Tha thiết tiếng gọi đò (Về bài thơ 'Sông Lấp' của Trần Tế Xương)

Người ta thường quen gọi cụ Tú Xương (1870-1907) là nhà thơ trào phúng. Cũng chả sai ! Người ta cũng thường quen gọi cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909) là nhà thơ trào phúng. Cũng phải thôi ! Lại còn so sánh cái bản sắc trào phúng của hai cụ, để tìm ra sự khác biệt, cái tương đồng của hai nhà trào phúng bậc thầy xứ Sơn Nam Hạ nhiều bãi nhiều sông, nhiều ao hồ tôm cá, cánh đồng thẳng cánh cò bay…Lại còn cân đong đo đếm, xem cụ nào cao hơn cụ nào trong chiếu thơ nước Việt. Thì việc ấy cũng chả sai!

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Nhưng tôi muốn gọi cả hai cụ, Tú Xương và Nguyễn Khuyến, căn cốt vẫn là những nhà thơ trữ tình đặc sắc của dân tộc. Phải nói thêm là cả hai cụ, đều trữ tình ngay cả trong trào phúng và ngược lại. Riêng nói về thơ, về tài thơ, thì tôi cũng muốn xếp cụ Tú sông Vị (Trần Tế Xương) cao hơn một tý. Cụ Tam nguyên làng Yên Đổ kinh điển hơn, uyên bác hơn, nhưng đó lại chính là chỗ gây khó cho nhà thơ nổi tiếng này. Chuyện này thôi không nói nữa!

Với cụ Tú Xương, chỉ cần “Thương vợ”, chỉ cần “Đi hát mất ô”, chỉ cần “Sông Lấp”…cũng có thể nói là đã đủ hành trang để đi vào bất tử.

Sông kia rày đã nên đồng.Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoaiVẳng nghe tiếng ếch bên taGiật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.

Một bài thơ bốn câu, thể lục bát, thuần Việt, người đời nay xếp chung vào một loại, có tên là thơ tứ tuyệt. Một số người không ưa kiểu xếp chung này, nhưng cũng chẳng nên cố chấp làm gì. Tứ tuyệt, bốn câu thì dứt, hoặc bốn câu tuyệt tác, tuyệt hay, hiểu thế nào thì cũng để khu biệt về thể loại. Ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, hay lục bát tứ tuyệt, nếu là thơ hay, sẽ nghiễm nhiên đứng được ở đời !

Hai câu đầu “Sông kia rày đã nên đồng / chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” chưa có dấu hiệu của thơ, bởi đó chỉ là những câu văn xuôi có nội dung thông tin, thông báo. Một con sông, bây giờ đã bị người ta lấp đi, hoặc do năm tháng phù sa bồi lấp, nơi cao thì dân làm nhà ở, nơi thấp thì đã nên đồng nên bãi trồng ngô trồng khoai, thế thôi.

Câu thơ thứ ba “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai”… đã thấy có hơi hướng của thơ rồi. Đã thấy văng vẳng vang lên tiếng ếch kêu trong đêm khuya khoắt. Phải lắng tai, phải để tâm chú ý mà nghe cho rõ những thanh âm quen thuộc của tiếng ếch kêu nơi đồng bãi văng vẳng, như gần như xa, như trầm như bổng, mở ra một không gian tĩnh lặng, như đang loãng dần ra, gợi rất nhiều xao xuyến bâng khuâng. Đó là lấy động để tả tĩnh, một thủ pháp thường thấy của thơ ca truyền thống. Cụ Tú rất tài tình ở điểm này. Nhưng chữ “bên tai” (vẳng nghe tiếng ếch bên tai) thì có lẽ chưa thật đắc địa, hoặc giả có thể nói là “hơi bị” rườm rà, vì trong chữ “vẳng nghe” đã có cái ý “bên tai” rồi. Có lẽ là quen dùng, nên cụ Tú mới tạm lấy chữ này chăng, chứ thực ra chữ “bên tai” không có nội hàm bổ sung bồi đắp cho cái ý “vẳng nghe tiếng ếch” cả. Ví thử như dùng chữ “ban mai” chẳng hạn (vẳng nghe tiếng ếch ban mai), có nghĩa khác hơn, cũng có thể dùng làm chữ bắt vần cho câu sau, nhưng lại không hợp lý. Phải là tiếng ếch kêu trong đêm khuya khoắt, hoàn toàn yên tĩnh, thì mới “vẳng nghe tiếng ếch”, mới khơi gợi được không gian tâm lý, mới tạo nên duyên cớ của tình thơ. Thử chọn chữ khác thì thật khó cho sự bắt vần với chữ “ai” (tiếng ai gọi đò) ở câu cuối bài thơ. Đành chịu! Đành chia sẻ với cụ Tú, chứ cũng chưa biết làm thế nào cho phải!

