Thách thức chờ đợi ông Shinzo Abe trong nhiệm kỳ mới

Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 20-9, Thủ tướng Nhật Bản Abe giành được 553 phiếu, cao hơn nhiều so với 254 phiếu mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba giành được trong cuộc đua chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Chiến thắng này mở ra cơ hội giúp ông Abe trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản và theo đuổi mục tiêu lâu nay về việc hiện thực hóa lần sửa đổi hiến pháp hòa bình đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực hồi năm 1947.

Ông Abe từng từ chức Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch LDP vào năm 2007 vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, ông đã trở lại vũ đài chính trị một cách ngoạn mục bằng việc đắc cử Chủ tịch LDP vào tháng 9-2012 và trở thành Thủ tướng Nhật Bản lúc đó với tư cách là chủ tịch đảng trong liên minh cầm quyền. Kể từ thời điểm đó, ông lãnh đạo liên minh cầm quyền giành chiến thắng liên tiếp trong 3 kỳ bầu cử hạ viện và 2 kỳ bầu cử thượng viện.

Nếu như cuộc bầu cử Chủ tịch LDP năm 2015, ông Abe là ứng cử viên duy nhất thì trong cuộc bầu cử lần này, Thủ tướng Abe được 5 phái lớn trong đảng ủng hộ (gồm Hosoda, Aso, Kishida, Nikai và Ishihara). Trong khi đối thủ là cựu Tổng Thư ký LDP, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba chỉ có duy nhất phái Takeshita ủng hộ.

Thậm chí, trước đó, điều lệ đảng về giới hạn số nhiệm kỳ của mỗi chủ tịch đảng đã được điều chỉnh từ mức tối đa 2 nhiệm kỳ lên 3 nhiệm kỳ. Sửa đổi này nhằm tạo cơ sở cho ông Abe tiếp tục lãnh đạo LDP trong 3 năm tới. Chính vì vậy, từ khi cuộc bầu cử chưa bắt đầu, toàn bộ các dự đoán đều cho rằng chiến thắng của ông Abe là chắc chắn.

Chiến thắng liên tiếp của ông Abe cả trên cương vị Chủ tịch LDP và Thủ tướng Nhật Bản chính là đánh giá của các đảng viên LDP và người dân Nhật đối với năng lực của đương kim thủ tướng. Với cam kết duy trì ổn định chính trị, cộng với những thành quả thời gian qua như sự phục hồi kinh tế Nhật Bản, cải thiện việc làm và tăng cường các mối quan hệ đối ngoại, có thể khẳng định sự ủng hộ đối với ông là dễ hiểu.

Chính sách kinh tế Abenomics đã được thực hiện hiệu quả, với các kết quả ấn tượng: Đó là nền kinh tế Nhật Bản phục hồi sau 20 năm chìm trong giảm phát; đồng yên giảm giá tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản; tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua; doanh thu của doanh nghiệp tăng...

Mặc dù có ý kiến cho rằng kinh tế Nhật Bản vẫn còn những khó khăn như tỷ lệ nợ công thuộc nhóm cao trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) khiến tình hình tài chính vẫn đáng lo ngại, lợi nhuận công ty vẫn chưa đạt mức cao, lương tối thiểu vẫn còn thấp, song ngay cả đối thủ Ishiba cũng không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà Abenomics đem lại cho kinh tế Nhật Bản.

Thắng lợi của ông Abe là sự đồng tình của người dân dành cho Abenomics và đồng nghĩa với việc chính sách này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả này, vẫn còn những thách thức lớn đang chờ đợi ông ở phía trước. Nhìn lại những gì ông Abe đưa ra về chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ mới này, dường như ông phần lớn tập trung vào việc hoàn thiện những dự án còn “dang dở” hơn là đưa ra những sáng kiến mới.

