TGĐ Vinasport: Né tránh, cản trở báo chí để che đậy bản chất sự việc?

Liên quan đến việc phản ánh những dấu hiệu sai phạm tại Vinasport, PV của Báo Đời sống & Pháp luật đã nhiều lần bị ông Phạm Quang Anh từ chối, ngăn cản, đe dọa, xúc phạm và gửi văn bản phản ánh sai bản chất sự việc?

Kỳ IV: Ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport đang cố tình cản trở, đe dọa báo chí để bưng bít thông tin và che đậy sai phạm?

Né tránh, cản trở báo chí…

Như chúng tôi đã phản ánh qua bài viết “Tổng giám đốc Vinasport cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật?” đã có hành vi từ chối, đe dọa, xúc phạm PV nhằm ngăn cản PV tiếp cận thông tin, xác minh làm rõ những nghi vấn dư luận đang quan tâm.

Không chỉ không tiếp PV với lý do rất vô lý và trái với quy định hiện hành của pháp luật là PV không có “Thẻ nhà báo” mà ông Phạm Quang Anh còn bày tỏ sự “coi thường” báo chí khi cho rằng: “Giấy giới thiệu chẳng có giá trị gì với anh cả”. Thậm chí, ông Phạm Quang Anh còn đưa ra những thông tin mang tính hù dọa PV: “Anh đã gửi công văn sang cả Bộ Thông tin…Còn ba cái thằng lăng nhăng ấy ngày xưa nó hay thuê em đến việc nọ việc kia ấy thì nó không có tuổi gì ngồi nói chuyện với bọn anh. Thời bây giờ nó khác rồi. Đừng cầm ba cái đồng ranh, ba lăng nhăng ấy là em khổ đấy…”.

Về những nội dung này, ngày 20/10/2018, Báo Đời sống & Pháp luật đã ban hành văn bản số 202/2018/ĐSPL gửi tới các cơ quan chức năng và Vinasport, khẳng định hành vi của ông Phạm Quang Anh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí năm 2016 và đề nghị Vinasport hợp tác với PV cung cấp thông tin khách quan trung thực đúng sự thật nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động tác nghiệp báo chí.

Tuy nhiên, sau khi bài báo được đăng tải, PV và cơ quan báo chí đã nhận được những thông tin phản hồi rất tích cực từ phía Vinasport qua một số thành viên HĐQT, Đảng ủy, đại diện Công đoàn Công ty và đông đảo người lao động của Vinasport. Riêng ông Phạm Quang Anh vẫn tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác với báo chí với nhiều lý do.

Để rộng đường dư luận, Chuyên trang Hôn nhân và Pháp luật thuộc Báo Đời sống & Pháp luật sau đó đã đăng loạt bài viết có liên quan phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của các đơn vị, cá nhân có liên quan (Trong đó có nêu rõ những hành vi bất hợp tác với báo chí của ông Phạm Quang Anh; ghi nhận một số dấu hiệu sai phạm liên quan đến công tác điều hành, quản lý của TGĐ Vinasport - Phạm Quang Anh). Trong những bài viết có liên quan nêu trên, PV và báo không hề khẳng định hay đưa ra những lập luận chủ quan.

Sau khi báo đăng, ông Phạm Quang Anh tiếp tục ký ban hành văn bản số 238/2018/CV- TDTT, ngày 28/11/2018 đưa ra những lập luận “lập lờ” và bằng chứng không đầy đủ dẫn tới cách hiểu sai bản chất sự việc và quy chụp cơ quan báo chí phản ánh sai sự thật và yêu cầu báo phải “xin lỗi công khai và đính chính” trong những bài viết có liên quan.

Văn bản do ông Phạm Quang Anh ký gửi các cơ quan chức năng với nhiều nội dung "mập mờ" nhằm cản trở báo chí; đánh lạc hướng dư luận và cơ quan chức năng?

“Mua” Công ty Cao Huân: Hai đối tượng bị truy tố trước pháp luật

Bản chất thực sự của việc “mua bán” Công ty Cao Huân của ông Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn, Nguyễn Văn Hiền (trước đây) và của những người có liên quan đến ban điều hành Vinasport hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn đề “lùm xùm” cũng như nguy cơ dẫn tới hàng loạt công nhân mất việc tại Vinasport?

