Thách thức của tứ hổ Châu Á: Không còn là bắt kịp tiến bộ công nghệ mà phải tiên phong sáng tạo và nắm bắt lấy những cơ hội đang đến

Trong tiến trình đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chủ đạo....

Jack và 49 người khác đã lên một chiếc máy bay vận tải và nhảy dù xuống một hòn đảo. Nhiệm vụ của họ rất đơn giản: giết hoặc bị giết. Jack vội nhặt lấy một quả lựu đạn và tìm đường đến một nhà máy bỏ hoang. Để tránh bị phát hiện, anh khom người xuống cho an toàn. Tuy nhiên anh đã sai lầm. Sau một loạt đạn, mọi thứ trở nên yên ắng và một lần nữa, Jack vẫn chưa thể vượt qua vòng 1 của trò chơi này.

Vâng đó là mô tả đơn giản về luật chơi của trò Free Fire, một trong những trò chơi chiến đấu được tải xuống nhiều nhất trên điện thoại di động trong năm nay. Nhà phát triển của nó là Sea Group, một công ty internet được thành lập tại Singapore từ 10 năm trước, hiện được định giá ở mức 17 tỷ USD. Tương tự như trò chơi đình đám của mình, Tập đoàn này cũng có một ứng dụng thương mại điện tử mang tên Shoppee, phổ biến hiên nhiều so với Amazon ở Đông Nam Á. Thành công của tập đoàn này phản ánh một sự thay đổi quan trọng trong nền kinh tế của những con hổ Châu Á.

Vào thời kỳ hoàng kim của mình, những tập đoàn lớn nhất của các con hổ Châu Á đều nhận được sự hẫu thuận của chính phủ. Các Chaebol Hàn Quốc được cho vay với chi phí thấp và được ưu đãi thuế. Những công ty đứng đầu ngành chất bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc) được các tổ chức nghiên cứu nhà nước hỗ trợ. Các ông trùm Hồng Kông (Trung Quốc) có mối quan hệ mật thiết với chính quyền và được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách đất đai. Các tập đoàn lớn nhất Singapore đều thuộc sở hữu của nhà nước.

Sea Group là minh chứng cho một điều gì đó khác biệt. Thành công của công ty này có ít mối liên kết trực tiếp đến các chính sách của chính phủ. Các nhà chính trị kỹ trị của Singapore - những người đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế chi tiết, có lẽ không bao giờ nghĩ đến một trò chơi chiến đấu với những nhân vật có nhan sắc đẹp như thiên thần lại là trùm buôn vũ khí. Ông Lý Quang Diệu sẽ không đồng thuận nhưng các quan chức ngày nay lại cảm thấy biết ơn vì ý tưởng này.

Các chính sách về công nghiệp là một trong những nhân tố then chốt giúp các con hổ Châu Á “thăng hoa” thời kỳ trước. Thậm chí dù có nhiều hoài nghi về sự tăng trưởng của những con hổ này nhưng mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã xuất bản một bài nghiên cứu để nói về sự thành công của các mô hình do chính phủ của những con hổ lãnh đạo. Tuy nhiên từ những năm 1970, thành công của những con hổ Châu Á đến từ việc học hỏi tiến bộ của những nước khác, đơn cử như Hàn Quốc tập trung phát triển ngành công nghiệp nặng thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Đài Loan mua các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bán dẫn hoặc các quốc gia này cũng có thể chiêu mộ/giành giật các nhà nghiên cứu tài năng.

Tiến bộ công nghệ không tự đến

Hiện tại, các thử thách đã khác đi. Khi nhìn về tương lai, chính quyền và các doanh nhân tại các quốc gia này đều nhìn thấy sương mù dày đặc ở phía trước. Có vẻ như rất hợp lý nếu chiến lược phát triển của những con hổ đi theo hướng tập trung vào trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán lượng tử. Nhưng bằng cách nào? Không có gì để học hỏi nữa vì thực tế những công nghệ này chưa được tạo ra. Vì vậy, câu chuyện bây giờ là phải tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đi tiên phong sáng tạo và nắm bắt lấy những cơ hội đang đến.

