'Thả rông là quyền phụ nữ nhưng họ nghĩ tôi đáng bị soi mói cơ thể'

'Ngực của phụ nữ không phải là thứ khiêu dâm. Bộ ngực không có gì liên quan đến tình dục, trừ khi bạn nghĩ như vậy'.

Ngày 3/9, Sulli khoe loạt ảnh thân thiết bên bạn bè lên trang cá nhân. Như mọi lần, trang phục của nữ ca sĩ là thứ được chú ý nhiều nhất.

Với áo hai dây, quần đùi và không mặc áo ngực, Sulli bị cho là “buông thả”, “thích khoe thân”, “đạo đức giả”.

Trước đó không lâu, nữ ca sĩ từng kể rằng cô có cảm giác như mình bị “hiếp dâm bằng mắt” vì những ánh nhìn soi mói dán chặt lên cơ thể cô của những người đi đường.

Điều này càng khiến 9X bị “ném đá” dữ dội hơn. "Mặc đồ như vậy còn than vãn nỗi gì?" là lý lẽ của phe chỉ trích ngôi sao 25 tuổi.

Không chỉ người nổi tiếng như Sulli, những cô gái bình thường cũng từng có trải nghiệm tương tự.

Kim (20 tuổi, sinh viên người Hàn Quốc) nói rằng cô thường bị nhìn như "một sinh vật lạ" nếu "thả rông" ra đường.

"Đó là cảm giác kinh khủng. Mọi người công khai soi mói cơ thể tôi như một điều hiển nhiên. Họ cho rằng tôi xứng đáng bị như vậy", 9X nói.

Sulli là sao nữ Hàn Quốc gây tranh cãi khi theo đuổi phong trào no bra. Ảnh: Instagram NV.

Sulli là sao nữ Hàn Quốc gây tranh cãi khi theo đuổi phong trào no bra. Ảnh: Instagram NV.

“Đó là quyền tự do của mỗi người”

Braless hay no bra không còn là một khái niệm mới. Đây là phong trào nữ quyền bắt đầu vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Với mục đích giải thoát nữ giới khỏi những chiếc áo ngực, phong trào được biết đến với tên gọi đầu tiên là bra burning, diễn ra ở New Jersey, Mỹ.

Nhiều phụ nữ trẻ lúc đó đã cởi bỏ áo lót và ném nó vào thùng rác để biểu tình phản đối cuộc thi sắc đẹp nói riêng và sự bất bình đẳng giới, quan niệm nữ tính truyền thống nói chung.

Sau hơn 50 năm, no bra vẫn tồn tại. Nhưng thay vì nhấn mạnh nữ quyền hay chính trị, phong trào này giờ đây mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn.

Không khuyến khích hay yêu cầu những người phụ nữ cảm thấy hài lòng phải từ bỏ áo ngực, no bra nêu quan điểm việc mặc hay không mặc thứ nội y này hoàn toàn là quyền tự do cá nhân.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện ở các nước phương Tây, tại châu Á, vẫn có rất nhiều tranh cãi xung quanh phong trào không áo ngực.

Phong trào nữ quyền bra burning bắt đầu vào những năm 1960 ở New Jersey, Mỹ. Ảnh: Getty.

Cuối tháng 7, Sulli trở thành khách mời trong chương trình Reply Night trên kênh JTBC. Một lần nữa câu chuyện "thả rông" của cô được nhắc đến.

Giải thích về quyết định no bra gây tranh cãi của mình, nữ ca sĩ đơn giản nói: “Đó là quyền tự do của mỗi người”.

Kim, người đã từ bỏ chiếc áo ngực trong hai năm trở lại đây, nói rằng giờ cô đã quen với những cái nhìn "dung tục", câu nói cợt nhả ở nơi công cộng hay dưới các bức ảnh cô đăng trên trang cá nhân.

Tuy nhiên, Kim nói quen không đồng nghĩa với việc thừa nhận cô sai và chấp nhận những định kiến của xã hội.

"Ngực của phụ nữ không phải là thứ khiêu dâm. Bộ ngực không có gì liên quan đến tình dục, trừ khi bạn nghĩ như vậy", 9X nói.

Từ áo ngực đến giày cao gót, áo hai dây

Cuối tháng 7, Nhiệt Y Trát (Reyizha Alimjan) - nữ diễn viên người dân tộc Kazakh – gây chú ý khi mặc quần jean và áo hai dây khoét sâu, xuất hiện tại sân bay Thượng Hải.

Trang phục của người đẹp sinh năm 1986 ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến trên mạng giữa hai phe ủng hộ và chỉ trích. Nhiều người lên án cách ăn mặc của nữ diễn viên là “hở hang, khoe da thịt quá đà”.

Trong khi đó, số khác, hầu hết là nữ giới, lên tiếng ủng hộ và cho rằng đám đông “ném đá” nữ diễn viên nên có cái nhìn cởi mở hơn.

Một cuộc thăm dò trực tuyến về việc phụ nữ có nên mặc áo hai dây ở nơi công cộng đã được thực hiện vào đầu tháng 8 trên mạng xã hội Weibo.

Khoảng 70% trong số gần 14.000 người được hỏi cho biết họ không dám mặc như vậy ra đường. Hơn 20% nói bạn trai không cho phép, hoặc lo lắng họ bị quấy rối.

Trong khi vấn đề trang phục của phụ nữ tại Trung Quốc đang nhen nhóm ở những cuộc tranh luận trực tuyến. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các phong trào quy mô hơn đã xuất hiện.

Sao Hoa ngữ bị "ném đá" vì diện trang phục lấp ló vòng một. Ảnh: Weibo.

No bra Escape the Corset là hai phong trào thể hiện sự kháng cự của nữ giới với các tiêu chuẩn về thời trang, cái đẹp khắt khe tại xứ sở kim chi.

Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc tin rằng từ chuyện trang điểm, làm đẹp đến việc mặc áo ngực không phải là điều bắt buộc mà về cơ bản đó là sự lựa chọn và quyền quyết định của mỗi cá nhân.

Trong khi đó, phong trào KuToo được lấy cảm hứng từ kutsu (nghĩa là giày trong tiếng Nhật), kutsuu (đau) và phong trào #MeToo kêu gọi bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục, bạo lực, được hưởng ứng tại Nhật Bản.

Phong trào này truyền đi thông điệp hãy giải thoát phụ nữ khỏi những đôi giày cao gót tra tấn họ mỗi ngày tại nơi làm việc.

Joy Lin, nhà nữ quyền sống tại Thượng Hải, cho rằng hầu hết tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề trang phục của nữ giới không còn là câu chuyện thời trang.

"Thông thường, khi bình luận về những gì chúng ta mặc, mọi người không quan tâm đến việc chiếc váy đó phù hợp với kiểu tóc hay những thứ tương tự, mà là về cơ thể của chúng ta như liệu thân hình có thon thả hay không. Một số ý kiến có thể rất xúc phạm", Lin bày tỏ.

Còn theo Lu Peng, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, các cuộc tranh luận về trang phục nữ giới trong thời gần đây cho thấy những xung đột giữa mong muốn tự do ngày càng tăng của phụ nữ với hệ thống chuẩn mực giới của các thế hệ trước.

Huệ Lâm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tha-rong-la-quyen-phu-nu-nhung-ho-nghi-toi-dang-bi-soi-moi-co-the-post986569.html