Chiến thắng mở ra cơ hội giúp ông Abe trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, những ưu tiên hàng đầu của ông Abe là thực hiện các biện pháp giúp tăng trưởng kinh tế và né tránh sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại. Một ví dụ rõ ràng nhất là theo đuổi mục tiêu lâu nay về việc hiện thực hóa lần sửa đổi hiến pháp hòa bình đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực hồi năm 1947. Song, mục tiêu này đã bị đình trệ trong năm 2018 do vấp phải phản đối từ nội bộ chính quyền và do những tác động của những cáo buộc liên quan lạm dụng quyền lực.

Về chính sách đối ngoại, ông Abe có thể “rảnh tay” hơn trong việc điều hành quan hệ của Tokyo với thế giới bên ngoài trong một trật tự thế giới ngày càng biến động. Điều này sẽ có ý nghĩa ngày càng quan trọng với ông trong suốt nhiệm kỳ 3 này. Đúng là những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh dường như đóng vai trò ngày càng trọng tâm trong các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông Abe và nỗ lực này có thể nhận thêm “lực đỡ” khi ông thăm Trung Quốc vào tháng 10 tới. Thế nhưng, đây vẫn chỉ là những dự án chưa được hoàn thiện của ông Abe.

Liên quan chính sách kinh tế đối ngoại, ông Abe có thể phải tiếp tục tập trung nhiều hơn vào việc củng cố những gì đạt được sau những nỗ lực cứu vớt và thúc đẩy “con thuyền” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi tiếp do vắng bóng Mỹ và sau khi đạt được hiệp định đối tác kinh tế với Liên minh châu Âu.

Theo giới phân tích, ông Abe có thể sẽ không tìm kiếm những hiệp định kinh tế mới với đối tác bên ngoài. Chính phủ của ông Abe có thể ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên, để hòa hợp nhóm gồm 16 nước tham gia này có thể nằm ngoài tầm với của Tokyo trong ngắn hạn.

Quan trọng hơn đối với ông Abe là làm thế nào để kháng cự lại những đòi hỏi và yêu cầu của Mỹ về nhượng bộ từ một phía và gây ra những tình huống khó khăn về mặt chính trị. Tựu trung lại, những tham vọng phần nào khiêm nhường của ông Abe có thể ngầm phản ánh những rào cản chính trị mà ông sẽ đối mặt. Bởi lẽ, sau 6 năm, một bộ phận nghị sĩ LDP có thể cảm thấy miễn cưỡng khi lặng lẽ đi theo sự dẫn dắt của ông Abe.

Vì vậy, nhiều thách thức hơn đang chờ đợi Abe. Trước hết sẽ là các cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc, quá trình chuyển giao sang thời kỳ Nhật Hoàng mới, các cuộc bầu cử thượng viện và chính sách tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10-2019. Đây cũng là thời điểm mà sự quan tâm đặc biệt sẽ chuyển hướng vào việc Nhật Bản chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo Olympics vào tháng 7-2020.

Khi sự kiện thể thao này kết thúc, ông Abe sẽ chỉ còn hơn 1 năm trong nhiệm kỳ của mình và LDP sẽ phải trút toàn tâm lực vào việc tìm người kế nhiệm vị trí thủ tướng trong năm 2021. Nếu cuộc bầu cử thượng viện vào năm 2019 đem lại kết quả nghèo nàn cho LDP thì ông Abe có thể tự thấy mình bị “kẹt” giữa liên minh cầm quyền và đảng đối lập, nhất là về vấn đề sửa đổi hiến pháp.

Hơn nữa, một thực tế là ngay cả khi cuộc bầu cử thượng viện bị trì hoãn thì cũng ít có khả năng quốc hội nước này sẽ thông qua sửa đổi hiến pháp trước mùa hè 2019. Vì vậy, theo đánh giá của giới phân tích, chưa chắc chiến thắng này đã đưa ông Abe duy trì được thời kỳ hoàng kim.

Bảo Trân

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/thach-thuc-cho-doi-ong-shinzo-abe-trong-nhiem-ky-moi-511928/