Tha thứ cho kẻ thù là phóng thích cho chính mình

'Oán thù nên cởi không nên buộc'. Lòng hận thù nếu cứ giữ trong lòng chẳng khác nào một cái gai nhọn, một liều thuốc độc hằng ngày gặm nhấm, làm héo rũ tâm hồn chúng ta. Biết thứ tha,'một điều nhịn là chín điều lành' chẳng những là cách để tạo phúc đức mà còn là chìa khóa giải thoát ngục tù đang giam giữ chính mình.

Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan

Tha thứ là phương thuốc chữa lành những vết thương, nhưng ai mới có khả năng chế tạo ra “thần dược” này? Làm sao có đủ lý trí, vị tha, khoan dung, lòng dũng cảm và tâm thái bình tĩnh để tha thứ? Một hôm, có một đệ tử hỏisư phụ: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại. Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”.

Vịsư phụ đáp: “Con hãy ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ!” Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ rồi thưa sư phụ! Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”. Sư phụ đáp: “Chưa xong đâu! Con hãy về tịnh tâm, mở hếtlòng ra thương yêu họ!”.

Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ, thì…! Thôi được, con sẽ cố làm!”. Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặtrất vui vẻ, khoe với sư phụ là đã có thể thương những người mà trước đây từng đối xử tệ bạc với mình.

Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, biết ơn họ! Bởi nếu không có họ thì con đâu có cơ hội đề cao tâm tính như vậy!”. Người đệ tử trở lại, lần này tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố:“Con đã biết ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”.

Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé!Họ đã làm đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ!”. Thiền tông Nhật Bản có ghi chép lại câu chuyện về Thiền sư Hakuin Ekaku (1686-1768). Ngài là một vịthầy đạo hạnh khiêm nhu, lối sống giản dị, thanh tịnh, là thiền sư vĩ đại “500 năm mới có một người” của nước Nhật. Thiền sư Hakuin rất được mọi người trọng vọng kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện của ông.

Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo con gái để biết về lai lịch tình nhân. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ đó chính là thiền sư Hakuin. Một vị sư được người người kính trọng lại làm chuyện như vậy nên câu chuyện lan ra khắp xóm làng, dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường…

Đệ tử của thiền sư dần dần bỏ đi gần hết. Không chỉ có vậy, gia đình cô gái vô cùng tức giận, chờ đứa con được sinh ra rồi mang tới dúi cho thiền sư. Họ nói: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả!”.

Thiền sư không nói gì, bình thản nhận lấy đứa bé. Vì không có sữa cho đứa bé, bị đệ tử xa lánh, nên chính thiền sư phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu. Sau một thời gian dài, vì lương tâm cắn rứt và giày vò khôn nguôi nên cô gái quyết tâm nói ra sự thật để giải thoát cho bản thân mình. Cô khai đứa bé đó là con của cô và chàng bán cá ở chợ.

Cha mẹ cô nghe xong liền cảm thấy tội lỗi vô cùng tức tốc dẫn con gái tới chùa giập đầu sám hối với thiền sư và xin cháu về. Thiền sư nghe xong chỉ bình thản nói: “Thế à!”. Sự tình được truyền đi, dân chúng ngưỡng mộ, các đệ tử cảm phục đức nhẫn nhục và tâm lượng thản nhiên của thiền sư nên lần lượt kéo về. Danh tiếng thiền sư nay lại hơn xưa. Đọc câu chuyện trên ai ai cũng nhận thấy ở thiền sư Hakuin chữ “Nhẫn” và “Thiện” vô cùng to lớn.

Trong cuộc sống, dù bạn là ai, làm nghề nghiệp gì, nỗ lực ra sao…dường như đều không tránh khỏi bị ai đó đối xử bất công, lợi dụng, thù ghét, chà đạp.Nếu chúng ta “lấy oán trả oán” thì oán hận sẽ chất chồng, càng ngày càng không gỡ ra được. Có người nói tâm oán hận như một túi rác, bạn ôm nó trong lòng càng lâu thì càng hôi thối sinh bệnh, chi bằng quẳng nó đi. Ít nhất cũng đừng nên tự trừng phạt mình bằng lỗi lầm của người khác. Tha thứ giúp chúng ta được bình yên.

