Thác Vũ Môn huyền thoại - tiềm năng cần được đánh thức

Nhắc đến địa danh Hương Khê, người ta nghĩ ngay đến vùng đất có nhiều sản vật quý. Hương Khê có gỗ trầm hương, một loại gỗ thơm đặt biệt, có bưởi Phúc Trạch, 'Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương'; có cam Khe Mây, hương thơm bay khắp gần xa vẫy gọi khách thập phương.

Thác Vũ Môn. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Hương Khê còn có danh thắng thác Vũ Môn gắn liền với truyền thuyết Cá chép hóa Rồng: "Mồng bảy cá đi ăn thề, mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn". Từ lâu, thác Vũ Môn được xem như là một kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho con người, là một hòn ngọc giữa rừng xanh, một bức tranh tuyệt tác "sơn thủy hữu tình", làm ngây ngất lòng người... Trong những ngày mùa thu, tôi may mắn được tham gia đoàn khảo sát của huyện Hương Khê về hiện trạng và tiềm năng của thác Vũ Môn.

Đoàn xuất phát từ Đồn BP Phú Gia bằng những chiếc xe tự chế của người dân bản địa đi làm rẫy. Sau khoảng 1 giờ, đi qua một dải đất màu mỡ, khá bằng phẳng và những con suối với dòng nước trong veo, cả đoàn dừng lại bắt đầu đi bộ. Ai nấy trong đoàn đều hiểu rằng, chặng đường sắp tới sẽ là một chặng đường đầy vất vả, nhưng ai cũng hứng khởi, vì biết rằng sắp được tận mắt chiêm ngưỡng một kiệt tác của thiên nhiên đã đi vào truyền thuyết. Trước mắt là một cánh rừng xanh ngát nguyên sơ, với một bầu không khí mát dịu, trong lành.

Đi bộ được chừng 4-5 giờ, thác Vũ Môn bắt đầu hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhìn từ xa, ngọn thác như mái tóc của nàng tiên xõa trắng xuống giữa đại ngàn. Đi khoảng 2 giờ nữa bắt đầu nghe tiếng thác đổ như một bản nhạc rừng. Cơn mưa rừng đã làm chậm thời gian dự kiến, đến khoảng 5 giờ chiều, những người cuối cùng trong đoàn mới đến được chân thác (tại đây có độ cao là 1.035m so với mực nước biển).

Dù trên đường đi, không ngừng được những người dân bản địa mô tả về cảnh vật ở Vũ Môn, nhưng cảnh tượng hiện ra trước mắt lúc này vượt ngoài tưởng tượng của nhiều người; một khung cảnh hoang sơ hiện ra dưới vách đá dựng đứng, phảng phất mùi cỏ, cây; trước mắt là dòng nước trắng xóa đổ xuống không ngớt, tạo nên tiếng réo như tiếng nhạc đồng vọng của đá núi, cây rừng; bao mệt mỏi của một quãng đường dài dường như tan biến, mọi người đều thả mình vào dòng nước trong veo dưới chân thác, một cảm giác lạnh buốt, nhưng dễ chịu; một khung cảnh như thực, như mơ, huyền ảo, đẹp đến nao lòng; một chút tâm linh, không bảo nhau nhưng ai nấy đều hứng lấy một ít nước trong lành từ dòng thác để uống lấy một ngụm, như để tiếp thêm sức mạnh từ truyền thuyết.

Sau khi đã hoàn thành việc dựng trại, mắc võng, mọi người quây quần bên bếp lửa rừng, thưởng thức bữa cơm đầu tiên trong tiếng thác đổ ầm ầm. Những người dân bản địa chiêu đãi cả đoàn món ếch đá, ngồi bên bếp lửa nướng và thưởng thức từng con ếch thơm ngon, được bắt từ những kẽ đá; nghe những người thợ rừng kể về những chuyến đi rừng, những điều lý thú, ly kỳ về rừng sâu mà chưa một sách vở nào viết.

Đêm đến, nhiệt độ xuống rất nhanh, nằm trong lán nghe tiếng thác đổ, gió thổi từng cơn lạnh buốt rít lên như làm tăng thêm sự huyền bí vốn có của núi rừng nơi đây, nhưng rồi mọi người đều thiếp đi sau một ngày đường vất vả.

