Thà vứt bỏ, từ thiện hoa Tết chứ không để ép giá

Đào, cúc tràn ngập chợ trong ngày 29, 30 Tết, sức tiêu thụ chậm khiến nhiều chủ vườn bắt đầu vứt bỏ.

Theo ghi nhận của tờ Zing, tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM), đến đầu giờ chiều 29 Tết (23/1), hàng nghìn gốc đào được chuyển từ Hà Nội, Hải Dương vào vẫn chưa bán được dù thu hút lượng lớn khách ghé xem

Những cây đào đã bung hoa, còn rất ít nụ để trưng mấy ngày Tết. Các chủ vườn cho biết năm nay đào chuyển vào không đẹp như những năm trước. Tại miền Nam, thời tiết nắng nóng khiến hoa càng nhanh xấu hơn.

Trước đó, từ sáng 28 Tết, hàng chục gốc đào loại nhỏ vẫn còn bọc nilon đã bị chủ vườn vứt bỏ, nằm bên cầu bộ hành đường Hoàng Minh Giám chờ xe rác thu gom vào trưa 30 Tết. Thậm chí một số cây lớn lâu năm, có dáng đẹp, giá tiền triệu cũng bị bỏ lại.

Anh Thịnh, chủ vườn từ Hải Dương, cho biết anh và đồng hương mang 200 cây đào từ quê vào trưng bán từ ngày 23 âm lịch. Tuy nhiên, đến chiều 29 Tết mới chỉ bán được hơn 30 cây.

"Trời nắng quá, đào nhanh chết nên năm nay đành chấp nhận lỗ nặng. Chúng tôi hy vọng bán được một ít nữa trước khi cưa gốc vứt bỏ để trả mặt bằng vào trưa 30 Tết", chủ vườn buồn nói.

Đào Nhật Tân loại nhỏ trồng trong chậu với giá trên dưới 1 triệu đồng còn số lượng khá nhiều. Một tiểu thương cho biết đây là loại đào được nhiều người lựa chọn năm nay, nếu bán không hết cũng đành vứt bỏ chứ không mang về được.

Tương tự, số lượng các loại cúc trong chiều 29 Tết vẫn còn rất nhiều.

Hàng chục gốc đào loại nhỏ bị vứt bỏ từ sáng 28 Tết bên cầu bộ hành đường Hoàng Minh Giám, TP.HCM chờ xe rác thu gom. Ảnh: Zing

Hàng chục gốc đào loại nhỏ bị vứt bỏ từ sáng 28 Tết bên cầu bộ hành đường Hoàng Minh Giám, TP.HCM chờ xe rác thu gom. Ảnh: Zing

Theo các tiểu thương, sức mua thời điểm hiện tại so với năm trước rất thấp. Giá trung bình có xu hướng giảm mạnh 20-30%, đặc biệt là những điểm thuê mặt bằng bán ở công viên. Rất nhiều tiểu thương, nhà vườn vẫn còn số lượng lớn cúc chưa tiêu thụ được.

Anh Phan Văn Thân chở hơn 130 cặp hoa hướng dương từ Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM nhưng đến trưa 29 âm lịch mới chỉ bán được 40 cặp, trong khi năm ngoái thời điểm này anh bán hơn 80 cặp. Ít khách nên anh Thân giảm 70.000 đồng so với giá ban đầu xuống hiện còn 280.000 đồng/cặp.

"Sức mua chậm chung nhưng một phần lớn do tâm lý người chơi hoa đợi ngày 30 âm lịch để mua được giá rẻ", báo Tuổi trẻ dẫn lời anh Thân nhận định.

Tuy vậy, theo anh Thận, anh chỉ giảm nhiều cho những loại hoa xấu để vớt vác tiền xe, còn lại những cây đẹp dù có cuối ngày cũng chỉ giảm nhiều nhất cũng khoảng 25-30%, nếu vẫn ế thì đem hoa biếu tặng và chấp nhận chịu lỗ.

Tương tự, chở 400 chậu cúc từ Lâm Đồng xuống chưng bán trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), anh Nguyễn Vũ Hải cho biết đến sáng 29 Âm lịch chỉ bán khoảng hơn 130 chậu.

