'Tha thứ thôi', để thốt lên được ba tiếng ấy...!

Mới đây một anh chàng youtuber nước ngoài với hơn 2 triệu lượt người theo dõi trên youtube đã làm một thí nghiệm nho nhỏ để thử phản ứng của những người khách lạ trên đường. Anh cầm một chiếc kéo rồi đến gần họ, và bất ngờ cắt dây headphone (tai nghe) của những vị khách này. Tuy nhiên, điều bất ngờ là phần lớn những vị khách 'bất đắc dĩ' tham gia vào thí nghiệm lại không hề tỏ ra cáu giận. Họ chỉ thoáng chút ngạc nhiên và sau đó khi nghe chàng trai này xin lỗi thì họ xua tay, tiếp tục đeo chiếc tai nghe lành lặn còn lại lên và nghe tiếp.

Chuyện đời một nữ điệp báo

Tất nhiên, sau đó chàng youtuber cũng kịp đền bù thiệt hại cho họ bằng một đôi airpod (tai nghe không dây) đắt đỏ. Clip này sau đó đã trở thành cú nổ lớn trên các trang mạng xã hội khi đạt hơn 25 triệu lượt xem. Điều đáng nói là, phía dưới phần bình luận của các trang mạng xã hội Việt Nam, cư dân mạng lại tỏ ý hài hước khi cho rằng, nếu anh chàng này thực hiện clip đó ở Việt Nam thì sẽ bị "xử đẹp", hoặc chí ít cũng bị "chửi sấp mặt" trước khi kịp có động thái chuộc lỗi.

Dù chỉ là một clip dạng camera ẩn để thử phản ứng của người qua đường nhưng từ đó ta cũng thấy được phần nào cách mà một bộ phận người nước ngoài nhìn nhận về đời sống cũng như căn rễ con người của họ. Chất dung môi hiệu quả nhất cho phản ứng hóa học này chính là sự nóng giận. Bởi khi nóng giận, con người ta rất dễ bộc lộ bản chất thật của mình.

Ảnh: L.G

Ảnh: L.G

Ông bà ta chẳng có câu: "Giận quá mất khôn" đó sao? Nếu coi sự khôn ngoan như một lớp áo giáp che chắn, phòng hộ cho con người thì sự nóng giận lại là chiếc cung tên có sức công phá mạnh mẽ nhất. Nó có khả năng lột bỏ bộ áo giáp kia tới những mảnh vụn cuối cùng, để rồi lộ ra là nguyên sơ những gì yếu đuối nhất còn lại của một con người trần trụi.

Trang Tử từng kể một câu chuyện ví von rất hay về chiếc thuyền không: "Nếu bạn ngồi trên một chiếc thuyền đang đi, trước mặt là một chiếc thuyền trôi tới, người trên thuyền đó không điều khiển chiếc thuyền thích hợp, đâm vào thuyền của bạn, lúc đó rất có thể bạn sẽ tức giận. Nhưng nếu trên con thuyền đó không có người, là con thuyền không trôi dạt đến thì bạn có tức giận không?".

Câu trả lời hẳn nhiên là không, bởi không ai dại gì lại nổi nóng với một chiếc thuyền không. Nghĩa là người ta sẽ dễ dàng nổi nóng với một người hơn là với một đồ vật.

Người ta cáu giận lẫn nhau, bởi người ta quá chấp vào tự ngã, cho rằng bản thân mình là trung tâm của những người xung quanh, nếu những người xung quanh không làm đúng ý họ, không khiến cho họ thỏa mãn ngã kỉ thẳm sâu thì những cơn cáu giận bùng nổ là tất yếu. Nhưng nếu có "tâm thái thuyền không" như câu chuyện trên của Trang Tử thì hẳn nhiên con người sẽ giảm thiểu sự phân tranh, mâu thuẫn; sự nóng giận cũng vì thế không còn nơi kí thác độc mầm trong tâm hồn.

Nếu như sự nóng giận là nguồn cơn dẫn tới mọi tai ương, đau khổ của con người cá nhân, thì sự nhẫn thứ lại là chìa khóa mở ra mọi cánh cổng. Nhất lại là khi sự nhẫn thứ ấy mang lại lợi ích cho cả một quốc gia.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi sang nước ta vào đầu năm 1281, "Sài Thung ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu... Vua Trần Nhân Tông sai Thượng tướng Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp, Thung nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải.

Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Thung đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Thung cầm mũi tên đứng sau Trần Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về Thung ra cửa tiễn ông...".

Dù cá nhân mình lúc ấy rất đau nhưng vì nước mình đang ở thế yếu nên Trần Quốc Tuấn đã chủ động nhẫn nhịn, hòa hoãn. Đến 4 năm sau, quân Nguyên Mông mới đem đại quân xuống xâm lược nước ta lần thứ 2, và cuộc chiến đó đã trở thành một trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược oanh liệt nhất của đất nước ta.