Vì vậy, tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho bản thân mình. Tha thứ xóa đi những niềm cay đắng, phẫn uất trong quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹp. Nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta phải cám ơn những người đã đưa đến cho mình phiền não và oan uổng để chúng ta có cơ hội thăng hoa nội tâm. Bởi nếu lúc nào cũng được quý mến, ca ngợi, thuận buồm xuôi gió, thì ta dễ bịru ngủ trong niềm tự hào, kiêu hãnh và chính lúc đó, ta đang tự biến mình thành nô lệ cho sự cao ngạo và đang đánh mất chính mình.

Người xưa tin vào thiện ác báo ứng, rằng mỗi một sự việc xảy đến với con người đều có duyên do. Nếu không phải là ta đã từng ức hiếp họ trong quá khứ, thì đời này họ chẳng thể tìm ta đòi nợ. Có thể buông bỏ nỗi bất bình, oán giận trong tâm, từ đó lấp đầy trái tim bằng lòng yêu thương và cảm ân, đây cũng là quá trình ta kết toán nợ nần, hóa giải ác duyên, khiến sinh mệnh bản thân được nhẹ nhàng, thăng hoa. Người xưa từng nói:“Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”, quả là rất có đạo lý.

Tha thứ là tạo phúc cho chính mình

Xưa có một ông lão râu tóc bạc phơ sống với ba người con trai. Một ngày kia, ông lão gọi các con của mình lại và nói: “Cả đời cha đã gánh vác cho gia đình ta, bị người ta ức hiếp cũng nhiều rồi. Giờ thì cha đã già, không biết còn sống được bao lâu nữa, vậy nên một trong ba anh em con cần phải thay cha gánh vác gia đình. Hôm nay, cha giao cho mỗi con một thỏi bạc, hãy đi hành thiện và tích đức. Ai có thể chứng tỏ là người thiện đức nhất sẽ được thay cha trở thành trụ cột của gia đình”.

Một thời gian sau, ba người con trở về. Người cha yêu cầu họ kể lại những gì họ đã trải qua. Anh cả tỏ ra tự hào: “Con nhìn thấy một người phụ nữ định trẫm mình xuống sông, con vội nhảy xuống và cứu được cô ấy lên bờ. Vì cô ấy mang bầu nên con đã cứu được hai mạng người”.

Anh thứ hai cũng hào hứng kể: “Con đi ngang qua một thôn làng và thấy có ngôi nhà đang bén lửa. Vì ngôi nhà ở ngay đầu gió nên cơ hồ cả làng sẽ bị thiêu rụi. Con nhảy vào trong lửa và dập tắt đám cháy ấy, đã cứu được rất nhiều mạng sống và tài sản”.

Người cha mỉm cười, nhưng cũng không nói thêm lời nào. Cuối cùng chỉ còn lại anh út, anh ngập ngừng: “Cha ạ, con rất buồn vì chẳng làm nên công trạng gì mà chỉ toàn là những việc ngớ ngẩn. Ngày hôm trước khi đi ngang qua rặng núi, con nhìn thấy vị lực sĩ mà thường ngày vẫn hay ức hiếp nhà chúng ta. Lúc ấy anh ta đang say rượu nằm ngay bên bờ vực thẳm. Chỉ cần anh ta trở mình một cái là sẽ rơi xuống vực.

Lẽ ra con nên bỏ mặc anh ta đó mà đi tìm việc gì khả dĩ hơn vì kẻ đồi bại như anh ta thì cả làng đều cho rằng chết là đáng kiếp. Nhưng tâm con lúc đó bứt rứt, còn đành gọi anh ta dậy, bảo anh ta cẩn trọng tránh xa cái vực đó ra. Cuối cùng không tìm được việc gì để làm theo nguyện của cha”. Người cha nghe xong, không ngờ khuôn mặt trở nên vô cùng rạng rỡ, nói: “Con có thể buông bỏ oán hận, tha thứ để cứu cả kẻ thù của mình thì tâm đủ rộng để gánh vác việc lớn“.

Ông quyết định trao cho con trai út kế thừa gia sản, trụ cột gia đình. Sau khi người con út trở thành trụ cột gia đình, vị lực sĩ từng bắt nạt anh ngày trước vô cùng biết ơn và nhận ra rằng việc mình làm trước đây là saitrái. Từ đó, anh ta bỏ hẳn thói ngang nhiên hống hách, đối xử vơítất cả mọi người bằng thiện tâm và hòa ái. Hai gia đình từ đó cũng trở thành những người bạn tốt. Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta không thể bao dung, tha thứ cho người khác?

