Thà chết một mình nhưng bảo đảm an toàn cho biết bao người...

Hơn 50 năm kể từ khi còn là một cô gái trẻ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, đến bây giờ, cảm xúc về đồng đội và lúc thực hiện nhiệm vụ thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) vẫn vẹn nguyên trong tôi...

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Thị Tám

Thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: tư liệu

Thời ấy, những chàng trai, cô gái lứa tuổi chúng tôi phơi phới xuân xanh, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi là phát hiện bom rơi, đánh dấu và phá nổ bom, san lấp hố bom, đảm bảo thông đường các đoàn xe chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Tôi còn nhớ Tiểu đội nữ A4 - C552 - Tổng đội TNXP 55 ở Ngã ba Đồng Lộc lúc đó có 12 chị em. Những người lớn tuổi nhất là Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Nhỏ, Hồ Thị Cúc chỉ mới 24, người nhỏ tuổi nhất là Võ Thị Hà mới 17 tuổi, tất cả chưa ai lập gia đình. Với khí thế cả nước đánh giặc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chúng tôi một lòng xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nào ai có đắn đo, tính toán thiệt hơn.

Là lực lượng thanh niên xung phong - đơn vị chủ lực trong san lấp đường, phục vụ xe và bộ đội hành quân vào Nam, tất cả chúng tôi với khí thế “3 sẵn sàng” và ý chí “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã quyết tâm bám đường, bám cầu để bảo đảm cho xe thông tuyến bất kể ngày hay đêm; cứ địch phá là chúng tôi lại sửa chữa.

Bản thân tôi là một thành viên thuộc C2 đơn vị chủ lực của ngành giao thông vận tải huyện Can Lộc, được điều về Ngã ba Đồng Lộc từ tháng 12/1967 đến tháng 8/1968. Trong những ngày tháng chiến đấu đó, tôi được giao nhiệm vụ trinh sát bom. Mỗi ngày nhiều lần, tôi vượt qua bãi bom lên đỉnh núi Mòi làm nhiệm vụ: khi máy bay địch thả bom lắng nghe, dùng ống nhòm quan sát để đếm, xác định vị trí rơi của từng quả, chạy xuống cắm tiêu báo bom để các lực lượng khác rà phá.

Rất nhiều lần địch ném bom xung quanh núi Mòi, bom tạt ngay trước mặt rất nguy hiểm, nhưng tôi cũng không rời vị trí, vì đây là nơi quan sát tốt nhất.

Nữ anh hùng La Thị Tám ngày ấy đã đi vào huyền thoại (ảnh tư liệu).

Ở trên đỉnh đồi quan sát hàng ngày, tôi thấy rất rõ tội ác của giặc Mỹ, lòng căm thù và quyết tâm cao độ càng thôi thúc tôi phải tinh mắt, tinh tai, nhanh nhẹn, quyết đoán để xác định chính xác nhất vị trí bom rơi, loại bom, quả nào đã nổ, quả nào chưa nổ.

Sau mỗi trận đánh, tôi rời đỉnh đồi, chạy xuống vùng Ngã ba để cắm tiêu bên cạnh mỗi quả bom. Nhiều lúc vừa xuống tới bãi thì địch quay trở lại. Có lúc chúng ném đủ các loại bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi, bắn cả đạn 20 ly vào ngay nơi tôi vừa tới. Đất đá ở đây rắn lại và sắc như mảnh bom. Thế mà mỗi ngày, 3 hay 4 lần tôi đi suốt một vòng khu vực Ngã ba để làm nhiệm vụ.

Lúc đầu chưa quen, tôi mới dám vào gần cách quả bom 5 mét. Thấy như thế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết, tôi nghĩ thà chết một mình nhưng bảo đảm an toàn cho biết bao người làm nhiệm vụ, vì vậy tôi đã mạnh dạn vào sát hơn các quả bom để cắm tiêu. Hàng mấy chục lần bom nổ gần, đất đá vùi lấp cả người, nhưng tôi lại đứng dậy tiếp tục công việc của mình.

Những ngày cắm tiêu nhiều bom, chạy nhiều lần về nhà say nắng, tôi không ăn được cơm. Nhưng sáng hôm sau nghĩ đến đồng đội và an toàn cho đoàn xe ra tiền tuyến, tôi lại vượt bãi bom lên đồi quan sát cả ngày. Suốt thời gian làm nhiệm vụ trinh sát ở Ngã ba Đồng Lộc, tôi đã vào tận nơi cắm tiêu để công binh “khai tử” 1.205 quả bom các loại của giặc Mỹ.

Những tháng ngày ở đây, mỗi cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực sự, tôi là người rất may mắn khi trong bom đạn lại được sự quan tâm của các phóng viên báo chí. Hình ảnh người con gái còn rất trẻ khoác chiếc áo dù với chiếc ống nhòm luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, đã lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Văn Bảo; bức ảnh về tôi đã được đăng nhiều lần trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và cả trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ).

Sau này, trong những dòng tâm sự của mình, nhiếp ảnh gia Văn Bảo đã nói: “Phụ nữ bao giờ cũng đẹp. Nhưng có lẽ trong chiến tranh, họ lại đẹp rạng ngời và trở thành niềm say mê trong cuộc đời cầm máy ảnh đi chiến trường của tôi. Có nhiều người đã lọt vào ống kính của tôi, nhưng La Thị Tám đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên…”.

Anh hùng LLVT La Thị Tám nói chuyện truyền thống tại buổi giao lưu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc tổ chức tại hội trường xã Thạch Ngọc (Thạch Hà).

Hình ảnh tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái Quân khu IV vốn rất kiên cường, bất khuất mà trong đó có tôi vinh dự là người đại diện được Nhạc sỹ Doãn Nho khắc họa trong bài hát “Người con gái Sông La”. Mùa Đông năm 1970, khi được nghe bài hát này, tôi đã bật khóc. Vinh quang và công lao thuộc về tập thể nhưng bản thân tôi cũng đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Cuối năm 1968, tôi vui mừng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người. Ngày 22/12/1969, tôi được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ngoài 20 tuổi.

Sau nhiều năm công tác ở Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, tôi về nghỉ hưu tại phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh. Hàng năm, mỗi độ tết đến, xuân về hay dịp tháng 7, tôi đều về lại Ngã ba Đồng Lộc để thăm lại chiến trường xưa, thăm anh chị em và đồng đội thân yêu đã hòa dòng máu đỏ tươi và tấm thân mình để làm nên chiến thắng.

L.T.T

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/tha-chet-mot-minh-nhung-bao-dam-an-toan-cho-biet-bao-nguoi/156336.htm