Thà như giọt mưa, khô trên mặt duyên

Trong những bản tình ca được nhiều thế hệ yêu thích, nhiều người từng thầm thì hát 'Thà làm giọt mưa, vỡ trên tượng đá. Thà làm giọt mưa, khô trên mặt Duyên…'. Đó là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Đáng ngạc nhiên là nhà thơ không viết tên Duyên vào bài thơ, nhưng nhạc sĩ đưa vào bài hát lại hoàn toàn đúng ý của tác giả phần lời, và tạo ra một mối tình hư thực trong nghệ thuật!

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Biên Hòa. Thuở làm thơ học trò, ông ký bút danh Hoài Thi Yên Thi nghe có vẻ rất mông lung và lãng đãng. Năm 1970, Nguyễn Hoàng Hải bất ngờ lấy tên Nguyễn Tất Nhiên để in tập thơ đầu tay “Thiên tai”. Chỉ với 16 bài, “Thiên tai” đã tạo được vị trí một thi sĩ khi vừa rời ghế trường phổ thông. Vì sao tập thơ có tên lạ lùng như thế? Có thể là sự ngông ngạo của tuổi trẻ, nhưng quan trọng hơn, như Nguyễn Tất Nhiên có lần đã giải thích: “Người tình là Thiên Tai. Ngày xưa tôi nghĩ vậy?”.

Nguyễn Tất Nhiên qua nét vẽ Đinh Cường

Đánh giá một cách khách quan, thì mức độ nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên không hẳn dựa vào khả năng tan tỏa chữ nghĩa thi ca, mà chủ yếu dựa vào sức ảnh hưởng sâu rộng từ ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc. Riêng ca khúc “Thà làm giọt mưa” với giọng hát Duy Quang và Evils Phương đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc độc đáo.

Người chớm yêu, người đang yêu và người… hụt yêu đều thấy tâm tư bản thân trong bài hát: “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa, khô trên mặt Duyên. Để ta nghe thoáng, tiếng mưa vội đến, những giọt run run, ướt sợi lông măng. Khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn. Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên”.

Một người con gái tên Duyên, chỉ nhón chân vào bài hát mà để lại một dư ảnh ngập tràn nhớ nhung. Kỳ lạ hay, bài thơ “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy dựa theo để phổ nhạc lại không hề có một cái tên Duyên nào. Vậy, nguyên cớ nào một người con gái tên Duyên xuất hiện trong bài hát, mà chính nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng hài lòng? Nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời đã hé lộ rằng, sở dĩ ông đưa cô Duyên vào bài hát vì ông đọc tập thơ “Thiên tai” và cảm nhận được tình cảm sâu nặng mà Nguyễn Tất Nhiên dành cho người con gái tên Duyên.

Rõ ràng, cô Duyên không phải do nhạc sĩ Phạm Duy tưởng tượng ra rồi đưa vào ca khúc “Thà như giọt mưa” phổ theo bài thơ “Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên. Ngay trong tập “Thiên tai”, Nguyễn Tất Nhiên có hai bài thơ khác nhắc trực tiếp đến người con gái tên Duyên là “Đi trong mưa nhớ Duyên” và “Bài hối trên tay Duyên”. Như vậy, cô Duyên có thật! Trong lần phỏng vấn báo Tuổi Ngọc số 141 phát hành vào ngày 5/8/1974, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tiết lộ: “Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học của tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài… ”.

Những người cùng thời với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đều là những nhân chứng khẳng định, Nguyễn Tất Nhiên đã say đắm nữ sinh Bùi Thị Duyên khi cả hai cùng học chung trường Ngô Quyền ở Đồng Nai. Phần “lý lịch trích ngang” của Bùi Thị Duyên trong tập “Thiên tai” cũng được Nguyễn Tất Nhiên viết lại thành thơ: “Em mùa thi khua đôi guốc cao. Bàn chân Nam Định rất chiêm bao. Ta sợ bùn đen vây nếp chỉ. Bởi vì tháng bảy có mưa mau…”.

Mối tình của Nguyễn Tất Nhiên và Bùi Thị Duyên có những tương tác gì đáng nhớ chăng? Nguyễn Tất Nhiên lúc ấy như ông bộc bạch “Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạch chính hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của mình”, thì e khó có nữ sinh nào để mắt đến. Cô Bùi Thị Duyên cũng vậy. Dù Nguyễn Tất Nhiên trong tập “Thiên tai” đã chọn phương pháp chinh phục phái đẹp riêng “Khi giáp mặt người tình. Cứ lừa thế tấn công. Bằng tất cả thủ đoạn”. Đó là một điều răn. Dỗ tôi - người bất hạnh. Dỗ tôi - người hay quên”, nhưng cũng đành ngậm ngùi ôm nỗi tương tư trút vào bao câu thơ hụt hẫng: “Tôi có chỉ cho gia đình/ Người tôi yêu/ Là một nàng con gái bắc/ Mẹ tôi hai lần nhìn/ Dáng em đi/ Và nói nó còn nhỏ dại/ Không hiểu nó thương mày chỗ nào/ Tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ/ Tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim/ Vì hiểu rằng/ Muôn đời/ Em vẫn ngó tôi nửa mắt/ Có gì đâu/ Thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!”.

Bản nhạc “Thà như giọt mưa” in lần đầu tiên!

Tập thơ “Thiên tai” của Nguyễn Tất Nhiên trước khi được phát hành rộng rãi, thì tác phẩm ấy đã được chép tay thành 3 bản đặc biệt để lưu truyền trong trường học. Người ưu tiên được tặng một bản, dĩ nhiên là nữ sinh Bùi Thị Duyên. Thời gian nửa thế kỷ đã trôi qua như chớp mắt. Nữ sinh Bùi Thị Duyên “người từ trăm năm, về qua sông rộng, ta ngoặc mòn tay, nghìn trùng gió lộng” bây giờ đã là một người phụ nữ ngoài sáu mươi đang sinh sống ở bang Michigan - Mỹ. Quá khứ không “khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên” là để lại kỷ niệm đẹp.

Bà Bùi Thị Duyên chia sẻ: “Tôi biết sự hình thành quyển thơ “Thiên tai”, tất cả bạn bè trong lớp cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ… Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với anh ấy ngay từ đầu là mình làm bạn thôi. Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau Nguyễn Tất Nhiên phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp nhau. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm…”.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên qua đời năm 1992 tại Mỹ, khi vừa tròn 40 tuổi. Mối tình vô vọng với cô Duyên mà ông chắc chắn “Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng. Người thì không bắt bóng được bao giờ” đã để lại cho nhân gian một ca khúc nổi tiếng “Thà như giọt mưa”!

TUY HÒA (Kiến thức gia đình số 29)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tha-nhu-giot-mua-kho-tren-mat-duyen-post222692.html