Có người miệng nói tha thứ nhưng trong tâm hãy còn chất đầy oán hận, căm phẫn. Bị người khác gây tổn thương đương nhiên không phải là một cảm giác dễ chịu gì. Nhưng trên đời có ai mà chưa từng chịu tổn thương đây? Nếu cứ ôm giữ mãi tâm oán hận, chẳng phải tâm hồ ta sẽ chỉ còn đầy những vết thương đang rỉ máu hay sao?

Tha thứ không có nghĩa là nhu nhược, yếu đuối mà là tự đặt mình ở một tầm cao nhất định, có khả năng hisinh những lợi ích nhỏ nhặt của bản thân, đối đãi với tất cả mọi người với một tấm lòng khoan dung, độ lượng. Có người vẫn cho rằng tha thứ quả là việc khó khăn trong đời, nhất là khi bản thân đã phải chịu tổn hại, chịu thiệt thòi.

Chính vì vậy, bản thân những người không thể tha thứ luôn mang theo rất nhiều oán giận, buồn đau dù sự việc thực sự làm họ tổn thương đã lui vào quá khứ. Chúng ta cũng luôn có suy nghĩ rằng tha thứ là thái độ, là cách hành xử ta dành cho người khác, nhưng thực chất tha thứ là hành động ta làm cho chính mình, là cách ta đối đãi với bản thân mình. Không thể tha thứ còn là biểu hiện của sự ích kỷ.

Khi đặt mình cao hơn người khác, muốn mình trở thành trung tâm vũ trụ, người ta tất nhiên không muốn bị ai làm thương tổn. Vả lại, khi làm tổn thương người khác, ta luôn mong muốn họ thông cảm, thấu hiểu và bao dung cho mình. Trong khi rất nhiều lúc chính ta lại không làm được điều ấy ở những trường hợp ngược lại. Thực sự, tha thứ chính là một loại sức mạnh tinh thần.

Tha thứ không phải yếu đuối, nhu nhược, dĩ hòa vi quý, tha thứ càng không phải đầu hàng, chấp nhận buông xuôi. Tha thứ là đặt mình ở trên người khác để bao dung họ. Cổ nhân dạy: “Lùi một bước biển rộng trời cao”.

Nếu bạn thực sự có thể lùi lại, lấy tĩnh khí của mình để xét đoán sự việc thì sẽ thực sự nhìn thấy được một cảnh tượng mĩ diệu khác. Đó là cảnh giới của người quân tử, cảnh giới của sự bao dung, từ bi, của tinh thần vị tha, cao thượng. Tha thứ không đồng nghĩa với việc chúng ta nói lời tha thứ nhưng trong tâm vẫn cất giữ rất nhiều trách móc, oán giận, ôm giữ sự không hài lòng, khó chịu mãi không thôi.

Sự tha thứ thực sự xuất phát từ tấm lòng chúng ta, xuất phát từ sự thông cảm và biết suy nghĩ cho người khác, suy nghĩ vì người khác. Có thể tha thứ cho những sai lầm của người khác khi chúng ta đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của họ, suy nghĩ theo những quan điểm sống, chuẩn tắc sống của họ. Ngược lại, không thể tha thứ là một biểu hiện của sự ích kỷ, hẹp hòi, chỉ thuận theo cảm xúc và suy đoán của bản thân mà không cho mình cơ hội hiểu người, lắng nghe người khác.

Tha thứ không phải là nhu nhược, bỏ cuộc, chấp nhận đầu hàng hay buông xuôi.Tha thứ là khi có dũng khí đặt mình vào vị trí người khác để bao dung họ, là lùi một bước để nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo và từ những khía cạnh khác nhau.Hơn nữa, khi ta có thể thật tâm tha thứ cho người khác, có thể vứt bỏ mọi khúc mắc trong tâm và đối diện với tất cả bằng tâm thái an hòa, thuần tịnh, cũng là ta đang chăm sóc và yêu thương chính mình, là tự cởi trói sợi dây vô hình đang thắt chặt trái tim và tâm hồn mình.

