Thả nổi xăm làm đẹp, nguy cơ khó lường

Hoạt động xăm thẩm mỹ làm đẹp trên địa bàn TP HCM gần như thả nổi, thiếu sự quản lý, giám sát. Giới chuyên môn khuyến cáo hoạt động này ngoài nguy cơ lây truyền bệnh, còn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường

Một phụ nữ ở TP HCM vừa tử vong sau khi xăm chân mày làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ viện. Thủ thuật làm đẹp tưởng chừng đơn giản nhất nhưng vẫn có nguy cơ tử vong khiến nhiều người có ý định cảm thấy lo âu.

Không sợ chết, chỉ sợ xấu

Nói về ca bệnh trên, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết bệnh nhân là bà P.T.L (53 tuổi), xăm chân mày tại Thẩm mỹ viện Hoài Anh (quận 1, TP HCM) vào ngày 27-10. Chiều cùng ngày, bà P.T.L được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ chẩn đoán bà P.T.L bị xuất huyết dưới nhện hai bán cầu (xuất huyết não). Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bà P.T.L tử vong ngày 29-10. Hiện Thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành kiểm tra cơ sở thẩm mỹ viện trên.

Một trường hợp bị nhiễm trùng sau khi xăm hình nghệ thuật. (Ảnh do bệnh viện Da liễu TP HCM cung cấp)

Một trường hợp bị nhiễm trùng sau khi xăm hình nghệ thuật. (Ảnh do bệnh viện Da liễu TP HCM cung cấp)

Đây không phải là trường hợp duy nhất tử vong sau xăm làm đẹp. Một năm trước, tại tỉnh Bình Phước, bà M.L (60 tuổi) đến một tiệm chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn thị xã Phước Long để xăm chân mày và xăm môi. Khoảng 2 giờ sau, trên đường về nhà, bà M.L cảm thấy mệt mỏi, ngứa toàn thân. Khi bà M.L quay lại tiệm làm đẹp để hỏi rõ thì ngất xỉu và tử vong trước khi được chuyển đi cấp cứu tại một cơ sở y tế trên địa bàn.

Dịch vụ xăm chân mày hay phun thêu chân mày hiện cũng rất phổ biến ở Hà Nội. Dịch vụ này không chỉ được thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ, spa mà còn nhan nhản tại các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Chị Trần Thu Q., chủ một tiệm cắt tóc, cho biết cách đây khoảng 2 năm, khi thấy dịch vụ xăm chân mày, phun môi có xu hướng hút khách, chị đã đầu tư gần 1 tháng đi học ở một số cơ sở spa. Đến nay, hầu như ngày nào chị Q. cũng có khách xăm môi, xăm chân mày. Theo chị Q., kỹ thuật này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và đam mê. Dĩ nhiên, thu nhập từ dịch vụ này hơn hẳn nghề cắt tóc, gội đầu.

Thời gian để chị Q. xăm được bộ chân mày chỉ mất hơn 1 giờ. Khách hàng sẽ được vẽ dáng chân mày, ủ thuốc tê, sau đó phun mực. Các thao tác đều được thực hiện ngay trên giường khách nằm gội đầu, không có phòng riêng biệt. "Khách hàng toàn là người quen và qua bạn bè giới thiệu, chi phí xăm chân mày chỉ từ 500.000- 600.000 đồng, thuốc phun xăm nhập từ Đức, Anh, sau khi phun xăm thì khách sẽ được bảo hành" - chị Q. nói.

Sử dụng thuốc gây tê có thể bị biến chứng

TS-BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, cho biết xăm là một thủ thuật xâm lấn có chảy máu, bắt buộc người thực hiện phải có chuyên môn và được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước. Khi thực hiện thủ thuật này có 2 vấn đề xảy ra: Một là nguy cơ lây truyền đủ thứ bệnh (trong đó có HIV-AIDS). Hai là chỗ gây tê có thể bị biến chứng (sốc phản vệ).

Theo BS Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu trung ương, xăm chân mày, xăm môi, nhấn mí mắt… là phương pháp làm đẹp ít xâm lấn nhưng do có sử dụng thuốc gây tê, dù chỉ bôi tê nhưng thuốc tê này đi vào mạch máu cũng có thể dẫn đến sốc thuốc, tử vong.

ThS-BS Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP HCM, cảnh báo thực tế hiện nay, hoạt động xăm thẩm mỹ gần như thả nổi, chỉ cần đi học một khóa ngắn hạn ở đâu đó là có thể hành nghề. Thực ra, xăm, phun, thêu thẩm mỹ tưởng như vô hại nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ; các phản ứng da có hại sau khi xăm như: nhiễm trùng, dị ứng mực xăm, phát ban khi xăm mực tạm thời, phát ban dị ứng ánh nắng, phỏng da sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI), sưng hạch… Vì vậy, cần phải được quản lý "chặt chẽ" hơn về góc độ chuyên môn.

Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết các cơ sở thẩm mỹ xăm, phun trên da không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy không cần giấy phép hoạt động nhưng các cơ sở này phải đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật như: người thực hiện phun, xăm phải có chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp; cơ sở thẩm mỹ phải đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định. Thế nhưng hiện nay, chưa có cơ sở dạy nghề nào về xăm, phun, thêu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cấp phép hoạt động.

Riêng những cơ sở thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ. Hiện TP chỉ có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu thuộc diện không cần xin giấy phép hoạt động (chỉ gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động về Sở Y tế).

Tăng cường giám sát

Sở Y tế TP cho biết sẽ tăng cường giám sát, phát hiện các cơ sở hành nghề, cơ sở dạy nghề thẩm mỹ xăm, phun, thêu quảng cáo và hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật trên địa bàn TP; phối hợp chặt chẽ với thanh tra các sở có liên quan xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các phòng y tế quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện việc triển khai các giải pháp khả thi trong quản lý hành nghề, dạy nghề xăm, phun, thêu thẩm mỹ trái phép trên địa bàn, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế và các sở có liên quan để xử lý nghiêm các vi phạm.

Sở Y tế TP cũng mong muốn người dân và các cơ quan truyền thông cung cấp các thông tin các cơ sở hành nghề, quảng cáo trái phép xăm, phun, thêu thẩm mỹ để xử lý nghiêm theo quy định.

NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/tha-noi-xam-lam-dep-nguy-co-kho-luong-20191030222020387.htm