5 giờ sáng, một số người tỉnh giấc và đã nhóm lửa vì thời tiết quá lạnh, đến 6 giờ, những tia nắng mặt trời bắt đầu xuất hiện, từ chân thác nhìn về phía Đông. Những ráng hồng lẩn khuất sau tán lá rừng, những đám mây trắng lững lờ nhẹ trôi trên đầu có cảm giác như đất trời đang gần lại và rồi ánh nắng chiếu vào dòng thác, những chiếc cầu vồng bắt đầu xuất hiện, khung cảnh lúc này quả là tuyệt đẹp tựa như đang ở giữa chốn bồng lai, tiên cảnh.

Sau bữa ăn sáng, đoàn tiếp tục lên đường chinh phục đỉnh thác Vũ Môn, sau thời gian đi bộ, leo núi khoảng 1 giờ 30 phút, đoàn lên đến đỉnh thác với độ cao 1.280m so với mực nước biển. Một cảm giác lâng lâng khi có mặt trong đoàn khảo sát đầu tiên chinh phục đỉnh Giăng Màn, đặt chân lên đỉnh thác Vũ Môn. Cảm xúc ấy sẽ chẳng bao giờ chúng tôi quên được.

Trên đỉnh thác là dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30m bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Nhiệt độ đo được giữa trưa chỉ nhích lên 28oC, trong khi nhiệt độ tại thị trấn Hương Khê thời điểm đó là khoảng 35oC.

Đoàn xuất phát từ chân thác ra về lúc 12 giờ 30 phút, dẫu phải chạy đua với thời gian để kịp ra khỏi rừng trước khi trời tối, nhưng tất cả các thành viên trong đoàn đều phấn chấn vì bản thân vừa chinh phục được thác Vũ Môn huyền thoại, tận mắt nhìn thấy một Vũ Môn hoang sơ, mà hùng vĩ, một Vũ Môn huyền bí, nhưng cũng rất nên thơ. 18 giờ 30 phút, đoàn đã có mặt tại Đồn BP Phú Gia, kết thúc 2 ngày khám phá với bao trải nghiệm thú vị và ai cũng mong muốn thêm một lần được quay lại chiêm ngưỡng thác Vũ Môn.

Có thể thấy, thác Vũ Môn hội tụ được rất nhiều yếu tố về "thiên thời, địa lợi", thực sự là một tiềm năng du lịch cần được đánh thức. Theo kết quả khảo sát, thác Vũ Môn nằm sát biên giới Việt-Lào, điểm gần nhất 800m, điểm xa nhất hơn 1.500m, có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Trên đỉnh thác có dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30m, bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn, là nơi cung cấp nguồn nước cho thác.

Ở chân thác Vũ Môn có nhiều tảng đá lớn tự nhiên gối lên nhau, hình thành nên các hang, hốc, từ chân thác chảy xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành những vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Dưới chân thác còn có những phiến đá lớn, trong đó có một phiến đá rộng, phẳng, tương truyền được coi là "bàn cờ tiên".

Xung quanh thác còn có những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài cây khác nhau, trong đó có nhiều cây tùng, bách, táu; có những cây tùng có đường kính 1m. Trên đỉnh thác là vùng đất rộng khoảng 500ha, trong đó, có khoảng 70ha đất bằng. Bên phải thác là một dãy núi (gọi là Đỉnh trụt), bên trái thác là một dãy núi đá (gọi là lèn Bắc Thang).

Để nhiều người đến được với Vũ Môn, chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên nơi đây và đánh thức một tiềm năng đang "ngủ quên", Vũ Môn rất cần được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành. Nếu được đầu tư cơ bản, Vũ Môn chắc chắn sẽ là một địa chỉ hấp dẫn của du khách thập phương; kết hợp với những di tích văn hóa trên địa bàn huyện như đền Trầm Lâm, thành Sơn Phòng-Hàm Nghi, Rôộc Cồn, đền Ngàn Trụ... trở thành một điểm du lịch lý thú, đa dạng, kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch khám phá. Bên cạnh đó, với những thuận lợi về giao thông của huyện Hương Khê (cả về đường sắt và đường bộ), thác Vũ Môn hoàn toàn có thể là một điểm đến trong các tour du lịch của Hà Tĩnh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế vùng biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Trần Quốc Bảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thac-vu-mon-huyen-thoai-tiem-nang-can-duoc-danh-thuc/