Bản kết luận Điều tra bổ sung vụ án hình sự đề nghị truy tố số 68/C46 – P12 ngày 19/6/2018 của Cơ quan cảnh sát Điều tra Bộ Công an do ông Phạm Quang Anh cung cấp cho báo Đời sống và Phát luật đã hé lộ nhiều câu trả lời làm sáng tỏ vấn đề trên cũng như chỉ rõ hơn những dấu hiệu vi phạm trong quá trình điều hành tại Vinasport thời gian gần đây. Cụ thể văn bản của cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cho thấy:

- Khoản tiền 15,4 tỷ đồng để mua Công ty Cao Huân là tiền của Vinasport (Công ty TDTT) được hạch toán vào tài khoản 1388 trên sổ sách của Vinasport, không phải là tiền của Công ty Khu Đông…

- Vinasport nhận chuyển nhượng lại toàn bộ vốn góp của các thành viên Công ty Cao Huân với giá 16 tỷ đồng (đã bao gồm mọi khoản thuế, phí, chi phí có liên quan), không có Hội đồng thẩm định giá trị tài sản của cơ quan chuyên môn nào, không đề nghị cơ quan chuyên môn nào xác định giá trị của Công ty Cao Huân; không thông qua Đại hội đồng cổ đông Vinasport; không xin ý kiến của Chủ sở hữu phần vốn Nhà nước là Bộ VHTTDL và cũng không có bất cứ văn bản, tài liệu nào báo cáo, xin ý kiến của UBND thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội là trái với quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 12 và Điều 31 Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lí vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ – CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ và Điều 6, Quy chế hoạt động của Người đại diện ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, ban hành kèm theo Thông tư 21/2014/TT – BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.

- Ba thành viên đứng tên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty Cao Huân sang Vinasport đã cam kết: Toàn bộ số tiền để thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp trên (từ việc mua là Công ty Cao Huân) là của Vinasport; Không ai được tự ý chuyển nhượng lại cho bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân nào khác nếu không có sự cho phép của Vinasport và có nghĩa vụ tiến hành mọi công việc để nhanh chóng chuyển giao cơ sở sản xuất của Công ty Cao Huân sang chủ sở hữu thật là Vinasport.

- Ông Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong việc mua Công ty Cao Huân làm thiệt hại của Vinasport 15,4 tỷ đồng là đặc biệt nghiêm trọng.

- Ngày 14/6/2018, ông Bùi Duy Nghĩa, Trình Quốc Toàn và ông Nguyễn Văn Hiền (nghi can đang bị bắt tạm giam tại trại giam T16 – PV) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Cao Huân cho ông Nguyễn Mạnh Hùng với giá 15,4 tỷ đồng để trả lại cho Vinasport. Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã chuyển 15,4 tỷ đồng vào tài khoản của Vinasport tại Ngân hàng Vietcombank Hà Nội. Tài khoản này đang được ngân hàng phong tỏa đến khi nào hai bên hoàn tất việc chuyển nhượng thì phía Vinasport mới chính thức được thụ hưởng. Hiện nay, thủ tục chuyển nhượng và thanh toán tiền vẫn đang tiến hành, chưa hoàn tất (Tại thời điểm lập văn bản 19/6/2018 – PV).

Sau khi hoàn thành điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra bổ sung đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục đề nghị truy tố với 02 bị can: Bùi Duy Nghĩa và Trịnh Quốc Toàn.

Ngày 28/11/2018 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Bùi Duy Nghĩa (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam - Vinasport) 14 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Một số cá nhân cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động đã bị xử lý và giờ đây ai phải chịu trách nhiệm khi đẩy họ đến nguy cơ mất việc...?

“Bán” Công ty Cao Huân: Những dấu hiệu vi phạm hình sự?

Các đối tượng “mua” Công ty Cao Huân trước đây đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vậy để tránh những sai phạm tương tự trong quá trình “bán” Công ty Cao Huân thì những người điều hành hiện tại ở Vinasport mà trực tiếp là TGĐ Phạm Quang Anh đã tiến hành các công việc có liên quan đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật chưa?

