Thách thức cho quan hệ đồng minh

Quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc đang rạn nứt sau khi Washington kiên quyết nâng giá 'ô an ninh' đối với Seoul, đồng minh quan trọng của xứ cờ hoa tại Đông Bắc Á.

Sau hai vòng đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) gồm 28.500 binh sĩ trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua không thành công, giới chức hai nước hy vọng đạt được đồng thuận tại vòng đàm phán thứ ba ở thủ đô Seoul, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới Hàn Quốc, để tiến tới ký kết Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ 11. Tuy nhiên, vòng đàm phán này đã tan vỡ khi phái đoàn Mỹ rời phòng họp sớm hơn thời gian dự định. Phía Mỹ duy trì quan điểm rằng tỷ lệ chi phí quốc phòng của Hàn Quốc nên tăng mạnh bằng cách thiết lập một điều khoản mới trong thỏa thuận chia sẻ chi phí giữa hai bên. Về phần mình, Hàn Quốc giữ nguyên lập trường rằng mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được theo khuôn khổ SMA mà hai bên đã nhất trí suốt 28 năm qua.

Sự đổ vỡ của vòng đàm phán thứ ba cho thấy bất đồng công khai hiếm hoi liên quan đến vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng trong 66 năm quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn. Theo truyền thông Hàn Quốc, Washington đã yêu cầu Seoul góp gần 5 tỷ USD, gấp 5 lần so với mức năm 2019, cho các khoản chi phí liên quan tới các hoạt động tập trận chung và để hỗ trợ thân nhân của các binh lính thuộc USFK trong năm 2020. “Phí bảo vệ” với con số cao ngất ngưởng mà Mỹ đưa ra khiến Seoul khó có thể chấp thuận một cách dễ dàng. Phản ứng của Hàn Quốc không có gì đáng ngạc nhiên bởi theo SMA lần thứ 10 được nước này và Mỹ ký kết hồi tháng 2 năm nay, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 31-12 tới, Seoul chỉ phải chi trả 1.040 tỷ won (879 triệu USD). Số tiền này đã tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won của năm 2018.

Việc thúc ép đồng minh tăng đóng góp chi phí quốc phòng lâu nay được coi là một nội dung chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, ông chủ Nhà Trắng cho rằng Mỹ đã chi rất nhiều tiền để hỗ trợ các nước đồng minh nhưng giá trị nhận lại là chưa tương xứng.

Theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc năm 1953, Mỹ triển khai USFK để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và bảo đảm an ninh tại Đông Bắc Á. Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quyết định về khoản chia sẻ chi phí quân sự cho việc duy trì USFK cứ 5 năm một lần, áp dụng mức tăng dựa trên tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu mức tăng mạnh và rút ngắn thời hạn xuống mỗi năm một lần.

Trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có động thái xoa dịu Seoul với lời khẳng định không thể phá vỡ quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn. Tuy nhiên, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng công khai gia tăng sức ép đối với quốc gia Đông Bắc Á khi cho rằng Hàn Quốc là đất nước giàu có và nên chi nhiều tiền hơn để bù đắp chi phí quốc phòng. Đối với Mỹ, cường quốc quân sự này muốn Hàn Quốc trở thành hình mẫu trong việc đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí với những quốc gia có lực lượng Mỹ đồn trú. Vậy nên, nếu không nhận được cái gật đầu của Seoul, Mỹ sẽ khó đạt được mục tiêu trong cuộc đàm phán về chủ đề tương tự với các đồng minh khác bởi “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Ở chiều ngược lại, với Hàn Quốc, yêu cầu có phần thái quá của chính quyền Mỹ hiện nay đối với việc chia sẻ chi phí quốc phòng xem ra đang khiến quốc gia này không khỏi hoài nghi vào mối quan hệ đồng minh gần 7 thập niên qua với Washington.

Dù mỗi bên đều có những lý lẽ riêng của mình, nhưng sự bất đồng quan điểm về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng chắc chắn sẽ tác động không tốt cho mối quan hệ đồng minh trong bối cảnh Washington và Seoul đều cần đến nhau trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Không chỉ Hàn Quốc bị gây sức ép, Mỹ cũng đang yêu cầu Nhật Bản trả một số tiền lớn cho sự hiện diện quân sự của họ ở lãnh thổ quốc gia này. Nếu không hành động cẩn trọng, Washington có thể làm xói mòn lòng tin của các đồng minh chủ chốt tại Đông Bắc Á cũng như khiến liên minh Mỹ-Nhật-Hàn thêm căng thẳng. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại và an ninh của Washington tại khu vực này.

THÙY LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/thach-thuc-cho-quan-he-dong-minh-603385