Thách thức an sinh 4.0

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) có lẽ là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trong những năm gần đây, khi đề cập xu hướng phát triển của thế giới. Với sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực dựa trên nền tảng các bước tiến khoa học công nghệ trong ba lĩnh vực: vật lý, số hóa, và sinh học, CMCN 4.0 được dự báo có khả năng tạo ra những thay đổi mạnh mẽ không chỉ đối với phương thức sản xuất kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội.

Dù mở ra nhiều cơ hội trong quá trình phát triển, nhưng CMCN 4.0 còn được dự báo sẽ tạo ra không ít thách thức, tác động tiêu cực mới đối với từng con người cụ thể cũng như cả xã hội trong vấn đề bảo đảm việc làm - gia tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội…

Xét ở góc độ tích cực, CMCN 4.0 sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của nhiều doanh nghiệp mới, làm gia tăng nhu cầu sử dụng lao động theo cả hình thức làm việc tập trung lẫn phi tập trung. Ðây sẽ là điều kiện quan trọng để người lao động tham gia và thụ hưởng các quyền lợi an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng.

Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra không ít dự báo về một tương lai khá ảm đạm đối với thị trường lao động trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một điều chắc chắn là trong xu thế CMCN 4.0, các nhà sản xuất sẽ ngày càng quan tâm hơn tới việc đẩy mạnh các ứng dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Rô-bốt, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D, kết nối thông minh qua in-tơ-nét… sẽ được sử dụng rộng rãi tại nhiều nhà máy, cơ sở cung ứng dịch vụ. Dù máy móc vẫn không thể thay thế được con người trong một số công đoạn, nhưng chắc chắn rằng đòi hỏi về trình độ lao động cũng sẽ cao hơn. Ðiều đó một mặt tạo điều kiện phát triển việc làm cho những lao động có trình độ, kỹ năng và khả năng sáng tạo, nhưng ở chiều ngược lại, những lao động phổ thông, đảm nhận những công đoạn sản xuất giản đơn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về việc làm, thậm chí còn bị máy móc “cướp” việc.

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở các nước Ðông - Nam Á cho thấy, hàng chục triệu lao động trong các ngành: dệt may, giày dép, sản xuất ô-tô và phụ tùng ô-tô; điện và điện tử; dịch vụ thuê ngoài và bán lẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng về việc làm do thay đổi công nghệ trong vài thập kỷ tới.

Không chỉ dừng lại ở đó, thị trường lao động bị thu hẹp cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ lao động trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm, bảo đảm thu nhập.

Những vấn đề nêu trên đương nhiên sẽ khiến cuộc sống của người lao động khó được bảo đảm; đồng thời tạo ra sức ép rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia. Ðặc biệt, với hệ thống BHXH - trụ cột của an sinh xã hội, tương lai bấp bênh của người lao động sẽ khiến bài toán mở rộng diện bao phủ, vấn đề được xem là thách thức lớn nhất hiện nay đối với hệ thống, ngày càng trở nên khó giải quyết; tính bền vững, liên tục của các chương trình bảo hiểm cũng khó được bảo đảm.

Ðể có thể vượt qua những thách thức đó, bên cạnh việc tận dụng hiệu quả những cơ hội của CMCN 4.0 để phát triển, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của nền kinh tế, các quốc gia cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là BHXH; đồng thời chú trọng phát triển thị trường lao động; có chiến lược dài hạn trong việc hỗ trợ, tạo động lực để người lao động tích cực hơn trong việc tham gia BHXH, BHYT…, tạo ra một nền “an sinh 4.0” tương thích với CMCN 4.0.

An Hưng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/37710902-thach-thuc-an-sinh-4-0.html