Kế hoạch của các con hổ hiện nay thoạt nhìn có vẻ giống như các chính sách công nghiệp lúc trước. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh đã đưa ra “kế hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo 5 + 2“, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng xanh và máy móc thông minh. Singapore đã đề xuất 23 phương án Chuyển đổi Công nghiệp, bao gồm tất cả các ngành, từ sản xuất thực phẩm đến hàng không vũ trụ. Hàn Quốc đặt mục tiêu đầu tư 30 triệu won (hơn 25 tỷ USD) trong 5 năm vào 8 ngành công nghiệp mới nổi, từ trí tuệ nhân tạo đến xe tự hành.

Nhưng nếu nhìn kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng của các kế hoạch này so với quá khứ. Các kế hoạch này không phải là kết quả của sự chỉ đạo từ trên xuống, mà xuất phát từ những cuộc thảo luận với các doanh nghiệp và chuyên gia. Vấn đề ở đây không phải là đề xuất trợ cấp cho lĩnh vực này hay lĩnh vực khác mà là phải tìm ra các mảnh ghép thiết yếu của sự đổi mới sáng tạo.

Một số mảnh ghép cần thiết tiêu biểu như: cơ sở hạ tầng tốt, từ các bến cảng đến internet; độ mở về thương mại; lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và gia tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (xem biểu đồ). Tuy nhiên những con hổ cũng có những cách thức mới để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (%GDP) của 4 con hổ Châu Á so với các nước khác

Đài Loan luôn khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) – loại hình công ty có ý tưởng nhưng thiếu vốn. Đài Loan tạo ra một kênh thông tin tập trung về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp SMEs đi kèm sự bảo đảm về tín dụng, giúp cho các ngân hàng tự tin hơn khi tài trợ vốn.

“Khi tôi giải thích mô hình cho vay của chúng tôi với chủ ngân hàng ở các quốc gia khác, bạn có thể thấy họ thèm thuồng như thế nào”, chủ tịch của Cathay Financial Holdings, tập đoàn tài chính lớn nhất Đài Loan, Lee Chang-Ken cho biết. Các khoản cho vay dành cho SMEs hiện chiếm 64% khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp tư nhân ở Đài Loan, tăng từ mức 41% vào năm 2005.

Các nhà lãnh đạo của các con hổ cũng hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, họ hiểu rõ về giới hạn của mình.

Những tác động hiện này nay hầu như đều do các doanh nghiệp chi phối, ví dụ như: Việc mạo hiểm đầu tư của Samsung vào điện thoại màn hình gập; khoản đầu tư khổng lồ của TSMC nhằm nâng cao công suất sản xuất chip tại Đài Loan; sự trỗi dậy của các công ty Startup như Sea Group ở Singapore; hay việc Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông muốn duy trì vị thế thị trường tài chính hàng đầu châu Á (ngay cả khi nỗ lực của họ nhằm mua lại Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn đã thất bại).

Những con hổ cũng đã bắt đầu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế chưa được áp dụng thành tựu của sự tiến bộ công nghệ. Mặc dù có thế mạnh ở các lĩnh vực sản xuất nhưng theo một số ước tính, năng suất ngành dịch vụ của các quốc gia này chỉ mới bằng một nửa so với Mỹ. Lý giải cho điều này một phần có thể đến từ sự hạn chế về quy mô thị trường, đơn cử như chuỗi bán lẻ ở một quốc gia có 6 triệu dân sẽ bị hạn chế hơn nhiều so với một thị trường có đến 1,3 tỷ người. Nguyên nhân còn lại là do các quốc gia này tự tạo ra. Hàn Quốc đã áp đặt nhiều rào cản pháp lý nghiêm ngặt đối với lĩnh vực mạng và dịch vụ của mình, cao hơn tất cả các thành viên còn lại của khối OECD, trừ Bỉ.

