Tha thứ để đón nhận hạnh phúc

Ước mong còn sót lại của chị có lẽ giờ chỉ là nhìn thấy con cháu khỏe mạnh, bình an. Bởi ai cũng xứng đáng để nhận hạnh phúc, để được yêu thương.

Ngày bước chân về làm dâu nhà anh, chị còn nhớ như in cái cảm giác bồn chồn khó tả, cái không khí ảm đạm của một chiều đông rét mướt, mưa phùn lầy lội. Trong căn nhà liêu xiêu chen chúc nhau, cái nghèo đói dường như vẫn đeo bám quanh đây…

Tổ chức đám cưới xong xuôi, thanh toán các khoản chi phí cỗ bàn cũng là lúc anh chị chẳng còn một đồng nào để ra ở riêng, phải về nhà ngoại nhặt nhạnh từng cái xoong nồi cũ, xin ít bát đĩa, chở nhau về trên chiếc xe đạp cà tàng của anh.

Cuộc sống thiếu thốn, chật vật nhưng anh chị nương tựa vào nhau cố gắng làm thuê, buôn bán đủ nghề, bất kể sớm tối. Sau một năm, vợ chồng anh chị hạnh phúc khi cô con gái đầu lòng chào đời. Giữa căn nhà nhỏ lạnh ngắt còn mùi vôi mới quét vội, chỉ có bà con bên ngoại đến chăm nom. Bố mẹ chồng qua xem mặt cháu rồi chỉ kịp buông câu: "Con gái à?" rồi quay ngoắt đi.

Chị biết, lại thêm những khó khăn, vất vả đè nặng trên đôi vai gầy guộc của mình. Nghèo khó, vất vả chị không sợ, chỉ sợ áp lực con trưởng nối dõi tông đường. Vậy nên mãi 8 năm sau, chị mới dám sinh thêm đứa nữa. Lần này, lại là con gái…

Có chồng ở bên, có hai cô con gái làm động lực, chị vẫn luôn giữ trọn bổn phận của một người đàn bà vừa làm vợ, làm mẹ, làm dâu và còn gánh vác cả cái gia đình nghèo khó lúc đó. Chỉ là chưa trọn vẹn bởi không sinh được một cậu con trai để nối dõi tông đường.

Mỗi ngày, với đồng lương ít ỏi và vài ba đồng thi thoảng anh làm thêm bằng nghề kẻ vẽ, chụp hình, anh chị vẫn cố gắng trang trải cho gia đình đông đủ bố mẹ anh, hai cô con gái cùng ba đứa cháu (con của em chồng). Nhưng họ đâu có biết, trong túi của đôi vợ chồng nghèo khi ấy hiếm khi còn xót lại đồng nào. Trong mâm cơm ngày đó dù chỉ là mấy cọng rau hành, vài bìa đậu hoặc những mớ tép rẻ tiền… cũng là sự nỗ lực, cố gắng đến kiệt quệ của một người đàn bà chỉ biết chắt bóp chi tiêu, có đáng là bao so với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng.

Thực ra cũng chẳng có gì đáng nói, bởi ngày đó tình hình khó khăn, nghèo nàn đã bao trùm lên cả vùng quê hẻo lánh này. Trong mắt người dân quê, với anh em, họ hàng đằng nội thì như vậy đã là quá sướng rồi!. Chị còn nhớ ngày đó, anh em, họ hàng và những bác hàng xóm trong quê, thường xuyên đi xe đạp ra chỉ để uống nước chè, ăn bữa cơm đạm bạc rồi hàn huyên cùng ông bà nội bọn trẻ từ bảy giờ sáng đến hai giờ chiều mới về.

Và càng không có gì đáng nói, nếu như những gì chị đã tận tâm, chu toàn với nhà chồng bằng tất cả tấm lòng, mà đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu nhưng vẫn luôn cố gắng hết mình. Chị chỉ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm để mang lại niềm vui, gắn kết một gia đình.

Tưởng rằng những cố gắng ấy, với cái tâm của một người đàn bà luôn muốn sống trọn nghĩa vẹn tình sẽ được đền đáp. Ấy vậy mà ông trời đã không chiều lòng người, khi càng ngày, con ma men càng len lỏi, rồi phá nát gia đình nhỏ của chị tự lúc nào. Lúc đầu chỉ là những mâu thuẫn căng thẳng giữa hai người trong mỗi bữa cơm gia đình, khi rượu ngà ngà say. Rồi khi càng ngày sức khỏe yếu đi, thần kinh bị con ma men điều khiển khiến anh như biến thành một người khác, chỉ biết hoang tưởng, cộc cằn và vũ phu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cuộc sống địa ngục bởi những tháng ngày bị bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần, những câu chửi rủa thâu đêm suốt sáng, những bữa cơm chan đầy nước mắt, những tủi hờn chị chỉ biết nuốt nghẹn trong lòng. Dù mẹ con chị đã nhiều lần cho anh cơ hội, khuyên can đủ đường, chỉ hy vọng anh thay đổi nhưng không. Đến khi không chịu đựng được nữa, mẹ con chị đành để anh phải sống một mình vật vờ, không có ai bên cạnh chăm sóc.

Chuyện gì đến cũng phải đến. Anh mắc bệnh hiểm nghèo, cái bệnh mà theo chị đơn giản là sinh ra từ sự bê tha của rượu chè. Chị thấy xót xa cho cô con gái lớn, bụng to vượt mặt vẫn phải cắp theo một đứa trẻ gần ba tuổi về đưa cha đi bệnh viện, chăm sóc cha hàng ngày; thương cô gái út đang học xa nhà thì ngược xuôi từ Thủ đô về quê trông đêm thay cho chị. Chưa kể cậu con rể cũng phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, lo vay mượn tiền bạc, bỏ công bỏ việc về đỡ vợ chăm cha.

Tiếc thay, sự cố gắng của các con cũng không giành giật được sự sống cho cha bởi cơn bạo bệnh đã đến giai đoạn cuối. Anh ra đi, trút hơi thở cuối cùng, để lại bao khó khăn, món nợ cứ thế đè nặng lên vai hai đứa con gái tội nghiệp vẫn làm trọn đạo nghĩa với một người cha.

Kể từ sau ba năm ly thân, đến giờ đã mười hai năm đơn độc, chị đã đánh đổi gần nửa cuộc đời, cả một thời thanh xuân chôn vùi trong những tháng ngày hờn tủi của đời người con gái... May mắn thay chị còn có các con ngoan ngoãn, biết sẻ chia, quan tâm, thấu hiểu mẹ. Hôm nay, lại một đêm trắng không ngủ, những kí ức cũ thoáng ùa về. Bởi vài ngày nữa thôi, cái ngày chị sẽ bên cạnh các con nhìn chúng nó làm cho anh một đám giỗ theo đúng lễ nghĩa và đạo hiếu làm con.

Cầu mong cho anh đến được cõi tây phương cực lạc, để tất cả được trút bỏ hết tất cả mọi ân oán còn vương vất trong lòng. Không hận thù, oán trách để rồi những điều tốt đẹp sẽ lại đến. Ước mong còn sót lại của chị có lẽ giờ chỉ là nhìn thấy con cháu khỏe mạnh, bình an. Bởi ai cũng xứng đáng để nhận hạnh phúc, để được yêu thương.

Hồng Diễm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tam-su/tha-thu-de-don-nhan-hanh-phuc-20210417175937396.htm