TH - THCS - THPT Lê Quý Đôn (Bình Thuận): Chất lượng giáo dục là mục tiêu hàng đầu

Trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Quý Đôn (TP.Phan Thiết - Bình Thuận) là cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô bậc nhất hiện nay ở TP.Phan Thiết.

Cổng chính Trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Quý Đôn, Phan Thiết - Ảnh: Quế Hà

Trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Quý Đôn có tổng diện tích 1,2 ha. Diện tích xây dựng chỉ 29% với 5 tầng, còn lại dành toàn bộ là sân chơi cho học sinh. Hiện trường có 750 học sinh. Tất cả các phòng học đều có máy lạnh, nhà ăn, nhà nghỉ cho từng cấp học; có hồ bơi, nhà thể thao riêng biệt. HS không phải đóng tiền cơ sở vật chất, giảm học phí từ 5-10% cho HS có anh, em ruột học cùng trường. Hiện nay trường có 86 giáo viên, tới 93% tốt nghiệp đại học và 3% đã có bằng thạc sĩ. Ngoài ra trường còn có giáo viên chuyên nhạc, họa, múa và thể dục.

Với phương châm “chất lượng là ưu tiên hàng đầu”, Trường Lê Quý Đôn đang trở thành “điểm sáng” về mô hình giáo dục ngoài công lập, được đông đảo phụ huynh, học sinh tin tưởng.

Ngôi trường của tâm huyết

Ông Lưu Thăng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Thắng, chủ đầu tư, nhà sáng lập Trường Lê Quý Đôn là một nhà giáo xuất thân từ giáo viên dạy Toán bậc THPT. Sau gần 20 năm đi dạy, ông Long luôn trăn trở với nghề và sự nghiệp giáo dục của quê nhà: “Làm thế nào để đào tạo được thế hệ trẻ có chất lượng tốt nhất? Làm thế nào để có được mô hình giáo dục tiến bộ, đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hiện nay?”. Những câu hỏi này luôn thôi thúc thầy giáo Long trong quá trình “thai nghén” mô hình giáo dục mà Trường Lê Quý Đôn đang áp dụng. Năm 2012, Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Thắng kiến nghị chủ trương mở trường tư thục Lê Quý Đôn. Đến năm 2013, đề xuất này được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận. Tháng 6.2013, Trường Lê Quý Đôn chính thức đi vào hoạt động. “Thời gian đầu mới thành lập, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì phải thuê cơ sở dạy học. Mãi đến cuối 2015, nhà trường mới được tỉnh cho thuê đất. Việc xây dựng cơ sở được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, cái khó trước mắt là công ty phải đóng 9 tỉ đồng tiền cơ sở hạ tầng và chỉ được miễn tiền thuê đất 25 năm”, ông Long kể.

Ưu tiên chất lượng giáo dục

“Tiêu chí của Trường Lê Quý Đôn là chất lượng dạy học. Vì thế, mọi chủ trương, kế hoạch phải hướng đến chất lượng một cách hoàn thiện nhất”, ông Long chia sẻ. Theo ông Long, trường được thành lập trong bối cảnh nguồn nhân lực ngành sư phạm khá phong phú. Do vậy nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất của trường hiện nay không phải là vốn, mà là xây dựng chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Đây là mục tiêu hàng đầu mà nhà trường đặt ra. Để có thể tập trung vào chất lượng, cả 3 bậc học là Tiểu học, THCS, THPT hiện nay đều có sĩ số không quá 30 học sinh/lớp. “Hiện nay mức thu nhập bình quân của người dân TP.Phan Thiết chưa phải là cao so với một số nơi khác. Do vậy, không thể áp dụng một mức học phí quá cao. Điều này là khó khăn, cản trở quyết tâm của nhà đầu tư muốn hướng đến một ngôi trường đạt chuẩn về chất lượng”, ông Long chia sẻ.

Một tiết sinh hoạt ngoại khóa của thầy và trò nhà trường

Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang thực hiện thay đổi chương trình và sách giáo khoa, Trường Lê Quý Đôn chú trọng chất lượng của mình theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm”. Chú trọng phát triển năng khiếu của các em và rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống ngay từ nhỏ. Nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến giảng dạy môn tiếng Anh. Hiện nay trường tổ chức dạy tiếng Anh ngay từ lớp 1. Học sinh được làm quen với giáo viên người bản ngữ trong các giờ học nghe, nói. Lịch học tiếng Anh 8 tiết/tuần với các thiết bị nghe, nhìn hiện đại nhất.

Được biết trong thời gian tới, nhà trường sẽ thành lập Trung tâm Ngoại ngữ với sự liên kết với Trung tâm Anh ngữ Cambridge. Khi đó các em không chỉ được phát triển năng khiếu ngoại ngữ của mình, mà còn được trải qua các kỳ thi quốc tế về tiếng Anh.

“Làm giáo dục khác hẳn với việc kinh doanh đơn thuần. Mục tiêu chất lượng giáo dục đạo đức, trang bị kiến thức cho các em được đặt lên trên lợi ích kinh tế. Dù còn khó khăn, song đây là tiêu chí mà chúng tôi quyết tâm theo đuổi để có một ngôi trường xứng tầm với xu thế đổi mới giáo dục”, ông Long nhấn mạnh.

Sự ra đời của Trường Tiểu học, THCS, THPT Lê Quý Đôn - Phan Thiết là minh chứng cho chủ trương xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Trường Lê Quý Đôn là mô hình trường tư thục có 3 cấp học đầu tiên của tỉnh với sự đầu tư đầy tâm huyết của các nhà đầu tư. Với sự phát triển của mạng lưới các trường tư thục như hiện nay đã làm giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập, tạo sự đa dạng giữa các loại hình trường công, tư thục; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Lê Quý Đôn là một trong những trường tư thục đi đầu của tỉnh về đổi mới về quan điểm, tư duy, mục tiêu giáo dục. Đặc biệt, trường đã đổi mới công tác quản lý và điều hành; giáo viên chuyên trách chăm lo cho từng học sinh về mọi mặt, rèn luyện cho các em về phong cách, đạo đức và kỹ năng sống. Trường đã tạo nên luồng gió mới trong phương pháp dạy học với mục tiêu đề ra là rèn luyện cho các em thói quen tự học, tự lập và tự giác.

Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Thuận.

Nguồn: Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Bình Thuận)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/ban-can-biet/th-thcs-thpt-le-quy-don-binh-thuan-chat-luong-giao-duc-la-muc-tieu-hang-dau-947374.html