Singapore là quốc gia quyết liệt nhất trong việc đưa ngành dịch vụ của mình vào khuôn khổ, bất kể đó là các nhà hàng hay là các công ty xây dựng. Con hổ này đã điều chỉnh các biện pháp đo lường năng suất (ví dụ, diện tích sàn được xây dựng bởi một công nhân mỗi ngày) để đánh giá tốt hơn về chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Singapore cũng tiến hành xác định các công ty có triển vọng và đưa ra những hỗ trợ cần thiết như phát triển các kế hoạch kinh doanh mới hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp này mở rộng ra nước ngoài. Edward Robinson, Trưởng ban kinh tế của Cơ quan tiền tệ Singapore, tin rằng các quốc gia phát triển ở châu Á giàu có có lợi thế trong việc hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ. Bởi vì có rất nhiều người ở các quốc gia này được đào tạo để làm việc trong các ngành công nghệ cao nên các nước này có điều kiện áp dụng những công cụ kỹ thuật số để phục vụ người dân hiệu quả hơn

Những trở ngại trong đổi mới sáng tạo

Ở Hoa Thành (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), cách Seoul 35km về phía Nam, có một thị trấn tuy mới được thành lập nhưng lại có tốc độ mạng 5G khiến bất cứ thành phố nào cũng phải ghen tị. Du khách sẽ tìm thấy những tiện nghi thiết yếu khác như trường học, tiệm rửa xe và cả những nhà hàng phục vụ món chân gà. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng đáng tiếc tất cả đều là giả. Thị trấn mô hình này được xây dựng bởi Viện nghiên cứu và thử nghiệm ô tô Hàn Quốc, được sử dụng để kiểm tra các phương tiện tự hành. Một chiếc xe ô tô của hãng Kia vừa mới được chạy thử với tốc độ đạt gần 70kph. Trong khi kỹ thuật viên ngồi khoanh tay trên ngực, thì chiếc xe vẫn dễ dàng vượt qua những thứ thách như ánh sáng mặt trời hay vạch kẻ đường – những tác nhân có thể gây nhầm lẫn cho việc phân tích của hệ điều hành xe.

Xe tự hành của hãng Kia.

Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng dành cho các phương tiện tự hành tốt nhất trên thế giới. Các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất ô tô của họ cũng ở tầm đẳng cấp thế giới bên cạnh với mạng lưới 5G rất phát triển. Chính phủ luôn hỗ trợ, cho phép chạy thử trên quốc lộ sau khi những chiếc xe tự hành này hoàn thành các bài kiểm tra ở những thị trấn mô hình. Vậy tại sao theo công ty KMPG, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia đầu tư tốt nhất vào xe tự hành?

Một trong các lý do giải thích cho điều này là sự bán tín bán nghi của Hàn Quốc đối với các công nghệ liên quan khác, chẳng hạn như các ứng dụng chia sẻ xe. Kakao Mobility là một ứng dụng chia sẻ xe khá thịnh hành nhưng lại bị những người lái xe taxi truyền thống phản đối mạnh mẽ trong các cuộc biểu tình ở Seoul, thậm chí có 4 tài xế taxi lớn tuổi đã tự thiêu trong các cuộc tuần hành này.

Mặc dù được tôn vinh bởi các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách nhưng sự đổi mới sáng tạo không góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đến khi chúng được áp dụng rộng rãi. Theo chuyên gia Paul David của Đại học Stanford, phải sau 40 năm kể từ khi nhà máy điện đầu tiên của Thomas Edison ra đời, các nhà sản xuất mới hiểu được vai trò tối quan trọng của điện vào những năm 1920, từ đó họ mới xây dựng nên những nhà máy với các dây chuyền lắp ráp dựa vào mô tơ điện.

Sự đề phòng của người Hàn đối với các dụng chia sẻ xe làm lộ ra điểm yếu của các con hổ: đó chính là một hệ thống an sinh xã hội hoạt động tốt. Chìa khóa để người ta chấp nhận một công nghệ mới, ví dụ như xe tự hành, không phải là một hệ thống mạng 5G tốt mà phải là một chính sách lương hưu tốt hơn. Nếu như không có một đòn bẩy nào cho những người bị bỏ lại phía sau bởi tiến bộ công nghệ, việc ủng hộ các tiến bộ công nghệ sẽ rất khó khăn ngay từ lúc bắt đầu.

Những con hổ luôn làm tốt việc huy động các nguồn lực một cách nhanh chóng. Họ cũng đang trở nên xuất sắc hơn hơn trong việc phân bổ các nguồn lực này một cách sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ cần có sự hưởng ứng của công chúng một cách hiệu quả.

Nguồn The Economist

An Lê

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/thach-thuc-cua-tu-ho-chau-a-khong-con-la-bat-kip-tien-bo-cong-nghe-ma-phai-tien-phong-sang-tao-va-nam-bat-lay-nhung-co-hoi-dang-den-3332011/