Thách thức của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 với công tác phòng, chống tham nhũng toàn cầu

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động không hề nhỏ đến công tác phòng chống tham nhũng đòi hỏi Chính phủ các quốc gia cần có giải pháp nhằm hạn chế và khắc phục thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới công tác phòng chống tham nhũng.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

1. Sơ lược về công tác phòng, chống tham nhũng trên thế giới và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Tham nhũng từ lâu đã trở thành vấn nạn của toàn cầu. Chương trình phát triển Liên hợp quốc định nghĩa tham nhũng là: “lạm dụng chức vụ, quyền lực cho lợi ích cá nhân, thông qua hối lộ, tống tiền, thao túng thị trường, thiên vị người thân, gian lận, chuyển tiền (hình thức hối lộ) hoặc tham ô”. Theo một nghiên cứu do Nghị viện châu Âu đưa ra năm 2016, số tiền tham nhũng trên thế giới có thể lên đến 990 tỷ euro một năm (tương đương 1147,21 tỷ đô la Mỹ) [1]. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác chống tham nhũng trên toàn cầu.

Thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" đã được nhắc đến vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, Đức[2]. Cũng như các cuộc cách mạng thứ nhất, thứ hai, thứ ba, cuộc cách mạng thứ 4 cũng làm thay đổi công nghệ, nhưng sự khác biệt đến từ việc chuyển đổi công nghệ của thị trường công nghiệp sang sản xuất thông minh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang giúp cho máy tính, phần cứng, phần mềm cũng như mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc cách mạng công nghiệp toàn diện và làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu.

2. Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công tác phòng, chống tham nhũng toàn cầu

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Rất nhiều công nghệ đã và đang được áp dụng tạo ra nhiều sự chuyển biến trong bộ máy công quyền nhà nước. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hai mặt, nó cũng sinh ra những thách thức hiện hữu và vô hình đòi hỏi bản thân con người phải cải thiện.

Thách thức vấn đề công nghệ

Khi xem xét câu chuyện liệu công nghệ là tốt hay xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phiên họp của nhiều hội nghị trên thế giới đã có những sự tranh luận trái chiều. Cuối cùng, các hội nghị thường đưa ra ý kiến tốt nhất để nghĩ về công nghệ như là một công cụ có khả năng tạo ra các kết quả tốt hoặc xấu, mang tính chất hai chiều. Giống như bất kỳ công cụ nào khác, công nghệ cần phải được sử dụng đúng cách hoặc nó có thể gây ra các tác hại xấu. Việc sử dụng hợp lý đòi hỏi con người phải có nhận thức về những rủi ro, tiêu chuẩn thực hành và đào tạo tốt. Các hội nghị cũng nhận định nếu được sử dụng với kỹ năng tốt, công nghệ có thể là một công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến để chấm dứt sự bất công, tham gia tích cực trong việc phòng chống tham nhũng.

Một ví dụ là Supervizor, một ứng dụng trực tuyến để theo dõi chi phí của các cơ quan công cộng do Ủy ban phòng chống tham nhũng của Cộng hòa Slovenia phát triển, được sử dụng để tiết lộ mối tương quan mạnh mẽ giữa thay đổi chính phủ và giải ngân tiền từ người sử dụng ngân sách nhà nước[3]. Ứng dụng này giúp người dân, các tổ chức có thể hiểu và kiểm soát được nguồn tiền từ Chính phủ, từ đó, có sự phản hồi đúng đắn trong việc phòng, chống tham nhũng.

Công nghệ là thứ ở thời điểm này có thể phù hợp nhưng ở thời điểm khác lại không còn phù hợp, rất dễ lỗi thời. Chính vì vậy, việc cải thiện công nghệ chính là một thách thức trong công tác phòng, chống tham nhũng. Không thể áp dụng một công nghệ không phù hợp để phòng, chống một vấn đề nóng và quan trọng của xã hội.

Lợi ích được nhìn thấy rõ nếu các nhà lập trình của Chính phủ có năng lực và phẩm chất tốt. Tuy nhiên, nếu không được kiểm tra kĩ càng và được sáng tạo bởi những người đủ đức đủ tài thì có thể sẽ bị lạc hậu hơn so với các thiết bị tham nhũng khác hoặc tạo điều kiện để tội phạm tham nhũng có kẽ hở hơn trong quá trình thực hiện hành vi của mình.

