Thách thức của Liên hợp quốc trong bối cảnh mới

Liên hợp quốc đang cần thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài và một trong những tiến trình cải cách lớn nhất từ trước tới nay đang được tiến hành dưới sự điều hành của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích với tựa đề "Vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) hiện quan trọng hơn bao giờ hết" của tác giả Raja Karthikeya, quan chức về các vấn đề chính trị thuộc Ban Thư ký của LHQ. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra đối với tổ chức này mà những câu trả lời có thể sẽ không mấy tốt đẹp.

Thứ nhất, làm thế nào để những hành động của LHQ có thể ngăn ngừa "tai họa chiến tranh" - vốn là mục tiêu được đặt ra trong Hiến chương LHQ?

Cách người ta định nghĩa chiến tranh đã từng bước được mở rộng trong vài thập kỷ qua. Từ những ký ức về sự tàn phá của cuộc Chiến tranh Thế giới II, những người xây dựng điều lệ của LHQ coi chiến tranh là xung đột vũ trang không được kiềm chế giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, trong 20 năm qua, bản chất của chiến tranh đã thay đổi. Các cuộc nội chiến trở nên phổ biến và có tính phá hoại nặng nề hơn bất kỳ cuộc chiến nào giữa các quốc gia. Trên thực tế, cuộc chiến tranh giữa hai nước rất ít khi xảy ra, đến năm 2015 chỉ có 30 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia, nhưng hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc nội chiến.

Các cuộc nội chiến kéo dài hơn gấp 4 lần so với các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và ít nhất 40% trong số đó kết thúc bằng việc chia cắt thành hai quốc gia khác nhau. Từ năm 1989, mỗi năm có ít nhất 20 cuộc nội chiến, bao gồm cả mới và cũ. Thấy được xu hướng này, LHQ hiện tập trung hơn bao giờ hết để giải quyết tai họa từ nội chiến.

Thứ hai, LHQ hoạt động hiệu quả như thế nào trong việc khôi phục hòa bình trên khắp thế giới?

Sứ mệnh này đã được thực hiện theo hai cách: Một là, hỗ trợ các nước chuyển đổi từ mâu thuẫn sang hòa bình, như ở Campuchia và Timor Leste. Thông qua các sứ mệnh này, LHQ đã thành công phần nào trong việc khôi phục hòa bình ở các nước có dân số ít nhưng xung đột của họ phản ánh những căng thẳng nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt là Chiến Tranh Lạnh.

Thông qua công việc của mình, LHQ đã đưa ra một loại hình ngoại giao mới, đó là sử dụng sức mạnh dư luận thế giới chứ không phải lợi ích quốc gia để tạo ra hòa bình trong một quốc gia, nơi mà nhà nước đã sụp đổ hoặc đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Hai là, LHQ đã tập trung vào việc duy trì hòa bình. Không quá cường điệu khi nói rằng sự răn đe hạt nhân (như đã thấy trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba) hoặc các liên minh quân sự - như Tổ chức Hiệp ước Vácsava và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đã giúp châu Âu trải qua nhiều thập niên trong hòa bình kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới II.

Thứ ba: LHQ có cần thiết hay không?

Trong thời đại các tổ chức khu vực như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS)... đang ngày càng có nhiều hoạt động gìn giữ và xây dựng hòa bình, một số người đặt câu hỏi rằng liệu vai trò của LHQ có còn đặc biệt như trước kia hay không?

Cần phải nói rằng mục tiêu của LHQ là tạo ra một thế giới mà không cần đến LHQ. Do đó, tổ chức này đã làm việc để thúc đẩy "các giải pháp khu vực cho các vấn đề quốc gia".

Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên trong cuộc họp ngày 11/9 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ tư: Tại sao LHQ đã không thành công trong việc ngăn chặn cuộc xung đột dai dẳng ở một số nước trong những năm gần đây?

Những xung đột nội bộ ngày nay - chẳng hạn như ở Afghanistan hay Somalia - có vẻ kéo dài hơn những cuộc xung đột trước đây. Sự phát triển của công nghệ và tài chính toàn cầu đã khiến cuộc nội chiến dễ nổ ra và leo thang hơn. Việc cung cấp tài chính cho các cuộc xung đột đã trở nên rẻ hơn.

Phương pháp ngoại giao và hòa giải truyền thống không thể chấm dứt được các cuộc xung đột như vậy. Do đó, LHQ đã phải vật lộn với nhiều thách thức để chấm dứt các xung đột trong khi phải đảm bảo nhiều khía cạnh, bao gồm lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, thiết lập môi trường đàm phán vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là phải làm sao để bắt đầu cuộc đối thoại và phải bắt đầu đúng thời điểm. Các cuộc đàm phán do LHQ đưa ra bị chỉ trích là quá ít và quá muộn.

Về phần mình, LHQ đã cố gắng giải quyết các tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đưa hai bên đến bàn đàm phán mà không động chạm tới chủ quyền của các quốc gia thành viên. LHQ gọi đây là "ngoại giao phòng ngừa" và hiện sử dụng phần lớn các nguồn lực chính trị của họ cho lĩnh vực này.

Những thành công của "ngoại giao phòng ngừa" chưa bao giờ được chú ý tới, nó diễn ra lặng lẽ và thường tránh xa các phương tiện truyền thông. Bằng cách liên tục theo dõi mọi dấu hiệu của cuộc xung đột và các động lực thúc đẩy xung đột - từ các cuộc bầu cử tồi tệ đến những nạn đói - LHQ hiện nay có thể dự đoán xung đột và đảm bảo rằng tình trạng căng thẳng không leo thang thành bạo lực.
x
Theo tác giả Karthikeya, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đang nỗ lực cải cách hệ thống của LHQ về lâu dài. Tuy nhiên, để có hiệu quả, các chính phủ sẽ phải làm tốt hơn nữa để duy trì tầm quan trọng của LHQ và công việc của tổ chức này đối với các tổ chức quốc gia. LHQ nên giảm bớt nhân sự và ngân sách.

Trong khi đó, tổ chức này cần tăng cường gắn kết hơn nữa. LHQ vẫn là lựa chọn hiệu quả nhất về chi phí để theo đuổi việc khôi phục và duy trì hòa bình. Những câu hỏi mà LHQ đang phải đối mặt cũng là những câu hỏi dành cho tất cả mọi người và tất cả đều có nghĩa vụ phải trả lời.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thach-thuc-cua-lien-hop-quoc-trong-boi-canh-moi/67230.html