Hồn cốt của bài thơ “Sông Lấp” tập trung ở câu cuối, đặc biệt là chữ “giật mình” (giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò), đương nhiên nó có căn nguyên từ cái tiếng ếch “vẳng nghe” ở câu trên: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai / giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”…

Tiếng ếch kêu ngoài đồng ngoài bãi, có thể là chẳng phải riêng cụ Tú nghe thấy. Dân quê nhiều người cũng nghe thấy, nhưng mà nghe đã thành quen tai, hoặc như nó cũng bình thường thôi, như những thanh âm khác, chẳng gợi nỗi niềm chi đáng phải quan tâm nhiều. Nhưng với Tú Xương thì khác. Nghe tiếng ếch văng vẳng bên tai mà thi nhân xao xuyến trong lòng, như thấy đồng vọng đâu đây tiếng gọi đò thao thiết. Không còn sông, bởi “sông kia rày đã nên dồng”. Hình ảnh một con sông quê với tiếng gọi đò văng vẳng trong đêm đã trôi vào quên lãng, đã chìm vào quá khứ. Vậy mà bỗng nhiên nó trỗi dậy trong tâm tưởng, đánh thức trái tim, khua lên xao xác những hồi cố ngọt ngào. Thế nên mới phải “giật mình”…

Thực ra, “Sông Lấp” cũng có đôi ba bản chép khác nhau, cũng chỉ ở vài ba chữ. Ngay như ở câu thứ ba, có bản chép “Đêm nghe tiếng ếch bên tai”…Câu cuối, cũng có bản chép “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”… Chữ “còn” có cái hay về âm, vẫn gợi cái ý tiếng gọi đò còn váng vất, còn văng vẳng đâu đây. Nhưng chữ “lại” (giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò) có cái lý do riêng của nó để nó nghiễm nhiên tồn tại trong câu thơ cuối cùng này. Nó vừa chứa đựng cái ý “còn tưởng”, lại hàm chứa cái ý rằng tiếng gọi đò thao thiết kia không phải chỉ thức dậy có một đêm nay, mà nhiều đêm như thế, dai dẳng mãi, khắc khoải mãi khôn nguôi. Cụ Tú chẳng đã viết “trời không chớp bể chẳng mưa nguồn / đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”…đấy sao !

Một tác động ngoại lai, mà mở ra một không gian tâm tưởng nhiều chiều, trong văn cảnh này là hợp lý hợp tình. Âm thanh gợi liên tưởng về âm thanh. Vang động giao thoa gợi vang động giao thoa. Hiện tại khơi gợi quá khứ. Đó chính là hệ quả cố nhiên của động từ “giật mình” thần diệu, diễn đạt một trạng thái tâm lý tự nhiên, một phản xạ rất tự nhiên của con người, nhất là những người có trái tim đa cảm thi nhân.

Tiếng ếch vẳng kêu trong đêm ở nơi đồng bãi ngô khoai heo hút, gợi nhớ tiếng gọi đò da diết thủa nào, như thể đang sống lại cả một chiều sâu lịch sử biết bao biến đổi thăng trầm. Thiên nhiên, thời gian, và cả con người đã góp phần làm đổi thay cảnh vật, đổi thay cả không gian văn hóa hữu hình và phi vật thể, như một hiện hữu không sao níu giữ được. Chính điều ấy tạo nên niềm tiếc nuối khôn nguôi của bao người tâm huyết, bao người cả nghĩ như cụ Tú của chúng ta.

Bài thơ bốn câu, thể sáu tám dân tộc truyền thống, viết như thể chẳng phải “thôi xao” khó nhọc gì, mà ngân nga lay động hồn ta đến thế! Dân dã đấy, mà hiện đại đấy. Nhẹ nhàng đấy, mà sâu thẳm đấy. Hóa ra cái sự hay đâu phải cố công tìm kiếm nhọc lòng? Chỉ tiếng ếch kêu gợi nhớ tiếng gọi đò thao thiết.

Đò ơi! Tiếng ai vời vợi trong đêm sâu, có lẽ rồi ra sẽ “tuyệt chủng” ở thời hiện đại. Nó chỉ còn trong tâm tưởng những người già, xa nữa thì nó chỉ còn “chết lâm sàng” trên trang giấy, rồi sẽ ra sao nữa, ai hay!.. Nhưng khi “Sông Lấp” của cụ Tú vẫn còn, thì tiếng gọi đò kia sẽ còn ở lại, sẽ còn văng vẳng trong hồn dân Việt. Tôi còn tin như thế !

V-B-L

Hà Nội 20-2-2011

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tha-thiet-tieng-goi-do-ve-bai-tho-%E2%80%9Csong-lap%E2%80%9D-cua-tran-te-xuong-77045