Thách thức vấn đề con người

Theo dự báo của các chuyên gia, sau năm 2025 sẽ có khoảng 10% dân số mặc quần áo kết nối Internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí; 1 nghìn tỷ cảm biến thông minh kết nối với Internet; Dược sĩ rôbốt đầu tiên sẽ xuất hiện ở Mỹ; 10% mắt kính kết nối với Internet; Chiếc ôtô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; cấy ghép thiết bị thông minh vào người; số người sử dụng điện thoại thông minh nhiều và 80% người trên thế giới thường xuyên truy cập Internet; ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm thông minh…[4]

Ở Ấn Độ, để tiếp cận phân bón và hạt giống được trợ cấp, nông dân phải nộp giấy chứng nhận đăng ký đất mà họ phải lấy từ bộ phận đăng ký đất, tạo cơ hội cho các cán bộ tham nhũng. Chính phủ Karnataka đã khởi xướng một dự án gọi là 'Bhoomi', nơi công nghệ được sử dụng để tải tất cả các chi tiết về quyền sở hữu đất và các bản sao của các tài liệu này có thể thu được qua một gian hàng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thiếu hiểu biết có nghĩa là người trung gian vẫn có thể sử dụng các lỗ hổng của người tìm kiếm dịch vụ để đòi tiền[5].

Luôn có những người bất chấp lợi ích chung để đạt được lợi ích cá nhân. Con người là nhân tố chính để phòng, chống tham nhũng và cũng là nhân tố để tạo ra tham nhũng. Dù công nghệ có làm vai trò ngăn chặn hành vi của con người nhưng không có sự đồng lòng thì con người cũng vẫn sẽ tìm ra cách để tham nhũng. Trên thế giới năm 2017, đã ghi nhận nhiều vụ tham nhũng tại những quốc gia phát triển về công nghệ thông tin và thậm chí được quản lí chặt chẽ.

3. Nhận xét

Từ những yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ta có thể nhận ra như sau:

Thứ nhất, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến công tác phòng chống tham nhũng là điều không thể tránh khỏi.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những lợi ích cho những người biết tận dụng nó và cũng mang lại những thách thức để con người không ngừng học hỏi, vươn lên và tạo ra những sự phát triển mới. Những thách thức giúp con người nhìn nhận những khuyết điểm và tìm cách để khắc phục nó. Đây là điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Việc cần làm để giảm thiểu những thách thức là không ngừng vận động, không ngừng thay đổi và hoàn thiện, đặc biệt là kỹ năng và trí tuệ của con người.

Thứ hai, việc áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác phòng, chống tham nhũng là điều cần thiết và tất yếu.

Việc áp dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phục vụ đời sống, chính trị của từng nước sẽ là tất yếu khi mà công nghệ thông tin phát triển, đóng góp quan trọng vào việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước trên thế giới nên tranh thủ thời điểm này để phát triển khoa học công nghệ nhằm phát hiện, giảm thiểu và hạn chế đến mức tối đa dẫn đến đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.

Chính phủ kiến tạo, thời kì công nghệ số, mọi thông tin của người dân đều được cung cấp qua mạng Internet những thiết bị công nghệ, nên ngay từ lúc này các Chính phủ của các nước nên có những phương án để phát triển công nghệ thông tin, những công nghệ phục vụ người dân.

Thứ ba, Chính phủ cần đảm bảo các yếu tố con người thật vững vàng, bởi con người mới là nhân tố chủ chốt nhất.

Các công cụ mà các nhà hành pháp sử dụng có thể thông minh hơn, song liệu chúng có thực sự khiến cuộc sống của người dân trở nên an toàn hơn? Suy cho cùng, công cụ vẫn chỉ là công cụ. An ninh thế giới đang ở trong giai đoạn vô cùng phức tạp. Việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ là cần thiết, song ranh giới giữa sử dụng và lạm dụng rất mong manh. Vì vậy, con người với hoạt động quản lý bằng pháp luật vẫn là lực lượng nòng cốt duy trì ổn định trật tự, an ninh thế giới.

Luật pháp, cơ quan công quyền vẫn là những yếu tố đảm bảo sự bền vững của một quốc gia. Quốc gia chỉ có thể cải thiện chỉ số minh bạch của mình thông qua những hành động từ pháp luật từ các cơ quan Chính phủ.

Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn

Phó tổng biên tập - Tổng đại diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore - Tạp chí chống tham nhũng và hợp tác Quốc tế

[1] https://valtioneuvosto.fi/artikkeli/-/asset_publisher/1410853/oikeus-ja-tyoministeri-jari-lindstromin-puhe-korruption-vastaisen-paivan-tapahtumassa-9-12-2016-sanomatalolla

[2] https://www.automation.com/automation-news/article/the-4th-industrial-revolution-industry-40-unfolding-at-hannover-messe-2014

[3] http://blogs.worldbank.org/governance/technology-good-or-bad-fight-against-corruption

[4] Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội, Thách thức và giải pháp hai tốc độ cho giáo dục nghề nghiệp, Báo Lao động xã hội, http://laodongxahoi.net/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-co-hoi-thach-thuc-va-giai-phap-hai-toc-do-cho-giao-duc-nghe-nghiep-1309488.html

[5] https://www.theguardian.com/global-development-professionals-network/2016/may/26/nine-ways-to-use-technology-to-reduce-corruption

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/thach-thuc-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-voi-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-toan-cau-15647.html