Tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại

Ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước đã nói như vậy tại Hội thảo 'Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng – thực trạng và giải pháp hoàn thiện', do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 11/4 tại Hà Nội.

 Hội thảo Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng

Hội thảo Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng

Rất khó để kiểm soát quyền lực

Ông Vinh cho rằng, tham nhũng thực chất là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại và phát triển.

Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội...

Cũng theo ông Vinh, trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính.

Tuy nhiên theo ông Vinh, kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công việc, nhiều biện pháp, trước hết cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt, trong đó phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng hiến pháp, pháp luật, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát.

Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, Báo nhân dân cho biết, tại Việt Nam, tham nhũng là 1 trong 5 nước có tỷ lệ tham nhũng nhiều nhất Đông Nam Á. Điều đó cho thấy bức tranh về việc thiếu kiểm soát quyền lực ở Việt Nam rất rõ ràng.

“Tham nhũng trong công tác cán bộ là cội nguồn của mọi hành vi tham nhũng. Khi nạn tham nhũng trong công tác cán bộ, đặc biệt là chạy chức, chạy quyền theo cơ chế “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ…” trở thành thông lệ phổ biến mặc nhiên và tồn tại bên cạnh sự vô cảm trong xã hội, "đẻ" ra một bộ phận cán bộ lớn về số lượng và thấp kém về cả đạo đức và năng lực, thì hậu quả sẽ đắt đỏ khôn lường. Bởi lẽ, những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền” thì về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm mọi cách bất chấp quy định để chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức và giá trị lành mạnh của xã hội văn minh, lạm dụng tối đa quyền lực, nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn đầu tư ban đầu và tiếp tục củng cố lợi ích cá nhân, phe nhóm…” – TS. Phong nói.

Lợi ích nhóm cũng là hành vi cấu thành tội phạm tham nhũng

Tội phạm tham nhũng không thể xử lý theo kiểu “thiếu trách nhiệm”

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, chống tham nhũng là làm sao để phát hiện sớm những vụ vi phạm, kịp thời ngăn chặn những phát sinh, chứ không phải đến khi phát hiện ra những vụ tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng, thậm chí nhét cả củi tươi vào lò cũng cháy thì câu chuyện xử lý tham nhũng là thất bại.

“Từ chuyện vi phạm quy định thi cử thời gian gần đây ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình… cho thấy, chúng ta đang xây dựng bậc thang trên giá trị giả dối cho thế hệ tương lai. Những người vi phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi… Và đó chính là tham nhũng, lạm dụng quyền lực” – ông Ánh nói.

TS. Nguyễn Minh Phong đồng quan điểm: “Chúng ta thường phát hiện rất muộn các vụ tham nhũng, chỉ phát hiện khi những đối tượng đã hết chức và có sự chỉ đạo từ trên xuống. Điều này khiến chúng ta phải chạy theo hậu quả, chạy theo sự việc đã xảy ra rồi”.

Ông Phong nhấn mạnh, tội phạm tham nhũng không thể xử lý theo kiểu “thiếu trách nhiệm” hoặc “năng lực hạn chế”, “cố ý làm trái”… vì mục đích tư lợi, vụ lợi và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và méo mó môi trường đầu tư.

Hơn nữa cần tăng cường vai trò của Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước như những công cụ hữu hiệu nhất để không cho phép tội phạm tham nhũng “hạ cánh an toàn”, càng không được để các vụ phát hiện sai phạm lại chìm xuồng như công luận quan ngại.

Đưa ra những giải pháp để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, cần thiết phải rà soát, hệ thống hóa các quy định về giám sát của nhân dân trong các văn bản pháp luật để xác định rõ các vấn đề cơ bản về đối tượng giám sát, nội dung, phạm vi và phương pháp giám sát.

Ngoài ra cần bảo đảm sự tham gia của công dân trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức xã hội cũng cần được tăng cường để thực hiện việc giám sát, kiểm soát quyền lực. “Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng; xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý. Và quan trong hơn là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” – TS. Chinh nói.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tha-hoa-quyen-luc-la-manh-dat-mau-mo-de-tham-nhung-ton-tai-161629.html