Thách thức chờ đón thượng đỉnh Mỹ - Nga

Nga khẳng định sẽ gửi những tín hiệu 'khó chịu' cho Mỹ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Vladimir Putin và Joe Biden giữa tháng 6 này.

Sóng gió trước thềm hội nghị

“Người Mỹ phải lường trước rằng nhiều tín hiệu từ Mát-xcơ-va sẽ gây khó chịu cho họ trong những ngày tới”, Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ hôm 31-5. Theo ông Ryabko, Nga đã sẵn sàng đáp trả những câu hỏi của Tổng thống Biden về vấn đề nhân quyền ở xứ bạch dương. Bình luận này được đưa ra chỉ một ngày sau khi chủ nhân Nhà Trắng nói ông sẽ thúc ép Tổng thống Putin tôn trọng nhân quyền tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6 tới. Ðây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Biden.

Hai ông Biden (trái) và Putin gặp nhau tại Mát-xcơ-va năm 2011. Ảnh: AP

Hai ông Biden (trái) và Putin gặp nhau tại Mát-xcơ-va năm 2011. Ảnh: AP

Song song đó, Nga cũng tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới phía Tây nước này, nhằm đối phó Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) do Washington dẫn đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 31-5 nhấn mạnh những chuyển động của các đồng nghiệp phương Tây đang “phá hoại mạng lưới an ninh toàn cầu” và buộc Mát-xcơ-va phải có những biện pháp đối phó tương xứng. Theo ông Shoigu, đến cuối năm nay, khoảng 20 đơn vị quân sự sẽ được bổ sung cho Quân khu Miền Tây. Quân khu Miền Tây cũng sẽ nhận được khoảng 2.000 hệ thống vũ khí mới trong năm 2021.

Thượng đỉnh khó đạt đột phá?

Quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ - Nga đang ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Các đòn trừng phạt kinh tế, ngoại giao liên tiếp cùng với những cáo buộc can thiệp bầu cử, can thiệp nội bộ, tấn công mạng, vi phạm nhân quyền (vụ Nga giam giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny), tự do báo chí, xung đột Ukraine, vấn đề Bắc Cực, kiểm soát vũ khí hạt nhân và mới nhất là vụ khống chế máy bay bắt giữ nhân vật đối lập của Belarus. Hai bên công khai thừa nhận tồn tại nhiều mâu thuẫn, sự khác biệt nghiêm trọng...

Do vậy, hội nghị thượng đỉnh sắp tới được đánh giá là cơ hội để hai bên trao đổi trực tiếp, thẳng thắn về các bất đồng, những vấn đề nóng của quốc tế, đồng thời tìm kiếm lĩnh vực hợp tác. Tuy nhiên, Nhà Trắng không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này. Tương tự, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov dự báo “sự kiện quan trọng song không nên kỳ vọng quá mức vào kết quả…” và không dự kiến ký kết bất cứ văn kiện nào.

Tổng thống Biden không giấu giếm ý đồ chủ động gặp gỡ, giành thế chủ động dẫn dắt quan hệ với Nga phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ, đồng thời muốn chứng tỏ Washington giành thắng lợi ngoại giao trước Mát-xcơ-va, bác bỏ ý kiến cho rằng Nhà Trắng “nhượng bộ” trước Ðiện Kremlin. Trong khi đó, Nga mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, hợp tác bình đẳng, dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhưng không bao giờ chịu khuất phục và tự tin đủ lực để bảo vệ lợi ích của mình.

Do vậy, giới quan sát dự báo hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sẽ không tạo ra bước đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Nga. Hai bên sẽ không thể giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính nền tảng cho quan hệ song phương.

Mặc dù đã gia nhập lại nhiều hiệp định quốc tế mà người tiền nhiệm Donald Trump rời bỏ, Tổng thống Biden hôm 28-5 đã quyết định không trở lại Hiệp ước “Bầu trời mở” để thể hiện thái độ cứng rắn đối với Nga trước thềm cuộc gặp với người đồng cấp Putin.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thach-thuc-cho-don-thuong-dinh-my-nga-a133847.html