Cụ thể những vấn đề được đặt ra như: Tài sản mang tính “tang vật” của một vụ án hình sự nêu trên là “Công ty Cao Huân” có được chuyển nhượng dưới mọi hình thức trong quá trình cơ quan chức năng đang điều tra hay không? Nếu có thì ai là người có đủ thẩm quyền quyết định việc này?; Giá chuyển nhượng đã được Hội đồng thẩm định giá trị tài sản của cơ quan chuyên môn nào đánh giá hay chưa?; Việc chuyển nhượng đã được Chủ sở hữu phần vốn Nhà nước là Bộ VHTTDL có ý kiến chỉ đạo chính thức nào chưa?; Chủ trương cho chuyển nhượng đã được thông qua Đại hội đồng cổ đông Vinasport chưa?; HĐQT đã ban hành Nghị quyết về việc đồng ý bán Công ty Cao Huân (một phần tài sản lớn hơn vốn Điều lệ của Vinasport); Thủ tục, trình tự và vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước đã đảm bảo đúng các quy định theo Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lí vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ – CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ và Điều 6, Quy chế hoạt động của Người đại diện ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, ban hành kèm theo Thông tư 21/2014/TT – BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính…?

Hơn ai hết, ban điều hành Vinasport hiện tại và những người có liên quan, đứng đầu là ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport sẽ là người có câu trả lời rõ nhất cho vấn đề này?!

Về việc này, TGĐ Phạm Quang Anh khẳng định: “Ngày 14/6/2018, được sự đồng ý của Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị can Bùi Duy Nghĩa đã tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của mình tại Công ty Cao Huân cho sở hữu mới của Công ty Cao Huân và trả lại số tiền 15,4 tỷ đồng cho Công ty TDTT, đồng thời đề nghị Công ty TDTT bàn giao lại nhà máy tại Cụm công nghiệp Thanh Oai”. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh không gửi kèm văn bản có liên quan của Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo về việc này mà ông chỉ giải thích chung chung rằng: “Việc Công ty TDTT (Vinasport) nhận lại 15,4 tỷ đồng cũng đồng nghĩa với việc Công ty TDTT phải trả lại tài sản là nhà máy Cao Huân cho Công ty Viko8 là hoàn toàn đúng pháp luật.”

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vinasport ông Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng 3 cá nhân Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn, Nguyễn Văn Hiền sử dụng tiền của Vinasport mua công ty Cao Huân và chuyển nhượng lại Cao Huân cho người khác phải thông qua HĐQT và cơ quan bảo vệ pháp luật có thẩm quyền trước khi quyết định. Kể cả việc nhận lại số tiền 15,4 tỷ để khắc phục hậu quả của 3 cá nhân trên, cũng chưa hề có bất cứ văn bản liên quan nào của HĐQT. Đây là hành vi vi phạm Điều lệ công ty và các quy định pháp luật.

Theo đại diện Đảng ủy và Công đoàn Công ty Vinasport thì HĐQT đã có Nghị quyết yêu cầu TGĐ Phạm Quang Anh báo cáo về việc chuyển nhượng, giải thích những bất hợp lý trong hợp đồng chuyển nhượng…nhưng TGĐ không thực hiện, mà còn tự ý ký nhiều văn bản “vượt quyền”, không thông qua HĐQT, cũng không xin ý kiến chỉ đạo như: văn bản số 113/CV- CTTTVN ngày 1/6/2018 gửi C46 Bộ Công an; Văn bản cam kết bàn giao Công ty Cao Huân cho VIKO8 ngày 14/8/2018; Các quyết định số 74, 75/QĐ-CTCPTT…

Ông Thạch cho biết thêm, tại văn bản số 3612/BVHTTDL – KHTC ngày 12/9/2016 của Bộ VHTTDL gửi Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport cho chủ trương thu hồi số tiền 15,4 tỷ đồng mà Vinasport chuyển mua Công ty Cao Huân nhưng phải đảm bảo “theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành”. Tức là, quy trình thực hiện phải tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, điều lệ Công ty.

Theo đó, Vinasport phải họp HĐQT, Đại hội cổ đông cho chủ trương, phương án, sau đó thống nhất giao Ban điều hành, TGĐ tổ chức triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Đối với tài sản lớn, đã trải qua một thời gian dài và khi mua chưa được một cơ quan nào thẩm định giá chuyển nhượng thì phải qua khâu thẩm định giá của một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền; Việc chuyển nhượng phức tạp có liên quan nhiều đối tượng thì phải có cơ quan tư vấn độc lập…

Tuy nhiên, cũng giống như ông Bùi Duy Nghĩa và Trịnh Quốc Toàn khi “mua” Công ty Cao Huân, ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport đã tự ký quyết định một mình và cố ý viện dẫn sai lệch tinh thần chỉ đạo từ các văn bản của Bộ VHTTDL, Đảng ủy Công ty Vinasport và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cũng theo phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Thạch thì sau đồng ý nhận 15,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả của các cá nhân sai phạm có liên quan đến việc mua bán Công ty Cao Huân, TGĐ Phạm Quang Anh đã tự ký ủy nhiệm chi để chuyển toàn bộ số tiền này trả nợ cho Công ty An Phú Hoàng Gia.