Theo anh Hải, mức giá sang ngày 29 Âm giảm khoảng 15% so với ngày 28 Âm xuống còn 300.000- 350.000 đồng/chậu tùy loại nhưng khách hàng vẫn cứ "ỏng ẹo".

Theo anh Hải, một số khách hàng biết "chia sẻ" với mình nên vào hỏi giá mua ngay, nhưng không ít người kì kèo từng giá.

"Tiền mặt bằng, tiền công bốc xếp, chuyên chở và cả nhiều tháng ròng chăm sóc thì khách sao lại đòi mua với giá phải rẻ như tại vườn được", anh Hải nói.

Anh Hải cho biết nếu cứ "ép nhau" quá thì anh chọn làm từ thiện.

Dù đang nóng lòng ngóng khách nhưng anh Hải cho biết sẽ không bán hoa với giá rẻ mạt. Ảnh: Tuổi trẻ

"Hoa ế thì sẽ cho các chùa chưng Tết, làm vậy tôi thấy có ý nghĩa hơn, thậm chí nhà chùa có thể cho lại tiền xe, chứ bán giá rẻ mạt vô tình tạo thói quen xấu khách, sang năm họ lại chờ đợi để 'hốt cú chót' ngày 30 âm lịch", anh Hải khẳng định.

Tương tự, bà Hà (Bình Dương) khẳng định chỉ giảm cao lắm khoảng 40% giá hoa vạn thọ, nếu rẻ hơn thì sẽ cho các nơi, xem như làm từ thiện.

"Người bán không nói thách là được rồi, còn giá ổn thì khách cứ mua. Cả năm mới có lần, chậu hoa bao nhiều tiền đâu mà phải làm khó nhau", bà Hà buồn rầu.

Chung tình cảnh ế ẩm là các tiểu thương ở chợ hoa Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sáng 30 Tết, theo báo Infonet, các tiểu thương như ngồi trên đống lửa khi hàng ngàn chậu cúc, quất, đào, mai... còn tồn đọng.

Chị Hoa, một tiểu thương đang bán cúc ở Quảng trường 10/3 (Buôn Ma Thuột) chia sẻ, do giá tiêu và cà phê xuống chạm đáy nên tác động rất lớn đến thu nhập của người dân và sức mua. Một chậu hoa có giá từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng và đây cũng là số tiền lớn đối với nhiều người dân hiện nay.

"Khách đến đây chủ yếu là ngắm hoa và chụp hình, còn người mua thực sự rất ít", chị Hoa buồn bã. Đồng nhất với ý kiến của chị Hoa, anh Hồ Tuấn - một người bán mai ở ngay Quảng trường 10/3 cho hay, hiện chúng tôi bán được rất ít mai so với những năm trước, do người mua rất ít.

“Mai của chúng tôi cũng có giá khá mềm, chỉ trên dưới 1.500.000 đồng/chậu, phù hợp với túi tiền nhưng có lẽ kinh tế đi xuống nên lượng người mua rất ít", anh Tuấn buồn bã cho biết.

Tại Đà Nẵng, ngày 29 Tết, tại điểm bán hoa Tết trên đường Yên Thế - Bắc Sơn, người bán chủ yếu ngồi chơi, lâu lâu mới có khách ghé vào nhưng cũng chỉ hỏi giá rồi đi.

Chị Đinh Thị Hoa (trú phường Hòa An, TP Đà Nẵng) cho biết: “Bán hoa bao nhiêu năm mà chưa thấy năm nào ế như năm nay. 29 Tết rồi mà khách vẫn vắng hoe, được một vài người vào hỏi mua thì trả lên, trả xuống”.

Theo chị Hoa, chị đưa ra chợ hoa 400 chậu cúc, mỗi cặp cúc có giá từ 500 – 800 ngàn đồng, tùy loại lớn nhỏ. Tuy nhiên, hôm nay đã 29 Tết rồi mà chị mới bán chưa được một nửa số cúc. Nếu như mai, quất không bán hết thì có thể mang về chăm sóc, sang năm bán chứ cúc mà bán không được là phải vứt, lỗ nặng.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/tha-vut-bo-tu-thien-hoa-tet-chu-khong-de-ep-gia-3395736/