Thách thức đối với Iraq thời hậu IS

Chỉ ít ngày sau khi Nga tuyên bố đánh bại hoàn toàn tổ chức khủng bố 'Nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng tại Syria, Iraq cũng tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài 3 năm nhằm đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi nước này. Tuy nhiên, Iraq sẽ phải đối mặt với nhiều mối lo sau khi giành chiến thắng trước IS.

Xe tăng quân đội Iraq trong cuộc duyệt binh mừng chiến thắng trước IS.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài 3 năm nhằm đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi nước này. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad, Thủ tướng Abadi khẳng định do các lực lượng Iraq đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực biên giới với Syria từ tay IS, toàn bộ lãnh thổ Iraq đã được giải phóng khỏi IS nên ông tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS. Thủ tướng Iraq cũng cảnh báo nhóm khủng bố nguy hiểm này “vẫn chưa bị đánh bại”, kêu gọi người dân Iraq cũng như trên toàn thế giới tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng đối phó với bất kỳ âm mưu khủng bố nào.

Các đợt tấn công IS của quân đội Iraq bắt đầu được “tăng tốc” mạnh từ cuối năm 2016. Bước ngoặt trên chiến trường diễn ra hồi tháng 7 vừa qua khi quân đội Iraq với sự yểm trợ của liên quân quốc tế đã giải phóng hoàn toàn Mosul, thành phố lớn thứ 2 tại Iraq và cũng là nơi IS chọn làm địa bàn xây dựng cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo". Trên đà thắng lợi, lực lượng Iraq đã mở cuộc phản công tổng lực và tiếp tục giành chiến thắng tại các thành phố mà IS kiểm soát như Tal Afar, Qaim… Đến tháng 11, quân đội Iraq đã tái chiếm thị trấn Rawah ở khu vực biên giới với Syria, căn cứ cuối cùng của IS tại nước này. Mặc dù các phiến quân còn sống sót có thể sẽ tiếp tục phản kháng, nhưng việc Iraq tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS được coi là chiến thắng lịch sử của Iraq.

Để ổn định đất nước sau khi giành chiến thắng trước IS, chính quyền Iraq đang phải đối mặt với thách thức lớn đó là công cuộc tái thiết các vùng đất bị tàn phá nặng nề do xung đột kéo dài. Báo cáo của Bộ Kế hoạch Iraq cho biết, thiệt hại do IS gây ra đối với cơ sở hạ tầng ở quốc gia này ước tính lên tới 37 tỷ USD, chưa kể thiệt hại liên quan nhà cửa và tài sản cá nhân của người dân ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Ước tính, Iraq cần khoảng 100 tỷ USD để xây dựng lại những khu vực từng bị IS chiếm đóng.

Bên cạnh đó, việc dựng lại những biểu tượng tâm linh có ý nghĩa quan trọng với các tín đồ Hồi giáo như đền thờ al-Nuri tại Mosul và tòa tháp nổi tiếng Hadba tại Mosul, các khu vực khảo cổ bị IS san phẳng ở thành phố cổ Nimrud và Hattra cũng là một ưu tiên với chính quyền Bagdad.

Theo các nhà phân tích, ngoài việc xử lý hậu quả của cuộc xung đột kéo dài, một trong những yếu tố quan trọng đem lại sự ổn định cho Iraq giai đoạn này là thúc đẩy hòa hợp dân tộc thông qua đối thoại, nhất là giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, Sunni và người Kurd, vốn có những tranh chấp về nguồn thu dầu mỏ và chia rẽ tôn giáo. Ðoàn kết dân tộc và thống nhất lợi ích giữa các phe phái là cách duy nhất nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan và bạo lực vốn hoành hành ở Iraq nhiều năm qua.

Một lo ngại nữa là dù chiến thắng của Iraq đã dập tắt mộng tưởng của IS về việc thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” ở khu vực biên giới Iraq và Syria, nhưng “bóng ma” IS sẽ chưa thể biến mất hoàn toàn khỏi quốc gia này. Việc lực lượng Iraq tiêu diệt 10 thành viên IS tại một đường hầm gần thành phố Kirkuk chỉ ít giờ sau tuyên bố chiến thắng của Thủ tướng Abadi là minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Trong khi đó, trước sức ép của liên quân quốc tế, nhiều khả năng IS sẽ hình thành một mạng lưới khủng bố ngầm để đối phó với phương Tây và các lực lượng dân chủ tại Trung Đông. Thực tế, IS đã phát triển được nhiều mạng lưới ở các nước Trung Đông khác ngoài Iraq và Syria, ở châu Phi, Trung Á và vùng Kavkaz, ở châu Âu, thậm chí cả ở khu vực Đông Nam Á và vì vậy, thế giới sẽ phải bước vào một cuộc chiến mới với lực lượng IS. Điều này đòi hỏi các nước phải thực sự đoàn kết thì mới mong xóa sổ hoàn toàn IS.

M.Châu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thach-thuc-doi-voi-iraq-thoi-hau-is.aspx