sản xuất đi các nơi.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính, các nước trên thế giới cần khoảng 8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Nếu mỗi bệnh nhân chỉ cần một liều duy nhất, số lượng lô hàng trên đủ để lấp đầy 8.000 máy bay vận tải Boeing 747. Dù vậy, tiêu chuẩn tiêm đủ 2 liều của hầu hết các loại vaccine đang trong quá trình phát triển sẽ khiến khối lượng này tăng lên đáng kể. Hãng vận chuyển DHL của Đức cho biết, việc phân phối vaccine trên toàn cầu sẽ cần khoảng 15.000 chuyến bay và 15 triệu lượt giao hàng trong vòng hai năm tới.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu vẫn đang làm ngưng trệ hầu hết các chuyến bay thương mại-một phần quan trọng của mạng lưới vận tải hàng hóa trên thế giới. Ngay cả khi chính phủ các nước dỡ bỏ hạn chế đi lại, các đơn vị vận chuyển vẫn cần một khoảng thời gian để tái khởi động các chuyến bay, bao gồm hoạt động đào tạo lại phi công và kiểm tra kỹ thuật máy bay. Bên cạnh đó, ngành hàng không thế giới còn phải đáp ứng nhu cầu vận chuyển thiết bị, vật tư y tế tăng vọt trong khi công tác vận chuyển các mặt hàng thiết yếu vẫn cần được duy trì.

 Việc bảo quản vaccine đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: Getty Images

Việc bảo quản vaccine đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, vaccine là sản phẩm rất nhạy cảm với nhiệt độ nên yêu cầu các thiết bị và vật liệu chuyên dụng như hộp mát, tủ đông lạnh và rất nhiều đá khô khi vận chuyển. Cá biệt, vaccine ngừa Covid-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển-đang được kỳ vọng là loại vacine đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Mỹ-phải được bảo quản ở nhiệt độ tới -70 độ C. Đây là tiêu chuẩn mà ngay cả các bệnh viện hiện đại cũng không thể đáp ứng, trong khi những loại vaccine ngừa cúm thông thường chỉ cần bảo quản trong tủ lạnh bình thường. Vaccine không được lưu trữ đúng cách sẽ dẫn tới nhiều vấn đề như: Giảm hoặc mất hiệu quả phòng bệnh, lãng phí, mất niềm tin của khách hàng... “Chênh lệch nhiệt độ dù chỉ trong một phút, thậm chí tính bằng giây thôi cũng là không được phép”, Giám đốc công ty chuyển phát nhanh Biocard (Nga) Oleg Baykov lưu ý. Điều này đặt thêm một thách thức cho việc cung cấp vaccine hiệu quả đến những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, nhất là tại nhiều khu vực ở châu Á, châu Phi và Mỹ-Latin - những nơi có khí hậu nóng và cơ sở hạ tầng bảo quản hạn chế.

Ý tưởng mới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 200 “ứng cử viên” vaccine ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển, trong đó một số đã đến giai đoạn 3 là thử nghiệm trên người ở diện rộng, tại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ và một số nước châu Âu.

Do vaccine được sản xuất dưới dạng lỏng và đòi hỏi việc bảo quản ở nhiệt độ cực thấp nên các nhà khoa học Nga đã đưa ra ý tưởng “vaccine khô” như là một giải pháp khả dĩ cho những thách thức vận chuyển và bảo quản sản phẩm. Theo Reuters, Nga đang thử nghiệm quy trình “biến vaccine ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V do nước này sản xuất thành dạng đông khô-thuật ngữ y tế để chỉ dạng khô đông lạnh, thường được sử dụng nhằm tăng thời hạn sử dụng của thuốc và có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh từ 2 đến 8 độ C (ở dạng lỏng, vaccine này yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C). Các cơ sở tiêm chủng sau đó sẽ tiến hành pha loãng theo đúng tỷ lệ tiêu chuẩn rồi tiêm cho khách hàng.

Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF)-cơ quan tài trợ sản xuất vaccine Sputnik V-khẳng định, các thử nghiệm vừa qua ghi nhận phản ứng miễn dịch “giống nhau” đối với vaccine dạng đông khô và dạng lỏng; đồng thời cho biết, một tỷ lệ lớn liều lượng vaccine Sputnik V có thể sẽ được điều chế ở dạng đông khô từ tháng 2-2021. Chính quyền Moscow đang đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu liều vaccine Sputnik V cho tới cuối năm nay và sẽ nâng công suất lên 6 triệu liều mỗi tháng từ mùa xuân sang năm.

Vaccine ngừa Covid-19 đang là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm đối phó đại dịch. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có hướng dẫn chính thống về quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine. Chính phủ các nước, các nhà sản xuất vaccine, các hãng hàng không, các đơn vị vận chuyển cùng các cơ quan, tổ chức liên quan cần thảo luận, thống nhất đưa ra giải pháp cho “bài toán” hậu cần này.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thach-thuc-hau-can-de-phu-song-vaccine-ngua-covid-19-644819