TGĐ VOV Nguyễn Thế Kỷ dự Hội thảo Ngữ học toàn quốc 2019

TGĐ VOV khẳng định: VOV quan tâm thường xuyên tới việc trau dồi và phát triển tiếng Việt, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mình

Chiều 7/6, tại tỉnh Bình Dương, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức Hội thảo Ngữ học toàn quốc năm 2019 với 2 chủ đề“ Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển", "Giáo dục đại học với việc phát triển ngôn ngữ”.

Đến dự có PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong cả nước.

PGS-TS Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc 2019

PGS-TS Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc 2019

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong cả nước đánh giá một cách toàn diện những vấn đề cơ bản, thời sự của Ngôn ngữ Việt Nam. Đồng thời kết nối các thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ và mở đường cho những hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Hội thảo tiếp nhận 260 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, đề cập nhiều chủ đề quan trọng, bức thiết về nghiên cứu ngôn ngữ học tại Việt Nam trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế. Đó là các vấn đề về Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, Bản ngữ và Ngoại ngữ, Ngôn ngữ với văn chương, Ngôn ngữ và Văn hóa, Phương ngữ học và Phương ngữ Đông Nam Bộ, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Hội thảo khẳng định, đề cao vị trí, vai trò, giá trị của tiếng Việt- ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, đã có lịch sử hàng ngàn năm, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; đồng thời quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc, phương ngữ và phương ngữ Nam Bộ; đẩy mạnh việc học ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) ở nước ta hiện nay cả về phạm vi và chiều sâu. Các đại biểu Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 7 đang diễn ra đã nêu chất vấn, kiến nghị và được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời, khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hơn, đã và đang triển khai nhiều giải pháp cần thiết để bảo vệ và phát triển Tiếng Việt trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài phát thanh quốc gia có đầy đủ 4 loại hình báo chí, 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, 2 báo điện tử, 1 báo in, phát sóng với dung lượng khổng lồ từ ngữ tiếng Việt và 13 tiếng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, 13 thứ tiếng nước ngoài…do đó, vấn đề ngôn ngữ đang bàn, sẽ tiếp tục bàn, là rất bổ ích và cần thiết.

Đài Tiếng nói Việt Nam, dù đang phát sóng nhiều thứ tiếng các dân tộc anh em và nhiều thứ tiếng nước ngoài thì tiếng Việt vẫn giữ vai trò chủ đạo trong truyền thông đa phương tiện của Đài. Đài Tiếng nói Việt Nam đã quan tâm thường xuyên tới việc trau dồi và phát triển tiếng Việt, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mình. Đồng thời thấy trách nhiệm hàng đầu của mình trong các cơ quan báo chí về việc giữ gìn và bảo vệ trong sáng của tiếng Việt.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: “Ở góc độ của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, một cơ quan trực thuộc Ban Bí thư, chúng tôi luôn tâm đắc với nội dung của Hội thảo, nhất là các tiểu ban Ngôn ngữ và Văn hoa, Ngôn ngữ với Văn chương, Ngôn ngữ và Việt ngữ học…Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong nhận được sự cộng tác nhiều hơn của các nhà trường, học viện, của Hội ngôn ngữ học Việt Nam và của các nhà khoa học trong thời gian tới. Trong nhiều vấn đề mà chúng ta quan tâm, Đề tài khoa học cấp nhà nước “Xây dựng bộ luật Ngôn ngữ quốc gia ở Việt Nam” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là địa hạt, là nhiệm vụ mà chúng ta có thể hợp tác nhiều mặt và tích cực”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN cùng các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, sáng nay đã diễn ra các buổi thảo luận tại 3 tiểu ban gồm; tiểu ban Bản ngữ và ngoại ngữ, tiểu ban Ngôn ngữ và văn hóa, tiểu ban Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, với 21 báo cáo khoa học tiêu biểu cùng nhiều ý kiến đa chiều./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tgd-vov-nguyen-the-ky-du-hoi-thao-ngu-hoc-toan-quoc-2019-918607.vov