Dùng đức hạnh để xoa dịu tức giận, dùng từ bi để cảm hóa kẻ thù, đó mới là hành vi cao thượng nhất trên thế gian này. Rốt cuộc thì ánh sáng của tâm thuần thiện, của tấm lòng bao dung chính là vũ khí hiệu quả nhất để hóa giải mọi oán hận trên cuộc đời, là phương thuốc hữu hiệu để chữa lành mọi vết thương, là cây cầu ngắn nhất đưa những trái tim đến với trái tim.

Có câu “Nhân vô thập toàn“, con người không ai có thể mười phần hoàn hảo, ai cũng có lúc mắc sai lầm. Khi không thể bao dung cho người khác, bạn cũng đừng mong cầu nhận được sự vị tha từ họ. Có ai dám chắc cả đời mình không từng phạm lỗi, vấp ngã không? Vả chăng khi tha thứ cho kẻ thù của mình cũng chính là bạn đang tự cởi sợi dây trói buộc trong lòng mình vậy.

Sợi dây vô hình ấy nếu không cởi bỏ sẽ ngày càng thít chặt lấy tâm hồn người ta, lâu ngày trở thành một thứ oán khí, uất hận, tạo thành thống khổ tinh thần và vô vàn bệnh tật. Cho nên nói, tha thứ, dung thứ cho người cũng chính là tự cứu mạng mình.

Nếu trong tâm luôn mang đầy tính toán thì nhìn đâu cũng thấy giá lạnh cõi lòng. Nếu có thể phóng khoáng, khoan dung thì lúc nào trong hồn cũng là mùa xuân tươi đẹp. Người có tấm lòng khoan dung, luôn lấy thiện đãi người thì dù gặp phải sóng gió, bão tố lớn đến đâu cũng đều chẳng động tâm, có được tâm thái bình hòa, nhìn thấy cơ hội từ trong thử thách.

Ghi hận thì dễ, khoan dung lại khó, ghét bỏ thì dễ mà yêu quý mới là gian nan. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thù hằn người đã phạm lỗi hoặc tưởng chừng như phạm lỗi với mình. Nhưng mấy ai dịu dàng chịu bỏ qua tất cả, không kết oán trong lòng đây? Bất cứ ai cũng có thể nghiêm khắc với người ngoài, dễ dãi với bản thân. Nhưng mấy ai làm được điều ngược lại, khoan dung với tất thảy nhưng nghiêm túc chấn chỉnh chính mình?

Tha thứ không khó, cái khó chính là người ta có dám buông bỏ tâm hận thù, oán giận hay không. Hận thù bản thân là một con quỷ dữ. Nếu bạn cứ mãi ôm giữ nó trong tâm, chẳng phải là càng tiếp thêm năng lượng và sự sống cho nó. Đến một ngày kia, nó sẽ quay trở lại nuốt chửng bạn.

Chuyện này nguy hiểm là thế.Vậy nên bạn hãy luôn ghi nhớ rằng: Tha thứ là dòng suối nguồn tưới mát ngọn lửa hận thù thiêu cháy tâm can. Đức Phật cũng dạy việc cố chấp, không tha thứ sẽ làm bản thân chúng ta đau khổ. Ai không thể buông bỏ những điều saitrái mà người khác gây ra cho mình thì cũng không thể buông bỏ được sự hận thù, đau khổ khỏi bản thân.

Cái gốc của tha thứ chính là tâm từ bi, thiện lương. Để có thể tha thứ cho người khác dễ dàng hơn, phải chăng bạn luôn nên nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng lương thiện, nhân hậu? Như thế mới thực là: “Thiện căn ở tại lòng ta Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Tha thứ cho người khác cần có tinh thần quên đi bản thân, phải có một tấm lòng rộng mở. Chịu thiệt không đồng nghĩa với việc yếu mềm dễ bị bắt nạt! Tha thứ sẽ khiến bạn luôn hạnh phúc, nó sẽ khiến bạn được nếm trải đủ vị cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống.

Tha thứ một lần, là một lần tạo phúc, bao dung càng lớn, phúc tạo càng nhiều. Làm người mà sống thiện thì dù phúc chưa tới nhưng họa đã rời xa, làm người tạo ác tuy họa chưa báo nhưng phúc cũng chẳng còn. Sau khi bạn tha thứ hết thảy, bạn sẽ phát hiện ra, người được giải thoát không phải là một ai đó khác mà chính là bản thân mình.

Trường Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tha-thu-cho-ke-thu-la-phong-thich-cho-chinh-minh-d101220.html