Thả vật phóng sinh: Ngang nhiên trục lợi nơi cửa Phật

Lợi dụng tâm lý đầu năm thả vật phóng sinh cầu may của người dân, các tiểu thương thừa cơ tăng giá. Từ 10.000 đồng/kg, giá ốc đội lên 80.000 đồng/kg, rùa tai đỏ 100.000 đồng/con. Bên cạnh đó, một số người còn ngang nhiên dùng vợt bắt cá phóng sinh ngay trước mắt người thả...

Một nhóm người ngang nhiên bắt cá vừa được phóng sinh trước cửa Phật.

“100.000 đồng một con rùa tai đỏ phóng sinh”

Tín ngưỡng dân gian cho rằng phóng sinh là hành động thể hiện lòng từ bi hỷ xả và giải trừ được nghiệp chướng. Theo đó, người phóng sinh sẽ được hưởng phước lành, vì đó là một hành vi thiện nguyện, hướng về điều tốt lành.

Người xưa có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Chính vì vậy, từ sau Tết Nguyên đán tới rằm tháng giêng, khi đi chùa, ngoài việc lễ Phật, dâng cúng thánh thần, người dân còn muốn thể hiện lòng thành bằng cách giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật và mua chim, cá, ốc, rùa... phóng sinh.

Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã có thông báo cấm bày bán các loại chim phóng sinh nhưng nhiều người vẫn lén lút bày bán, tấp nập nhất là vào những ngày lễ, rằm, vật phóng sinh rất hút hàng. Thậm chí có người phải đặt hàng từ trước mới đủ số lượng.

Ghi nhận của Báo Lao Động, trước ngày Rằm tháng Giêng, một số tiểu thương tấp nập bày bán đồ phóng sinh tại các đền chùa trên địa bàn Hà Nội. Ốc, cá vàng, rùa cốm, rùa tai đỏ, lươn, chim... được bày bán với các mức giá khác nhau song phần lớn cao gấp nhiều lần ngày thường.

Ở chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội), một số người bán ốc phóng sinh với gấp 8 - 10 lần giá bán lẻ ở chợ đầu mối. Tại đây, chậu ốc 1kg có giá 70.000 - 80.000 đồng, chậu lớn hơn 150.000 đồng/kg, cá vàng loại nhỏ từ 15.000 - 30.000 đồng một con, rùa cốm giá 25.000 - 30.000 đồng một con. Cá biệt, loại rùa tai đỏ, kích thước trung bình được bán với giá 100.000 đồng.

Con rùa này được bán với giá 100.000 đồng để phóng sinh ở chùa Trấn Quốc.

Chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương bán hàng phóng sinh ở cổng chùa Trấn Quốc, cho biết, buổi sáng 28.2, chị đã bán được gần 200 con cá vàng, 50kg ốc. Những mặt hàng này được chị nhập chủ yếu ở chợ đầu mối Đồng Xuân, Thanh Hà, Long Biên.

Trong khi đó, khảo sát của phóng viên, tại chợ đầu mối Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) và Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá những vật phóng sinh khá rẻ. Ốc có giá 8.000-10.000 đồng/kg, cá vàng loại nhỏ 2.000 đồng một con, rùa cốm, rùa tai đỏ giá 10.000 đồng. Thế nhưng, các tiểu thương bán rong tại chùa lại bán với giá khá “cao ngất ngưởng”. Nhẩm tính, 1kg ốc, họ lãi khoảng 70.000 đồng, 1 con rùa tai đỏ, lãi khoảng 90.000 đồng. Nếu tính trung bình trong ngày Rằm tháng Giêng như thế này, tiểu thương có thể kiếm tiền triệu.

Người e dè, người sẵn sàng chi tiền triệu mua vật phóng sinh

Mặc dù giá “chát” nhưng người mua hàng phóng sinh vẫn rất đông, thậm chí, có khách hàng chi tiền triệu để mua hàng chục kilogam ốc, lươn, rùa... thả xuống sông, hồ.

Cũng theo chị Hương, năm nay, mặt hàng vàng mã hiếm người mua vì đắt và sợ cháy nổ. Cho nên, chị chủ yếu buôn cá và ốc phóng sinh.

“Người dân thường thực hiện nghi lễ phóng sinh vào 2 dịp lễ lớn là Rằm tháng Giêng và Vu Lan báo hiếu. Ngày rằm tháng Giêng năm nay, nhiều người đi lễ chùa cầu may, mua các con vật để phóng sinh với hy vọng năm mới bình an. Chính vì vậy, họ sẵn sàng chi tiền để mua cá hay ốc với giá cao hơn một chút. Điều này không có gì lạ cả”, chị Hương nói.

