Thách thức đầu tiên của ông Biden nếu thành tổng thống Mỹ

Nếu ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên của ông sẽ là việc giành lại lòng tin của các đồng minh của Mỹ. Với nền chính trị thế giới đang trong thời kỳ hỗn loạn nhất kể từ Thế chiến II, một sự lãnh đạo ổn định của ông Biden có khả năng thiết lập lại trật tự thế giới, nhưng chỉ khi ông có được sự giúp đỡ của các đồng minh.

Ông Biden cần sự giúp đỡ của các đồng minh để hoàn thành các cam kết, nếu trở thành tổng thống. Ảnh: FT

Ông Biden cần sự giúp đỡ của các đồng minh để hoàn thành các cam kết, nếu trở thành tổng thống. Ảnh: FT

Cam kết của ông Biden

Các đồng minh Châu Âu nói riêng hy vọng, nếu trở thành tổng thống, ông Biden nhanh chóng khẳng định rằng 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump là một sai lầm phản dân chủ không bao giờ có thể lặp lại. Nếu không như vậy, ông Biden sẽ rất khó để thuyết phục các quốc gia thân thiện rằng ông sẽ từ bỏ các chính sách mà ông Trump đã thực hiện.

Ông Biden đã cam kết điều này trong một bài phát biểu ở New York vào tháng 7 năm ngoái, hứa sẽ “mời các nhà lãnh đạo dân chủ đồng minh đưa việc củng cố dân chủ trở lại chương trình nghị sự toàn cầu”. Nhưng ông Biden cần làm nhiều hơn thế đảm bảo chắc chắn kế hoạch.

Ông Biden cần đảm bảo việc Mỹ sẽ tái tham gia Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015, thỏa thuận mà ông Trump đã chính thức rút lui vào năm 2019. Ông Biden đã hứa nhiều như vậy trong bài phát biểu ở New York rằng, “Tôi sẽ tái tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris và triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, tập hợp các quốc gia để nâng cao tham vọng của họ và thúc đẩy tiến bộ hơn nữa”.

Có lẽ lời hứa được các đồng minh mong chờ nhất là phát biểu ông Biden về vấn đề dịch Covid-19 ở Delaware vào tháng 6 năm nay, cho biết ông sẽ đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về việc cắt giảm tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan y tế quốc tế đáng tin cậy duy nhất. “Điều cần thiết là điều phối phản ứng toàn cầu trong đại dịch và Mỹ nên dẫn đầu phản ứng đó như những gì chúng tôi đã làm trong quá khứ”, ông Biden nói.

Bằng cách cam kết thực hiện một chương trình nghị sự đa phương, ông Biden sẽ giải tỏa những lo ngại của các đồng minh rằng Mỹ sẽ quay lưng lại với các giá trị tạo nền tảng cho các quốc gia dân chủ khi chủ nghĩa dân tộc toàn cầu gia tăng thúc đẩy các chế độ chuyên quyền dân túy. Châu Âu nói riêng muốn bảo vệ các nền dân chủ. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào tháng 4-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Tôi muốn đưa ra lựa chọn vững chắc để bảo vệ nền dân chủ”.

Những thách thức

Ông Biden không xa lạ với chính sách đối ngoại, từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi ông còn ở Quốc hội, chưa kể đến việc ông từng hỗ trợ cựu Tổng thống Obama trong 8 năm làm phó tổng thống. Nhưng kể từ khi ông rời nhiệm sở vào đầu năm 2017, thế giới đã thay đổi.

Trong 4 năm qua, sự lãnh đạo thiếu quyết đoán của ông Trump đã khiến Mỹ mất đi sự ủng hộ của bạn bè, làm suy yếu khả năng của Nhà Trắng trong việc củng cố các liên minh mạnh mẽ đằng sau các lập trường của Mỹ đối với Iran, Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời làm suy yếu an ninh quốc gia của chính Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và nhiều nhà lãnh đạo khác đã lợi dụng sự phù phiếm của ông Trump.

Hiện tại, Brexit gần như trở thành hiện thực, vấn đề người di cư và chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một vấn đề chính trị độc hại, một phần do sự ủng hộ của ông Trump đối với các chính trị gia dân túy. Ông Biden đã đề cập đến những thay đổi đó và sự thờ ơ của ông Trump đối với các liên minh dân chủ truyền thống của Mỹ trong một bài báo đăng trên tạp chí “Foreign Affairs” vào đầu năm nay. Trong bài viết, ông lập luận rằng “hợp tác với các quốc gia khác giúp nâng cao giá trị và mục tiêu của chúng tôi. Nó làm cho chúng tôi an toàn hơn và thành công hơn”.

Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, thực hiện những cam kết là điều không hề đơn giản đối với ông Biden. Nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông cần phải hành động một cách chắc chắn để “đặt nước Mỹ trở lại vị trí đầu bảng” như ông đã nói trong bài phát biểu hồi tháng 7 ở New York. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và những thách thức kinh tế có thể là vấn đề đầu tiên ông phải giải quyết trong những ngày đầu tiên ông nắm quyền.

Điều này có nghĩa là các kế hoạch về chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ cần phải được thực hiện ngay từ ngày đầu tiên và được giao phó cho một nhà ngoại giao có kinh nghiệm, có khả năng lãnh đạo một Bộ Ngoại giao đang dính vào các vụ kiện cáo, từ chức dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Đồng minh là rất quan trọng

Khi ngày bầu cử đang đến gần, những vấn đề mới cũng đang nảy sinh.

Tổng Thống Nga Putin của Nga dường như đang để mắt đến một cuộc can thiệp vào Belarus. Ở Địa Trung Hải, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang trong một cuộc va chạm với Hy Lạp về dầu khí. Đối với cả hai vấn đề, NATO sẽ đóng vai trò trung tâm giải quyết.

Trung Đông sẽ là một môi trường đầy thách thức để ông Biden có được bạn bè. Chính quyền cựu Tổng thống Obama đã từng thất bại khi để các đồng minh lâu năm ở khu vực này sụp đổ bởi Mùa xuân Arab và trong 4 năm qua, các nhà lãnh đạo quốc gia Vùng Vịnh đã đánh giá cao đường lối cứng rắn của ông Trump đối với Iran, háo hức bán vũ khí và không quan tâm đến các vấn đề nhân quyền.

Nhưng chính Trung Quốc mới là thách thức lớn nhất mà vị tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt. Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ là rào cản của Trung Quốc trên con đường dẫn đến vị thế siêu cường. Các đồng minh của Mỹ đã từng ủng hộ ông Trump khi Bắc Kinh thực hiện các hành vi vi phạm thương mại, đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ, nhưng sau đó ông Trump đã khiến họ thất vọng trong cuộc chiến thương mại, nơi họ không có tiếng nói.

Ông Biden không đồng tình với phương pháp của ông Trump đối với Trung Quốc. Phát biểu với đám đông ở New York vào năm ngoái rằng, ông Biden cho biết ông sẽ cứng rắn với Trung Quốc, bằng cách xây dựng “một mặt trận thống nhất gồm bạn bè và đối tác để thách thức hành vi của Trung Quốc”, thay vì đơn phương chống lại Bắc Kinh. Theo ông, Mỹ càng có nhiều đồng minh, những thách thức càng ít có khả năng xảy ra.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_232113_thach-thuc-dau-tien-cua-ong-biden-neu-thanh-tong-t.aspx