Thạch Thất - đơn vị dẫn đầu

Đến nay, huyện Thạch Thất đã có 142 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và trở thành một trong những địa phương dẫn đầu thành phố Hà Nội về số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Năm 2022, huyện đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp củng cố thương hiệu, phấn đấu có thêm 30 sản phẩm đạt sao OCOP.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân và giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản, ngay từ khi bắt tay thực hiện chương trình OCOP, lãnh đạo huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo tham mưu xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế. Theo đó, các địa phương đã hướng dẫn các chủ thể là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

Nhờ triển khai bài bản và khoa học, đến nay, huyện đã có 142 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng. Trong đó, có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: Sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (thôn 4, xã Canh Nậu); sản phẩm các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa của HTX Nông nghiệp Hương Ngải; sản phẩm mặt hàng tủ chè gỗ trắc, tượng phật di lặc gỗ trắc, sạp gỗ trắc… của hộ kinh doanh Phí Đình Tuấn (xã Chàng Sơn); rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)…

HTX Nông nghiệp Hương Ngải là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa từ năm 2019, đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao do Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá, công nhận. Tất cả sản phẩm của HTX đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc. Nếu như năm 2019, hợp tác xã chỉ sản xuất và tiêu thụ được 5 - 7 tạ/ngày các loại rau, củ, quả, thì đến nay đã tiêu thụ hơn 10 tạ/ngày; doanh thu đạt 18 - 20 tỷ đồng/năm”. Tương tự, sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm bưởi Diễn ở xã Phú Kim đã tăng diện tích trồng lên đến hàng chục hécta; cho thu nhập bình quân 420 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ đó, thu nhập bình quân của Phú Kim đạt 66,92 triệu đồng/người/năm…

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng, nhiều sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP đã nhận được các hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Nhiều sản phẩm có sự cải tiến về chất lượng; đa dạng về mẫu mã, bao bì, thu hút người tiêu dùng. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, là sản phẩm thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện, có khả năng liên kết sản xuất để mở rộng thị trường.

Sản phẩm rau an toàn của HTX Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận OCOP

Sản phẩm rau an toàn của HTX Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được công nhận OCOP

Phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP

Có thể khẳng định, sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP của huyện Thạch Thất đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; tạo tiền đề từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Nhiều chủ thể OCOP đã dần thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; chú trọng thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm... Đồng thời, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng kênh tiêu thụ.

Trong năm 2022, huyện Thạch Thất đăng ký phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP. Theo đó, huyện phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tổ chức đánh giá phân hạng. Huyện cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có thêm 300 sản phẩm được công nhận từ 3 - 5 sao. Đồng thời, tiếp tục củng cố duy trì, nâng cao chất lượng 142 sản phẩm đã được thành phố Hà Nội quyết định phân hạng, trong đó quan tâm đến một số sản phẩm rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có tiềm năng đạt 5 sao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều hiểu vai trò, ý nghĩa, mục đích của chương trình OCOP. Từ đó, tích cực tham gia và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, để từ đó gia tăng giá trị các sản phẩm OCOP.

Đánh giá về Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Thạch Thất, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, Thạch Thất là một trong những huyện có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP của thành phố. Việc sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn được công nhận OCOP sẽ mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các chủ thể. Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều chính sách, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là khâu tiêu thụ đối với các chủ thể tham gia OCOP. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất nói riêng và toàn thành phố nói chung.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội)

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/thach-that---don-vi-dan-dau-i302418/