Nhắc lại sự kiện ấy để thấy, con người đâu phải thần phật, hẳn sẽ có những phút nóng giận, nhất là khi động tới lòng tự tôn, thể diện dân tộc. Nhưng biết kiềm chế cảm xúc vì đại cuộc, biết lùi một trận đánh để thắng cả một đại cuộc, hẳn nhiên là sự nhẫn thứ của một bậc thánh nhân, của một con người đủ cả tài cả đức như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Quay trở lại đời sống hiện đại, trong xã hội gần đây nổi lên hàng loạt vụ án thương tâm: Cô gái trẻ vì cơn ghen mù quáng lao thẳng vào cắt cổ tình địch. Anh trai chém chết em và cháu ruột vì tranh chấp đất đai... Xét cho cùng, những sự việc như vậy xảy ra bởi con người ta đã bị bóng ma vô hình của những cơn thịnh nộ điều khiển.

Có thể khi đối diện với cơ quan chức năng, sự chấp ngã ấy chưa thể khiến họ tỉnh thức, nhưng đến một lúc nào đó, khi bóng ma kia đã thỏa mãn cơn khát máu của mình mà rời đi, thì có lẽ sự ân hận của những kẻ thủ ác đã quá muộn màng. Những cơn cuồng nộ chỉ là ảo giác nhưng nỗi đau mà nó gây ra là hoàn toàn có thật.

Tuy nhiên trong cuốn sách Giận, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra rằng: giận (hay sân hận) không phải thứ cảm xúc để chế ngự và không phải kẻ thù mà chúng ta cần tuyên chiến. Ngược lại, nó phải được chấp nhận một cách hiền hòa, cần được săn sóc đúng cách. Thậm chí, còn nên coi sân hận như một vị khách ở dưới căn hầm tâm thức, phải mời lên phòng khách, cư xử lịch thiệp như với khách bằng một lòng từ bi và thân thiện.

Nếu một người có thể chuyển hóa sân hận của mình bằng cách đó, họ sẽ có nhiều cơ hội để sống ý nghĩa hơn. Có lẽ, nhiều người sẽ tò mò: Làm thế nào để có thể sống hòa bình với cảm xúc tiêu cực - sự nóng giận, sân hận ấy? Câu trả lời được thầy Thích Nhất Hạnh đưa ra là: Chánh niệm. Ông cho rằng, Chánh niệm trong đạo Phật chính là "kĩ thuật tinh thần" để đối phó với cảm xúc tiêu cực.

Nên lấy Bụt làm gương (lòng từ bi hỉ xả) chứ không phải một nhân vật siêu tự nhiên để sùng bái. Thực ra, mệnh đề này không lạ bởi mục tiêu chính của giáo lí đạo Phật là: "Diệt trừ phiền não và mọi khổ đau" nên trong các bộ kinh, Phật đã lưu ý đến việc khuyên chúng sinh từ bỏ mọi nóng giận vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.

Cách đây gần 5 năm, dư luận nước ta chấn động vì vụ án oan sai của "người tù lịch sử" - ông Huỳnh Văn Nén. Năm 1998, ông Nén bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt với 3 tội danh: Giết người, cướp tài sản và cố ý hủy hoại tài sản với mức án tù chung thân. Sau 18 năm ngồi tù, kinh qua không biết bao nhiêu trại giam, khi được trả tự do cũng là lúc ông Nén đã về già.

Cuộc đời con người sống được mấy lần 18 năm, đó là chưa kể trước khi ông được trả tự do 1 năm thì mẹ ông qua đời. Ấy thế mà khi được hỏi về nguyên điều tra viên đã điều tra sai 2 vụ án oan của mình, ông Nén vẫn hồn hậu trả lời: "Giả dụ có gặp lại ông ấy thì mình cũng tay bắt mặt mừng thôi chứ sao bây giờ, còn pháp luật mà. Mình có đánh ông ta thì mình cũng phải ra tòa thôi, có được gì đâu. Tha thứ thôi...".

"Tha thứ thôi". Ba tiếng ngỡ như giản đơn nhưng lại là điều mà có người cả cuộc đời vẫn chẳng thể học được. Người ta mạt sát nhau thì dễ, trao cho nhau những lời tử tế sau muôn vàn đau khổ mới khó.

Người ta nóng giận thì dễ, học cách tha thứ cho nhau mới khó. Người ta ôm vào lòng thù hận thì dễ, buông bỏ thù hận mới khó. Nhưng dễ thì ai cũng có thể làm được. Khó mà làm được đòi hỏi phải có một thời gian dài tôi luyện. Và khó mà làm được thì mới xứng mặt anh tài.

"Tha thứ thôi", để nói được ba tiếng ấy, người ta đích thị là một anh tài!

Phan Chân

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tha-thu-thoi-de-thot-len-duoc-ba-tieng-ay-562555/