Chia sẻ với Lao Động anh Nguyễn Văn Hùng (Quán Thánh, Hà Nội) vừa thả xuống hồ Tây 2 chậu ốc - cho biết: “Phóng sinh mang ý nghĩa cứu vớt chúng sinh khỏi giam cầm hoặc cái chết. Với ý nghĩa này, nên cứ vào Rằm tháng Giêng và Lễ Vu Lan, gia đình tôi đều mua số lượng lớn vật phóng sinh”.

Còn bà Nguyễn Thị Bình (ở hẻm 233/27, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) chia sẻ, phóng sinh thể hiện lòng từ bi của con người. Do đó, nhiều người không tính toán đến chuyện giá cao giá thấp để mua vật phóng sinh. Chỉ có điều, vật phóng sinh năm nay so với năm ngoái chênh lệch lớn khiến những gia đình có thói quen thả phóng sinh nhiều như bà Bình phải đắn đo.

“Mọi năm, gia đình tôi thường mua khoảng 100 - 150 con cá vàng, giá chỉ khoảng 300.000 - 500.000 đồng nhưng năm nay chắc chỉ mua bằng nửa năm ngoái thôi vì giá cao”, bà Bình nói.

Liên quan vấn đề này, chia sẻ với Báo Lao Động, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, vấn đề kiểm soát giá cả thuộc quản lý của Sở Tài chính Hà Nội. Tuy nhiên, trước thông tin Báo Lao Động phản ánh, ngành Công Thương, cụ thể là Chi cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các đội quản lý thị trường, phối hợp với UBND, các phòng kinh tế, ban quản lý chợ các quận, huyện, điểm bán hàng rà soát chặt chẽ vấn đề giá cả hàng hóa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

“Cá tặc” ngang nhiên lộng hành nơi cửa Phật

Mặc dù phóng sinh là một hành động ý nghĩa với ước muốn có một năm thuận lợi, bình an nhưng vài năm gần đây, hoạt động này bị biến tướng. Những ngày người dân chuộng phóng sinh cũng là thời điểm cho các chủ buôn hay tiểu thương chặt chém.

Đáng buồn hơn, có cả tình trạng, cá, rùa, ốc... vừa được phóng sinh, chưa kịp bơi đã bị một số người dùng vợt bắt lại ngay trước mắt người thả.

Tại chùa Trấn Quốc, nơi nhiều người chọn để thả cá phóng sinh. Ngay khi người dân vừa thả, một tốp 3 người, đã dùng cần lưới bắt cá. Những con cá chép vàng bị bắt và mang lên bờ bán lại theo “quy luật quay vòng”. Ước tính chỉ sau vài giờ, mỗi thanh niên này bắt được hàng chục kilogam cá, rùa, ốc…

Theo người dân sống tại khu vực chùa Trấn Quốc, việc nhóm người dùng vợt, kích điện bắt cá phóng sinh đã diễn ra vài năm nay, do số lượng cá thả xuống hồ ngày càng nhiều và giá mua bán cá tăng cao trong dịp đầu năm.

“Phóng sinh là phong tục đẹp của người Việt trước giờ vẫn duy trì, tôi cũng không hiểu sao có người thiếu ý thức bắt đàn cá lại”, chị Nguyễn Thị Định (Ba Đình, Hà Nội) cho hay.

Chị Vũ Lan Hương (Phố Huế, Hai Bà Trưng) bức xúc, năm nào vào dịp Rằm tháng Giêng, chị cũng thả cá và đều gặp cảnh những người kích điện, vợt cá. Ai cũng bức xúc trước cảnh cá vừa được phóng sinh đã bị họ vớt lên nhưng không thể làm gì được.

“Tôi nghĩ lực lượng chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, xử lý những người bắt cá phóng sinh, không để họ ngang nhiên lợi dụng thiện tâm, truyền thống của đạo Phật để trục lợi cho bản thân”, chị Hương nói.

Chia sẻ với phóng viên, Thượng tọa Thích Tịnh Giác (Trụ trì chùa Phúc Sơn, Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) - cho rằng, sau khi làm lễ cúng ở nhà, người dân lại mang cá ra ao hồ, sông ngòi để thả. Cho nên, việc một số người dùng giăng lưới bắt cá phóng sinh trong dịp Rằm tháng Riêng sẽ tạo nghiệp rất lớn.

Bên cạnh đó, trước khi phóng sinh, không nên mua vật phóng sinh nhiều lần của cùng một người, cùng một nơi, không tạo nó thành thói quen để tránh những loài vật phóng sinh bị bắt lại.

Cách tốt nhất là khi gặp con gì thì mua con đó để phóng sinh, số lượng nhiều ít thế nào cũng được tùy theo điều kiện của mỗi người.

Dưới góc độ pháp lý, việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là vi phạm pháp luật. Nghị định số 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản, phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng với hành vi sử dụng công cụ kích điện và từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.

Còn theo Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự quy định về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hành vi sử dụng dòng điện để đánh bắt thủy sản mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

cường ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tha-vat-phong-sinh-ngang-nhien-truc-loi-noi-cua-phat-593951.ldo