Về nội dung này, Luật sư Lê Minh Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nếu những phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Thạch, đại diện Đảng ủy, Công đoàn và người lao động tại Vinasport là đúng và có đầy đủ chứng cứ thì những hành vi của ông Phạm Quang Anh là rất nghiêm trọng. Bởi tại văn bản kết luận điều tra bổ sung số 68/C46 – P12 ngày 19/6/2018 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khẳng định: “Căn cứ vào sổ sách và chứng từ kế toán thì số tiền 15,4 tỷ đồng được chuyển khoản từ tài khoản của Công ty TDTT, là tiền của Công ty TDTT không phải là tiền của bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác…”.

Vì vậy, việc ông Phạm Quang Anh tự ý chuyển số tiền trên không căn cứ vào hợp đồng, thanh lý và các giao dịch hợp pháp khác có liên quan là hành vi vi phạm pháp luật và Điều lệ Công ty. Theo Điều 19, Điều lệ Công ty Vinasport quy định về phân cấp quản lý tài chính thì TGĐ chỉ được ký kết, giao dịch các hợp đồng từ 500 triệu đến tối đa 1 tỷ đồng.

Căn cứ chức năng quyền hạn và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước (Quy chế hoạt động của Người đại diện ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tại Thông tư 21/2014/TT – BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính), ngày 20/10/2018, hai thành viên đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport là ông Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty và ông Lê Hồng Nam, Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Công đoàn Công ty đã ký tên văn bản số 10/BC – NĐDPVNN báo cáo một số sự việc có liên quan đến hoạt động của Vinasport gửi các cơ quan chức năng có liên quan.

Văn bản của TAND quận Đống Đa đề nghị Công an quận Đông Đa xem xét khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hoạt động điều hành của TGĐ Vinasport Phạm Quang Anh

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ngày 13/11/2018, Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) ban hành văn bản số 453/2018/CA – TA gửi Công an quận Đống Đa với nội dung: “Sau khi nghiên cứu đơn khởi kiện cùng các chứng cứ tài liệu gửi kèm đơn khởi kiện, Tòa án nhân dân quận Đống Đa nhận thấy hành vi của ông Phạm Quang Anh có dấu hiệu phạm tội hình sự, do vậy cần chuyển toàn bộ đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo đến Công an quận Đống Đa xem xét khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền”.

Chiều ngày 23/11/2018, PV báo Đời sống và Pháp luật đến Công an quận Đống Đa (Hà Nội) để xác minh thông tin thì được biết, Công an quận Đống Đa đã tiếp nhận hồ sơ, tài liệu và văn bản liên quan đến dấu hiệu sai phạm của TGĐ Phạm Quang Anh từ Tòa án nhân dân quận Đống Đa về việc đề nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự.

Để rộng đường dư luận, báo Đời sống và Pháp luật đã cử PV liên hệ đặt lịch làm việc với Bộ VHTTDL nhiều lần, tuy nhiên cho đến nay báo vẫn chưa nhận được sự phản hồi chính thức nào từ phía Bộ VHTTDL…?!

Một lần nữa, báo Đời sống & Pháp luật khẳng định: PV và cơ quan báo chí phản ánh những thông tin có liên quan đến những dấu hiệu vi phạm tại Vinasport là khách quan, trung thực, đúng pháp luật. Đồng thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport đã ký văn bản số 209/CV – CTCPTT ngày 17/10/2018 và Công văn số 238/2018/CV – TDTT ngày 28/11/2018 với nhiều nội dung sai sự thật nhằm che đậy những dấu hiệu sai phạm và nhằm mục đích ngăn cản, đe dọa, vu khống cho PV và cơ quan báo chí thông tin sai sự thật.

Từ những diễn biến phức tạp của vụ việc, sự đe dọa, cản trở PV tác nghiệp và thái độ bất hợp tác của ông Phạm Quang Anh, TGĐ Vinasport, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm có biện pháp bảo vệ PV và cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những diễn biến mới nhất có liên quan đến vụ việc nêu trên...!

Nhóm PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tgd-vinasport-ne-tranh-can-tro-bao-chi-de-che-day-ban-chat-su-viec-55413.htm